Carl Switzer sinh năm 1927 tại bang Illinois, là con út trong gia đình 4 anh chị em. Ngay từ nhỏ, Carl và anh trai Harold đã nổi tiếng khắp vùng vì tài năng ca hát và chơi nhạc cụ.
Trong chuyến đi đến California vào năm 1934 để thăm họ hàng, hai cậu bé đã tới Hal Roach Studios, xưởng phim đình đám hồi đó của Hollywood, để thăm quan. Tại quán cà phê của xưởng phim, Carl khi đó 6 tuổi, mặt chi chít tàn nhang và những chiếc răng sún cùng anh trai 8 tuổi đã có một buổi biểu diễn ngẫu hứng làm say lòng công chúng.
Trong số người xem có cả giám đốc của Hal Roach. Ấn tượng mạnh về màn trình diễn, ông lập tức xin ký hợp đồng với cả hai anh em trong Our gang, loạt phim hài ngắn kể về một nhóm trẻ em hàng xóm nghèo và những cuộc phiêu lưu trải qua với nhau.
Carl được vào vai cậu bé Alfalfa, và từ đó trở đi, thành công vang dội của bộ phim khiến khán giả Mỹ quên hẳn tên thật của cậu. Trong lịch sử điện ảnh từ năm 1935 đến cả khi cậu chết, Carl chỉ còn được gọi là Alfalfa.
Chỉ trong vài tuần, Alfalfa đã tự khẳng định được sự kết hợp năng động giữa cá tính và tài năng. Trong khi hai cậu bé chứng tỏ khả năng diễn xuất và kiếm tiền, cha mẹ chúng cũng chứng tỏ khả năng tiêu xài hoang phí. Tiền mang về bao nhiêu cũng hết.
Sự nổi tiếng đến quá sớm luôn là con dao hai lưỡi với đứa trẻ. Sự hào hoáng và hâm mộ cuồng nhiệt của khán giả biến Alfalfa từ cậu bé nhí nhảnh, ngây thơ thành ngôi sao kênh kiệu và luôn tìm cách chơi xấu các bạn diễn cùng lứa.
Như điều tất nhiên thường xảy ra với tất cả diễn viên nhí, Alfalfa trưởng thành đã gặp khó khăn về giọng nói và ngoại hình để tiếp tục với loạt phim Our Gang. Cậu muốn tiếp tục diễn xuất, nhưng gặp phải thực tế khó khăn của việc thay đổi hình tượng.
Diễn viên hết thời đành xuất hiện lẻ tẻ trong một vài cảnh phim, lần cuối cùng vào năm 1947. Alfalfa sau đó kiếm đủ thứ việc lặt vặt như làm việc tại quầy bar, nhân viên hồ câu cá, huấn luyện chó săn.
Năm 1950, anh chuyển đến vùng nông thôn Kansas, lấy vợ nhưng ly hôn chỉ sau 4 tháng vì nhanh chóng nhận ra mình có thể mặc vest, cầm guitar và hát trong phim trường nhưng cào rơm và đuổi theo đuôi bò thì không.
Alfalfa lải nhải về việc "vận đen" đến với mình, sinh thói cộc cằn, bất cần, nghiện rượu và bị đồn nghiện methaphetamine. Tháng 12/1958, anh chặt 15 cây thông trong rừng quốc gia Sequoia để bán làm cây thông Noel, bị kết án một năm quản chế và 225 USD tiền phạt.
Cũng trong năm đó, Alfalfa đồng ý đào tạo một chú chó săn cho Moses Samuel Stiltz, người bạn lâu năm khi còn làm việc trong ngành điện ảnh. Nhưng trong một lần huấn luyện đi săn, con vật đã mải mê đuổi theo chú gấu và không bao giờ quay về.
Moses bực bộ, đòi Alfalfa phải trả lại con chó hooặc bồi thường số tiền tương đương. Song Alfalfa mạt vận không có cả hai thứ này, đành đăng báo tìm chó đi lạc và treo thưởng 50 USD cho người tìm được nó.
