vĐồng tin tức tài chính 365

Huy động vốn cho điện than sẽ ngày càng khó

2021-10-12 12:20

Nhận định này được các chuyên gia nêu tại toạ đàm trực tuyến về tài chính cho các dự án năng lượng, ngày 11/10.

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC nhận định, việc huy động nguồn vốn tài chính để đầu tư dự án điện than sẽ khó khăn do phần lớn vốn các nhà máy điện than tại Việt Nam giai đoạn 2015-2021 đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Và hiện 3 quốc gia này đã cam kết dừng đầu tư vào các dự án điện than mới.

Ông Mark Hutchinson nói thêm, việc dựa vào vốn ngoại cho thấy sự hạn chế của nguồn tài chính trong nước cho điện than, trong đó các vấn đề chính gồm thiếu vốn dài hạn, lãi suất cao... Vì thế, các nhà băng lớn trong nước cũng thường phải hợp tác để đạt các tiêu chuẩn khi cho vay dự án điện than.

Các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi được cho là nguồn năng lượng ổn định có thể thay thế điện than. Ảnh: GWEC

Các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi được cho là nguồn năng lượng ổn định có thể thay thế điện than. Ảnh: GWEC

Giai đoạn 2021-2030 khoảng 11,6 GW điện than tại Việt Nam đã huy động được tài chính, nhưng còn 8,6 GW chưa rõ sẽ huy động vốn từ đâu cho dự án. Tương tự, giai đoạn 2031-2040 khoảng 10,1 GW điện than chưa rõ nguồn huy động tài chính.

Là quỹ đầu tư tài chính lớn của Đan Mạch, ông Patrick Jakobsen cho hay, lý do duy nhất để các đơn vị tài chính chấp nhận không bỏ vốn vào dự án năng lượng nào đó là khi nó không còn khả thi về kinh tế và hiệu suất thấp. Công suất bình quân các nhà máy điện than trên toàn cầu thấp, khoảng 51%, nên nhiều dự án điện than xây dựng xong rồi để đấy.

"Chỉ khoảng 10% quỹ tài chính còn cung cấp vốn cho điện than, rất nhỏ. Khi họ đưa ra quyết định cho các dự án điện than cũng cân nhắc nhiều thứ, ví dụ rủi ro về tương lai, ảnh hưởng chỉ tiêu xanh mà các tổ chức tài chính thế giới phải đáp ứng", Patrick Jakobsen chia sẻ.

Với mức độ rủi ro ngày càng cao và bị hạn chế bởi các cam kết về năng lượng xanh của các quốc gia, tổ chức tài chính quốc tế, nên mức lãi suất cho vay mà các tổ chức này đưa ra cho điện than cũng cao hơn 1-1,5% mỗi năm so với đầu tư vào dự án năng lượng tương tự. Vì thế, đại diện Quỹ EKF nhấn mạnh, vốn cho điện than giai đoạn tới đây sẽ ngày càng khó khăn.

"Khi thu xếp tài chính cho các dự án điện than ngày một khó, Việt Nam cần đưa ra kế hoạch sống chung với việc không có dự án điện than mới và cần đa dạng hóa nguồn điện, tăng cường hệ thống pin tích trữ, có tính linh hoạt cao", ông Mark Hutchinson khuyến nghị.

Khi nguồn điện được coi là vận hành ổn định, giá rẻ đang ngày càng khó khăn trong huy động vốn đầu tư, để đảm bảo an ninh năng lượng, tất yếu sẽ cần các nguồn năng lượng khác thay thế từ điện khí, điện gió hay mặt trời...

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc cũng là bài học về chuyện cần đa dạng hoá nguồn điện. "Việt Nam nên đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi thì "cửa" tiếp cận nguồn vốn dồi dào từ các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới sẽ càng "mở" hơn", ông Patrick Jakobsen nhìn nhận.

Thông tin từ GWEC cũng cho rằng, điện gió ngoài khơi được nhận định có thể mang lại lợi ích kinh tế lâu dài và giúp cân bằng thương mại thông qua giảm nhập khẩu than và khí đốt. Loại hình này còn có khả năng chạy phụ tải nền, có tính đoán định cao hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi sạch khác, đồng thời hỗ trợ an ninh năng lượng.

Thực tế, mỗi tuabin điện gió ngoài khơi được xây dựng thì có 15 triệu euro giá trị kinh tế được tạo ra, trong khi công nghệ ngày càng cao sẽ giúp chi phí đầu tư các dự án năng lượng tái tạo ngày càng rẻ hơn so với điện than. Chi phí điện quy dẫn điện gió ngoài khơi từ 255 USD một MWh vào năm 2013, đã giảm khoảng 60% vào năm 2020 và dự kiến chỉ còn 1/5 (mức 58 USD một MWh) vào năm 2025.

Theo tính toán của GWEC, 4-5 GW điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam sẽ cần được đầu tư 10-12 tỷ USD. Tuy nhiên, với lợi thế điện gió ngoài khơi là nguồn tài nguyên vô tận, sau khi xây dựng không cần bỏ chi phí để nhập khẩu nhiên liệu như điện than, khí..., điều này sẽ giúp giảm 650-800 triệu USD tiền nhiên liệu nhập khẩu, cân bằng thương mại.

Tuy nhiên, theo đại diện GWEC, việc không còn giá ưu đãi cố định (FIT) cho điện gió ngoài khơi trong tương lai có thể "tạo khó khăn về tài chính cho điện gió ngoài khơi". Để huy động được vốn, cần những cam kết rõ ràng, minh bạch và lâu dài của nhà đầu tư về dự án. Vì thế, sẽ khó có tổ chức tài chính nào bỏ tiền vào dự án khi tính rủi ro cao.

Ở khía cạnh này, bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á của GWEC nhắc lại kiến nghị nhiều lần được tổ chức này gửi tới cấp có thẩm quyền Việt Nam, cần cơ chế chuyển đổi từ giá FIT sang đấu thầu cho các dự án điện gió ngoài khơi có dư địa phát triển. Bà Liming phân tích, để hình thành cơ chế đấu thầu ổn định cần khoảng 2 năm. Vì thế, cơ chế giá chuyển tiếp sẽ là rất quan trọng để "vốn không bỏ đi chỗ khác".

"Việt Nam cần đưa ra cơ chế giá cho giai đoạn chuyển tiếp này, tránh rủi ro cho các dự án điện gió ngoài khơi và nhằm giữ chân các nhà đầu tư, vốn cho ngành năng lượng tiềm năng này", bà nhấn mạnh.

Đồng tình, ông Pattrick Jakobsen nói Việt Nam được nhận định có nguồn tài nguyên gió lớn nhưng việc thiếu cơ chế sẽ khiến nguồn tài chính gặp nhiều hạn chế. "Nếu có các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nguồn tài chính cung cấp cho năng lượng tái tạo mà trong đó có điện gió sẽ trở nên dồi dào. Đây là thời điểm bản lề để Việt Nam lựa chọn chuyển sang giai đoạn năng lượng sạch hay tiếp tục với điện than", Giám đốc thẩm định tín dụng Quỹ EKF nói.

Anh Minh

Xem thêm: lmth.6060734-ohk-gnac-yagn-es-naht-neid-ohc-nov-gnod-yuh/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Huy động vốn cho điện than sẽ ngày càng khó”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools