Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh vào ngày 11-10, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhận định trong những ngày sắp tới tiên lượng số bệnh nhân nhiễm COVID-19 sẽ không tăng đột biến. Hôm qua có 499 ca nhiễm mới thì có 427 ca trong khu cách ly tập trung, 69 ca trong khu phong tỏa và 3 ca trong cộng đồng.
Theo Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai trong những ngày tới sẽ có vài trăm ca nằm các khu cách ly, số nhập viện đã giảm rất nhiều. Vì vậy sẽ lấp đầy bệnh viện còn lại, đóng cửa một vài bệnh viện theo lộ trình trả dần các bệnh viện dã chiến lại cho các trường học, rút các bác sĩ, điều dưỡng từ các bệnh viện dã chiến về để phục vụ người dân khám chữa bệnh bình thương.
"Hiện nay tỉ lệ người dân tiêm vaccine đã cao nhưng phải luôn cảnh giác những ổ dịch mới, dứt khoát không để xảy ra những ổ dịch to vài trăm ca. Cho nên việc tầm soát các Phòng y tế, trung Tâm y tế các huyện thành phố tư vấn cho Ban chỉ đạo về những nơi nguy cơ như chợ, siêu thị để thường xuyên test kiểm tra", ông Phan Huy Anh Vũ nói thêm.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai lo lắng về vấn đề lây nhiễm trong cộng đồng giảm đáng kể, lây nhiễm trong khu cách ly quá lớn. Ảnh: VŨ HỘI.
Tuy nhiên sau khi nghe báo cáo số ca nhiễm trong khu cách ly, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khá lo lắng vì "trong ngày 499 ca nhiễm mới thì trong khu cách ly tập trung đã là 427 ca, như thế có kinh khủng không? Như vậy F1 chuyển thành F0 là rất nhiều. Lây nhiễm trong cộng đồng giảm đáng kể, lây nhiễm trong khu cách ly quá lớn".
Vì vậy, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định, nếu xử lý được khu cách ly tập trung giảm được thì con số nhiễm chỉ 2 con số. Ông yêu cầu phải tập trung giải quyết khu cách ly, kéo ca nhiễm trong khu cách ly giảm xuống tối đa.
"Cần phải cử người Ban chỉ đạo vào kiểm soát mấy khu này, đông quá thì giãn vì ra sắp tới F1 cho cách ly tại nhà. Cách ly F1 tại nhà có khi thành công, đưa vô khu cách ly có khi thành F0 hết. Sắp tới Sở Y tế phải có cách giảm số ca F0 trong khu cách ly tối đa", Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Giải thích về nội dung này, Giám đốc Sở Y tế thì cho rằng những ca chuyển thành F0 không hẳn là những ca F1 mà thực chất sau đó test dương tính. Ông Vũ đưa ví dụ: trong gia đình có 1 ca F0, 5 người cùng nhà thuộc F1 đưa vào khu cách ly thì ngày hôm sau 5 ca F1 dương tính.
Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai giải thích trong cuộc họp Ban chỉ đạo. Ảnh: VŨ HỘI.
Tuy nhiên Bí thư Tỉnh ủy đã đưa ra ví dụ tại một bệnh viện ngoài Hà Nội. Tại đây có 2.000 người thuộc diện F1 nhưng sau chỉ có 60 ca nhiễm F0. Còn lại không trở thành F0 mặc dù họ là F1. "Đâu phải F1 nào cũng trở thành F0 nếu chúng ta cách ly đúng và hiệu quả; nếu chúng ta quản lý không khéo F1 trở thành F0 rất dễ", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Về vấn đều này, ông Võ Văn Chánh - Bí thư Thành ủy Biên Hòa cho biết, hiện trên địa bàn thành phố còn khoảng 3.900 người thuộc diện F1 trong cách khu cách ly. Có thể do những trường hợp F1 nguy cơ cao đưa vào khu cách ly nên phần lớn trở thành F0. Còn có lây nhiễm chéo trong khu cách ly hay không thì ngành y tế cần kiểm tra đánh giá.
"Nhưng về phía cá nhân tôi thì có xảy ra lây nhiễm chéo vì trong một phòng có 1 người chuyển F0 thì chắc chắn người còn lại lây nhiễm", ông Võ Văn Chánh nói thêm.
Trường hợp F1 đưa vào trong khu cách ly tập trung chuyển thành F0, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng cần tính toán tách F1 nguy cơ cao và F1 nguy cơ không cao để đưa vào khu cách ly tập trung hay cách ly tại nhà. Khi vào khu cách ly tập trung thì F1 nào ở cùng nhau, phải rõ ràng không để F1 nguy cơ cao ở cùng F1 nguy cơ thấp để rồi lây chéo cho nhau hết. Vì vậy ông đề nghị ngành y tế tính toán khu cách ly phải đảm bảo.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu Sở Y tế phối hợp với TP Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch là 2 địa phương có số người thuộc diện F1 lớn phải thực hiện giãn cách các khu cách ly F1, tránh nguy cơ lây lan. Ngoài ra đề nghị UBND tỉnh nhanh chóng xây dựng kế hoạch duy trì điều trị và quản lý F0 và F1 trong tình hình mới.