Quang cảnh buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
"Doanh nghiệp vẫn chưa được xem là một phần giải pháp, chưa được tận dụng như nguồn lực chính trong quá trình hồi phục chống dịch và khôi phục kinh tế. Hay nói cách khác, khá nhiều doanh nghiệp Việt vẫn bị cho làm ngồi ghế dự bị trên khán dài", ông Phạm Phú Trường, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, chia sẻ như vậy tại buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp ở TP.HCM sáng ngày 12-10.
Tham dự buổi gặp còn có ông Nguyễn Anh Tuấn, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cùng Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
Lãng phí nguồn lực doanh nhân trẻ
Theo ông Trường, có thực tế là cơ quan quản lý vẫn chưa nhận thấy tổn thất trong đại dịch của các doanh nghiệp chính là tổn thất của địa phương, làm mất đi lợi thế cạnh tranh của quốc gia nói chung. Trong quản lý, ban hành các quy định tư duy xin cho, ngăn cấm vẫn còn diễn ra một số nơi, khiến doanh nghiệp gặp lúng túng trong quá trình phục hồi.
"Doanh nhân trẻ hiện nay không chỉ yêu nước, nhiệt huyết, bản lĩnh mà còn là những trí thức thực sự. Không tận dụng nguồn nhân lực này trong quá trình xây dựng các quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế thì là một sự lãng phí", ông Trường nói.
Doanh nghiệp Việt Nam được ví như đang trong tâm thế "lò xo bị nén" khá lâu. Đây là thời điểm thích hợp để hàng triệu chiếc lò xo bật cao hơn nếu có chính sách hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ các rào cản.
Đại diện Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cũng đưa ra các đề xuất, trong đó nhấn mạnh chính sách chống dịch, phục hồi kinh tế phải nhất quán ở cấp quốc gia, vì không gian phát triển của doanh nghiệp không bó buộc ở một địa phương.
Nhanh chóng loại bỏ tư duy cũ "xin - cho" mà thay bằng quy tắc luật không cấm thì được làm. Nguyện vọng của các doanh nghiệp là được tham gia đóng góp một cách chính thức, trực tiếp trong các hoạt động xây dựng chiến lược, chính sách khôi phục và phát triển kinh tế của địa phương cũng như cả nước. Việc này có thể thực hiện thông qua các hiệp hội.
Đề xuất sử dụng dự trữ ngoại hối hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp
Báo cáo Chủ tịch nước về các hoạt động của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Đặng Hồng Anh, chủ tịch hội, cũng đưa ra một số giải pháp phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chủ tịch nước chia sẻ với các doanh nghiệp ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo ông Đặng Hồng Anh, một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp khi nối lại các hoạt động hồi phục sau giãn cách là di chuyển lao động và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, đang có tình trạng một nơi triển khai một kiểu. Ông cho rằng để đảm bảo tính nhất quán trong chính sách, trước khi ban hành, Bộ Giao thông vận tải có thể gửi cho các địa phương lấy ý kiến, nếu không có phản hồi thì xem như đồng ý và thực hiện đồng nhất.
Ngoài ra, câu chuyện vốn, giữ chân người lao động cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch cũng còn nhiều băn khoăn. "Ngoài chính sách giãn nợ, cơ cấu lại nợ, Nhà nước có thể cân nhắc sử dụng một phần ngoại hối dự trữ thành vốn mồi, gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp", đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất.
Sức mạnh của doanh nghiệp là sức mạnh của TP.HCM
Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết cộng đồng doanh nhân TP được đón Chủ tịch nước khi vừa qua những ngày khó khăn nhất, đó là một vinh dự lớn. Ngày doanh nhân Việt Nam năm nay khá đặc biệt với các doanh nghiệp TP như việc hội tụ các thế hệ doanh nhân trong thời điểm sau dịch, tại một buổi gặp gỡ mà cũng có thể xem như cuộc tiếp xúc cử tri "bỏ túi", lắng nghe những chia sẻ, tâm tư tình cảm của các doanh nghiệp.
Theo ông Mãi, các doanh nghiệp hôm nay không nói nhiều về khó khăn riêng của mình mà nêu góp ý, hiến kế chung cho doanh nghiệp cả nước trong quá trình hồi phục, thể hiện trách nhiệm cộng đồng cao. TP đánh giá cao, trân trọng những hiến kế của các doanh nghiệp.
"Có thời điểm TP còn lúng túng, nhưng quá trình xây dựng chính sách phòng chống dịch, phục hồi kinh tế chúng tôi trao quyền cho các chủ thể, ghi nhận các ý kiến từ cộng đồng doanh nhân. Và chúng ta sẽ tiếp tục làm việc với nhau trong thời gian tới", ông Mãi khẳng định.
Dịp này, TP.HCM cũng đặt hàng doanh nghiệp sau thời gian dưỡng thương và góp ý cùng hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế không những từ đây đến cuối năm mà còn trong các năm tiếp theo.
TTO - Sáng 12-10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt doanh nhân nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10 để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân.
Xem thêm: mth.18660910121011202-noh-oac-tab-cul-al-yan-ual-ahk-nen-ib-ox-ol-uhn-peihgn-hnaod/nv.ertiout