Cuối cùng, chú chó được tìm thấy bởi một chủ trang trại địa phương. Alfalfa không có tiền để trả thưởng nên yêu cầu Moses thanh toán. "Chó của cậu, cậu trả đi", anh ta đề nghị . Nhưng Moses phũ phàng hét vào mặt: "Cậu làm lạc chó của tôi, tự nôn tiền ra mà trả".
Alfalfa chạy vạy vay được 35 USD trả tạm và tặng thêm một món đồ uống tại quán bar mình làm việc để "gán" nốt 15 USD còn thiếu. Nhưng cũng từ đây, Alfalfa nuôi mối thù hận với Moses.
Đêm 21/1/1959, Alfalfa cùng Jack, một người bạn cũng đang xay xỉn, đến đập cửa nhà Moses để đòi lại 50 USD. "Cho tôi vào, nếu không tôi sẽ đá nát cửa nhà cậu ra". Moses nhất định không trả tiền. Hai người cãi nhau và sau đó lao vào ẩu đả. Hai tiếng nổ cháy tai vang lên, cựu diễn viên chết vì mất máu khi mới 31 tuổi.
Ngày hôm sau, công tố quận Al Warnberg thông báo kế hoạch truy tố Moses về tội Giết người, trong khi bị cáo xuất hiện trước truyền thông với tấm băng gạc che kín mắt, khẳng định chỉ tự vệ chính đáng.
Moses khóc trước bồi thẩm đoàn, khai: "Alfalfa đã định giết bằng một con dao bấm nên tôi buộc phải bắn". Bồi thẩm đoàn cho rằng đây là hành động tự vệ chính đáng.
Một tuần sau, Alfalfa được chôn cất tại Công viên Tưởng niệm Hollywood. Cái chết của anh hầu như không được báo chí chú ý, vì anh chết cùng ngày với Cecil B. DeMille, cha đẻ của nền điện ảnh Mỹ, nhà sản xuất kiêm đạo diễn thành công nhất về mặt thương mại trong lịch sử điện ảnh.
Sau vụ án, nhiều tin đồn rằng ma túy mới là nguyên nhân thực sự của mối thù. Hơn nữa, khi cảnh sát tìm thấy con dao của Alfalfa tại hiện trường, nó vẫn nằm im trong túi anh ta, chưa được bật mở.
Trong suốt 40 năm, cái chết của Alfalfa vẫn được kể theo bản án chính thức của tòa, cho đến năm 2001 khi con trai riêng của vợ Moses quyết định "phá vỡ" sự im lặng. Ở tuổi 56, nhân chứng Tommy Corrigan cho hay vẫn nhớ như in đêm đó, kể: Alfalfa say xỉn, đập cửa đòi tiền, khi vào phòng thì Moses đã cầm sẵn súng và bắn.
"Alfalfa không rút con dao nào đe dọa bố dượng tôi hết", Tommy nói. Lúc này, Moses đã qua đời trước đó 18 năm, ở tuổi 62.
Ông cho biết đã khai toàn bộ những lời này với một thám tử của đội điều tra ngay đêm đó và thậm chí còn đồng ý làm chứng, nhưng không được gọi tới tòa.
Ngôi mộ của Carl "Alfalfa" Switzer, nằm trong nghĩa trang Hollywood Forever ngày nay, vẫn thu hút khách du lịch và người hâm mộ. Chú chó săn được khắc trên bia mộ Alfalfa giống hệt với chú chó xuất hiện trong serie phim làm nên danh tiếng ông, Our gang.
Hải Thư (Theo FilmDaily, HollywoodForever, PleaseKillMe)
Xem thêm: lmth.2399634-dsu-05-pahc-hnart-ut-maht-tehc-doowylloh-gnav-eb-uac/ten.sserpxenv