Từng bùng nổ lợi nhuận nhờ giá heo tăng mạnh giai đoạn đầu năm 2020, Tập đoàn Dabaco (DBC) những quý gần đây liên tục sụt giảm mạnh, khi mà ghi nhận trên thị trường giá heo hơi liên tục lao dốc và đã chạm đáy 2 năm.
Trong đó, dịch bệnh khiến lượng heo xuất chuồng giảm, trong khi lượng heo tái đàn vẫn đang đẩy mạnh theo đúng quy định và khuyến nghị của Bộ Nông nghiệp. Như vậy, sức tiêu thụ giảm trong khi nguồn cung tăng là nguyên nhân chính đẩy giá heo hơi đi xuống mạnh nhất từ trước đến nay.
Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT DBC, cho biết nhu cầu tiêu thụ giảm, lượng thịt heo đưa ra thị trường tính đến nay đang giảm khoảng 9.000 tấn/tháng. Trong khi đó, tổng đàn heo của Công ty ở các tỉnh vẫn ổn định nhưng số heo quá lứa 120 – 130 kg vẫn còn khá nhiều, heo con đẻ ra không có chỗ nuôi. Theo kế hoạch Công ty đã đề ra cho năm 2022, tổng đàn của DBC có thể tăng lên 15.000 – 18.000 heo nái, năng suất đạt 28 heo con/nái. Tương tự, nhiều doanh nghiệp cũng đang mở rộng quy mô, xây thêm trang trại.
Giá heo biến động thất thường và đang giảm mạnh.
Chưa kể, chi phí nuôi một con heo đang ở mức rất cao. Theo ước tính của ông So, các doanh nghiệp hiện nay đang chi 1 triệu đồng sản xuất heo giống; 2,7 triệu đồng cho thức ăn chăn nuôi; 1.400 – 1.700 đồng thuốc thú ý; 7.000 đồng chi phí chuồng trại; tỷ lệ chết/sống 5% giá thành một con heo…
Giá cước vận chuyển tăng mạnh cũng gây áp lực lên chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Kéo theo, các đơn vị sản xuất thức ăn hầu như không có lợi nhuận dù doanh số bán hàng vẫn tăng mạnh so với năm 2020.
Trong khi đó, giá heo hơi trên thị trường nhảy múa thất thường, và đang trong xu hướng giảm mạnh. Đơn cử ở miền Bắc, gia heo hơi đã giảm xuống 36.000 – 37.000 đồng/kg, giảm 40 – 50% so với đầu năm. Với mức giá này, ngay cả những doanh nghiệp chủ động 60% thức ăn chăn nuôi cho đàn heo cũng lao đao.
"Giá heo cứ cao lại thấp thất thường, nông dân sẽ tiếp tục lỗ và lỗ mãi nếu không có chính sách kịp thời. Heo ăn hết cả sổ đỏ của nông dân, không còn gì thế chấp ngân hàng để vay nữa", ông So nhấn mạnh.
Riêng tại DBC, Tập đoàn vừa có tổng kết tình hình kinh doanh quý 3/2021 với doanh thu 4.133 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế chỉ ước đạt 138 tỷ đồng, giảm đến 64% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cho biết, tình hình kinh tế xã hội trong kỳ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tiếp tục bùng phát từ tháng 5/2021 và lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân trên khắp cả nước. Nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng - sản xuất – chế biến – tiêu thụ; các hoạt động giao thương, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế và đình trệ.
Dịch bệnh cũng làm phát sinh thêm nhiều khoản chi phí cho các doanh nghiệp như chi phí vận chuyển, xét nghiệm Covid-19, chi phí do thực hiện phương án 3 tại chỗ để đảm bảo hoạt động SXKD, hỗ trợ người lao động nằm trong khu cách ly, phong tỏa không tham gia sản xuất; chi phí tăng ca do thiếu hụt lao động nghỉ dịch và bố trí sản xuất đảm bảo giãn cách, phòng chống dịch…
Luỹ kế 9 tháng, DBC ước đạt 13.669 tỷ đồng doanh thu, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 37%, chỉ còn 718 tỷ đồng.
Tri Túc
Doanh nghiệp & Tiếp thị