Trong báo cáo mới phát hành, Ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan) nhận định, kể từ tháng 6, vàng đã bị mắc kẹt trong xu hướng giảm, vì đồng USD mạnh hơn và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn gây áp lực lên giá.
Ngoài ra thị trường vàng còn bị áp lực bởi các quyết định tăng lãi suất sắp đến của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Ngân hàng Hà Lan đánh giá, trong thời gian còn lại của năm 2021, giá vàng khó tăng trở lại với lý do các điều kiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trên toàn thế giới và đồng USD mạnh hơn.
"Các nhà đầu tư vàng đã điều chỉnh kỳ vọng của họ liên quan đến FED. Bởi vì họ kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến trước đó. Hơn nữa, lợi tức kho bạc Mỹ và lợi tức thực tế 2 năm đã tăng phản ánh điều này.
Ngoài ra, đồng USD đã tăng 5 % trong năm nay. Giá vàng có xu hướng suy yếu khi đồng USD tăng giá.
Chúng tôi dự báo cuối năm 2021 vàng sẽ ở mức 1.700 USD/ounce và bước sang năm 2022 là 1.500 USD/ounce, tương đương 41,6 triệu đồng", bà Georgette Boele, chuyên gia phân tích vàng ABN AMRO dự đoán.
Tuy nhiên, Ngân hàng đầu tư Jefferies Group (Mỹ) mới đây đánh giá, vàng vẫn đang chịu áp lực về giá trước kế hoạch tiềm năng giảm mua trái phiếu vào cuối năm nay của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Nhưng về dài hạn, giá vàng có thể tăng sốc lên hàng ngàn USD. Cụ thể, Jefferies Group dự báo giá vàng có thể leo leo lên con số 5.500 USD/ounce, tương đương 152 triệu đồng một lượng.
"Đây là dự báo khó thành hiện thực nhưng về dài hạn, giá vàng vẫn tiếp tục tăng vì rủi ro kinh tế toàn cầu trước dịch bệnh còn ở phía trước. Đặc biệt, lạm phát vẫn đang rình rập do bơm tiền ra quá nhiều... và vàng sẽ hưởng lợi", Jefferies Group nhận định.