Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc có thể trầm trọng hơn khi mưa lớn và lũ lụt những ngày qua đã buộc nhiều hầm mỏ tại tỉnh Sơn Tây - nơi đóng góp tới 30% sản lượng than của Trung Quốc, phải đóng cửa.
Chính quyền địa phương cho biết đã phải đóng cửa gần 1/10 trên tổng số 682 mỏ than tại địa phương. Thông tin này ngay lập tức khiến giá than kỳ hạn trên sàn hàng hóa Trịnh Châu tăng gần 12% lên mức cao kỷ lục 218,74 USD/tấn.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt 30 - 40 triệu tấn than trong quý IV năm nay, từ đó khiến sản lượng điện bị cắt giảm khoảng 10 - 15%.
Trước tình hình trên, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức cho phép các nhà máy điện được quyền tăng giá bán để bù lỗ. Song điều này nhiều khả năng sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Ngày 8/10, chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các kiểm soát về giá điện, theo đó các nhà máy điện được quyền tăng giá điện tối đa là 20% so với khung tiêu chuẩn. Mức tăng này cao gấp đôi so với các quy định trước đó.
Các nhà phân tích của công ty tài chính Nomura (Nhật Bản) ước tính giá điện tăng sẽ đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI thêm 0,4 điểm phần trăm, trong khi công ty Societe Generate SA dự báo con số này là 0,1 điểm phần trăm.
"Các nhà sản xuất sẽ chịu áp lực phải chuyển một phần chi phí tăng thêm này vào giá bán cho người tiêu dùng", ông Bruce Pang - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô, công ty China Renaissance nói.
Các đường dây điện ở Đông Hoản, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: NYT
Lạm phát tăng sẽ khiến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc giảm thấp hơn nữa trong các tháng cuối năm, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã chịu nhiều tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng bất ổn trên thị trường bất động sản.
Lạm phát giá tại các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 9 đã đạt mức tăng 10,5% trong tháng 9 so với cùng kì năm ngoái - mức tăng cao nhất kể từ năm 1995. Giới chuyên gia dự đoán các nhà sản xuất không thể chịu đựng mãi các phí tổn này và cuối cùng sẽ phải tăng giá bán hàng hóa.
Bà Tracy Liao - nhà phân tích của ngân hàng Citigroup cho hay: "Tôi cho rằng tình trạng đứt gãy sản xuất sẽ dẫn đến việc Trung Quốc xuất khẩu lạm phát thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu".
Kể từ đầu tháng 9, Trung Quốc đã hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng khiến nước này phải cắt điện luân phiên ở 16 tỉnh thành, trong đó có cả các đô thị lớn và trung tâm sản xuất công nghiệp như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa, tạo thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
VTV.vn - Kinh tế thế giới đang vật lộn với đại dịch COVID-19, nay phải đối diện thêm thách thức từ cuộc khoảng điện tại Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.80742941211011202-neid-aig-gnat-hnid-teyuq-ut-tahp-mal-oc-yugn-couq-gnurt/et-hnik/nv.vtv