TS-BS Phan Thảo Nguyên, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) E (Hà Nội); ThS-BS Trần Xuân Tùng, Phó Trưởng Khoa hồi sức tích cực theo yêu cầu, BV Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng); TS-BS Chu Thanh Sơn (BV Nhi trung ương) là ba trong số hàng chục ngàn nhân lực y tế tuyến đầu từ phía Bắc vào hỗ trợ TP.HCM trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP này.
Hai tháng đẫm mồ hôi, nụ cười và nước mắt
Sau 56 ngày đêm làm việc tại tâm dịch BV Ung bướu 2 (TP.HCM), TS-BS Phan Thảo Nguyên, Phó Giám đốc BV E và 45 chiến sĩ áo trắng của BV này được trở về nhà. Với họ, gần hai tháng trôi qua là một cuốn hồi ký khó quên trong suốt quãng đời còn lại. Cuốn hồi ký có chất chứa cả niềm vui, nỗi buồn, nụ cười và cả giọt nước mắt.
Nhớ lại những ngày đầu, đối diện với nhiều ca bệnh nặng, chứng kiến lằn ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, làm việc liên tục, mỗi ca trực đêm 8-12 giờ/ngày khiến họ hiểu hơn sự khắc nghiệt của dịch bệnh và trước bạo bệnh, sinh mệnh con người chỉ mong manh như ngọn đèn trước gió.
“Mỗi cán bộ y tế BV E đều không bao giờ chùn bước để bảo vệ an toàn cho mỗi người dân, giành lại sự sống cho người bệnh. Hằng ngày, dù phải đối mặt với những hiểm nguy, chúng tôi vẫn quyết tâm vượt lên trên tất cả, cho đi sức trẻ, tinh thần, sự nhiệt huyết với mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh nhất để cuộc sống của người dân tại TP.HCM sớm trở về bình thường như trước” - BS Nguyên bày tỏ.
Nhớ lại những ngày đầu khi lên đường vào TP.HCM, TS-BS Chu Thanh Sơn, BV Nhi trung ương, chia sẻ dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng môi trường mới cũng khiến các bác sĩ có những bỡ ngỡ nhất định. Từ trước đến nay, công việc của BS Sơn và đoàn công tác BV Nhi trung ương chủ yếu tiếp xúc với trẻ em nhưng khi vào TP.HCM, bệnh nhân trực tiếp là người lớn, do đó khi điều trị có một số khác biệt. Thêm nữa, đa số bệnh nhân đều có bệnh nền kèm theo, việc tính toán liều thuốc, chăm sóc đòi hỏi bác sĩ phải có thời gian làm quen.
“Trước những áp lực đặt ra, tất cả mọi người đều cố gắng học tập, nhanh chóng thích nghi và lĩnh hội kiến thức mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đồng nghiệp đã tham gia tích cực vào công tác điều trị, đồng thời vận hành thuần thục các thiết bị, máy móc hỗ trợ như máy thở, máy lọc máu, ECMO…, góp phần vào thành công trong việc điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch” - BS Sơn cho biết.
Đoàn y bác sĩ phía Bắc khi còn hỗ trợ tại TP.HCM. Ảnh: PT
Mai này sẽ kể cho nhau nghe về một thế hệ chiến sĩ áo trắng
Với bản thân mình, BS Sơn chia sẻ đây là chuyến đi mang lại nhiều điều quý giá, là trải nghiệm không thể quên trong đời.
“Tại TP.HCM, tôi được làm việc với những bác sĩ với trình độ chuyên môn cao, thực hiện các kỹ thuật hồi sức tiên tiến. Tất cả mọi người, từ những bạn điều dưỡng, những tình nguyện viên trẻ tuổi cho đến những bác sĩ dày dặn kinh nghiệm như BS Trần Thanh Linh (BV Chợ Rẫy) - người đã tham gia chống dịch ở những chiến trường như Đà Nẵng, Bắc Giang… Tất cả đã và đang tạm bỏ lại sau lưng hạnh phúc của bản thân để tiếp tục miệt mài cống hiến cho cộng đồng” - BS Sơn bày tỏ.
Chuẩn bị trở lại với nhịp sống thường nhật ở thủ đô sau thời gian cách ly, BS Sơn mong muốn dịch bệnh ở TP.HCM cũng như các địa phương sẽ sớm được kiểm soát, cuộc sống bình yên sẽ trở lại như trước. Khi đó, những người anh em đồng nghiệp ba miền Bắc - Trung - Nam sẽ ngồi lại với nhau, kể cho nhau nghe về một thế hệ chiến sĩ áo trắng đã kề vai sát cánh cùng Việt Nam vượt qua đại dịch.
Đoàn y bác sĩ phía Bắc khi còn hỗ trợ tại TP.HCM. Ảnh: PT
Lòng nhẹ nhàng hơn khi hướng về TP.HCM Hôm đoàn chúng tôi rút về, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn đang phức tạp. Ngồi trên xe, tôi nhìn ngắm TP một lần nữa. Cảm giác lúc đó rất lưu luyến, nhớ thương và mong TP nhanh qua cơn đại dịch. Hôm nay, nhìn thấy TP trở lại trạng thái bình thường mới, tôi nhẹ lòng hơn. ThS-BS TRẦN XUÂN TÙNG, Phó Trưởng Khoa hồi sức tích cực theo yêu cầu, BV Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) |
Từng làm chỗ dựa tinh thần cho bệnh nhân
ThS-BS Trần Xuân Tùng hiện là phó trưởng Khoa hồi sức tích cực theo yêu cầu, BV Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng).
