Cơn bão số 7 vừa tan nhưng hoàn lưu bão cùng không khí lạnh gây một đợt mưa lớn diện rộng tại Bắc bộ, Trung bộ.
Dự báo trong 24-48 giờ tới, bão số 8 (tên quốc tế Kompusa) sẽ ảnh hưởng tới vùng biển và đất liền nước ta.
Cùng với không khí lạnh, bão số 8 sẽ gây ra một đợt mưa lớn diện rộng ngay tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ. Sau cơn bão này, không khí lạnh tiếp tục tác động với dải hội tụ nhiệt đới duy trì mưa dông diện rộng ở các tỉnh Trung bộ từ sau ngày 15, kéo dài đến 19, 20-10.
Ảnh hưởng bão số 7 và không khí lạnh, nhiều khu vực của Thủ đô Hà Nội cũng bị ngập lụt. Ảnh: PHI HÙNG
Năm 2020 thiên tai diễn ra cực đoan khi có 5 cơn bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) diễn ra trong vòng một tháng, gây ngập lụt diện rộng ở nhiều tỉnh miền Trung. Năm nay, thiên tai cực đoan tiếp tục diễn ra, liệu có gây ra cảnh ngập lụt, sạt lở đất như năm 2020?
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết: Trung tâm đã cảnh báo các hiện tượng thiên tai từ cuối năm 2020, giữa năm 2021.
"Chúng tôi nhận định rằng vào giai đoạn tháng 10, 11, nửa đầu tháng 12 là thời điểm liên tục xuất hiện bão/ATNĐ ảnh hưởng đến Việt Nam. Theo thống kê khí hậu, tháng 10 cũng là tháng có tần suất xuất hiện ATNĐ/bão nhiều nhất trong năm. Vì vậy việc trong tháng 10 xuất hiện nhiều bão/ATNĐ cũng là hợp quy luật".
Ông Hưởng cũng cho biết Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia đã dự báo tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12, khu vực miền Trung liên tục có mưa lớn. Dự báo tổng lượng mưa trong gần ba tháng này ở các tỉnh miền Trung đều cao hơn 30-50% so với trung bình nhiều năm.
Người dân TP.HCM ủng hộ cho đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020. Ảnh: H.LAN
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "So với năm 2020 thì cường độ mưa không khốc liệt bằng".
Thông tin thêm về tình hình thiên tai hiện nay, ông Hưởng cho biết không khí lạnh đang tác động tới các tỉnh miền Bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên thời tiết miền Bắc những ngày vừa qua có xu hướng lạnh hơn. Cơn bão số 8 đi vào Biển Đông, khi vào gần đất liền có sự tương tác với không khí lạnh làm bão ít có khả năng ngóc lên phía bắc, mà gây mưa ở khu vực Trung bộ và nam đồng bằng Bắc bộ.
Đợt mưa rất lớn này bắt đầu từ ngày 13 đến 15-10, trọng tâm từ Thanh Hoá trở vào đến Thừa Thiên - Huế có thể xảy ra một đợt lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.
Sau đợt mưa do tương tác không khí lạnh và bão số 8 có khả năng sẽ xuất hiện một hình thế thời tiết gây mưa lớn khác điển hình, đó là không khí lạnh tác động với dải hội tụ nhiệt đới. Như vậy trong 10 ngày tới, mưa lớn diễn ra hầu khắp khu vực Trung bộ.