Giữa tháng 9, sau hai tháng vào TP.HCM tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19, ThS-BS Trần Xuân Tùng đã trở về TP cảng trong niềm vui pha lẫn nỗi buồn. Sau 14 ngày cách ly tập trung và bảy ngày tự cách ly tại nhà cùng kết quả xét nghiệm PCR âm tính, BS Tùng trở lại công việc bình thường. Kết thúc giờ làm việc, đọc được thông tin TP.HCM bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường mới, BS Tùng thấy vui, lòng nhẹ nhàng hơn.
BS Tùng kể ngày 15-7, anh cùng đoàn y bác sĩ gồm 114 người, trong đó có 14 bác sĩ và 100 điều dưỡng đến từ các trung tâm y tế, BV ở TP Hải Phòng, lên đường vào BV hồi sức COVID-19 (TP.HCM) chăm sóc, điều trị F0 nặng, nguy kịch. Trong hình dung của BS Tùng, TP.HCM là nơi sầm uất, nhộn nhịp. Thế nhưng ngày anh được đặt chân đến, cảnh tượng lại hoàn toàn trái ngược. “Cả đoạn đường từ sân bay đến BV đường phố vắng tanh, nhà cửa, hàng quán đóng kín mít. Trên đường chỉ có nhân viên y tế, lực lượng phòng chống dịch tham gia giao thông. Những chiếc xe cứu thương hú còi inh ỏi chạy qua liên tục. Trong lòng tôi lúc đó có cảm giác rất khó tả, buồn và thương cảm cho TP” - BS Tùng nhớ lại.
Ở Hải Phòng, BS Tùng từng tham gia điều trị cho F0 nhưng chỉ vài ca có triệu chứng nhẹ và trung bình. Khi vào đến BV hồi sức COVID-19, nhìn thấy các F0 nặng, nguy kịch nằm đầy các phòng, ban đầu anh đặt câu hỏi tại sao lại có nhiều bệnh nhân nặng đến vậy.
Bắt tay vào công việc, phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, đi lại liên tục giữa các phòng bệnh và các tầng lầu, mồ hôi ướt đẫm, BS Tùng bị ngợp, không chịu nổi. Mấy ngày đầu, cứ vài giờ, vị bác sĩ phải chạy ra ngoài hít thở một chút mới có thể quay lại làm việc tiếp. Gần một tuần sau, anh mới quen với điều kiện và môi trường làm việc.
Khi chứng kiến những F0 nằm viện không có người thân nên họ có cảm giác cô đơn, sợ hãi, nhất là người phải thở ôxy qua mask, ôxy dòng cao (HFNC), BS Tùng tự nhủ phải bỏ qua nỗi sợ của mình để làm chỗ dựa tinh thần cho người bệnh.
Vị bác sĩ vẫn còn nhớ về một bệnh nhân lớn tuổi cảm thấy hoang mang khi gặp triệu chứng khó thở. Được BS Tùng đến bên cạnh nói: “Bác hãy cố lên!”, đồng thời anh hỗ trợ việc thở cho bà, đứng bên theo dõi sát thì nhận thấy tinh thần của bà phấn chấn hơn. Sau đó, bệnh của bà tiến triển tốt, không cần phải can thiệp thở máy xâm nhập. “Có những thời điểm bệnh nhân COVID-19 không đáp ứng được việc thở, dễ bị suy hô hấp nên tâm lý hoang mang, lo sợ. Lúc đó nhận được sự quan tâm của nhân viên y tế, tình nguyện viên là liều thuốc tinh thần rất cao cho họ” - BS Tùng chia sẻ.
Cảm động với những món quà nặng ân tình Hai tháng làm việc tại BV hồi sức COVID-19, BS Tùng được nhận và chứng kiến những hình ảnh cảm động, dễ thương, ấm áp tình người trong tình hình dịch bệnh phức tạp của người dân TP.HCM. Đó là lực lượng tình nguyện viên tham gia chăm sóc F0, dù rất mệt nhưng họ vẫn luôn vui tươi, lạc quan. Những ngày dịch bệnh căng thẳng, TP.HCM phải thực hiện Chỉ thị 16, rồi Chỉ thị 16 tăng cường nên việc đi lại, mua nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm trở nên khó khăn. Tại BV hồi sức COVID-19 liên tục có những xe chở đồ ăn, đồ dùng, nhu yếu phẩm đến tặng cho nhân viên y tế. Bên ngoài mỗi hộp cơm, phần quà in các hình ảnh hài hước, cổ vũ tinh thần các y bác sĩ đi kèm là các dòng chữ thể hiện sự biết ơn. “Lúc đó tôi cảm thấy tình đồng bào, đồng chí ấm áp làm sao!” - BS Tùng chia sẻ. |