Ngày 10-10, theo một nguồn tin của PLO, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang vừa có báo cáo UBND tỉnh Tiền Giang liên quan đến thông tin dư luận cho rằng, tỉnh này “chi hơn 78 tỉ đồng mua test nhanh COVID-19 giá cao gấp 2 lần nơi khác”.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, trong thời gian qua, đặc biệt từ đầu tháng 7-2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, thường trực UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp thống nhất phương án triển khai thực hiện chiến dịch tầm soát diện rộng trên toàn tỉnh bắt đầu triển khai ngày 18-8-2021. Để thực hiện chiến dịch này yêu cầu phải có số lượng lớn test nhanh khẩn cấp.
Tỉnh yêu cầu loại test nhanh phải thực hiện được mẫu gộp 3 để tiết kiệm ngân sách (đã có loại test không thực hiện gộp được), đảm bảo chất lượng, hiệu quả; bởi có nhiều loại test có độ nhạy thấp (âm tính giả), không phát hiện ra người nhiễm.
Kít test nhanh COVID-19. (Ảnh minh họa)
Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, trước yêu cầu trên, ngành Y tế tìm nguồn cung ứng ngay và kịp với số lượng lớn kit test nhanh để đủ thực hiện chiến dịch, không để thiếu hoặc chậm gây ảnh hưởng chiến dịch; mọi thủ tục mua sắm sẽ hoàn chỉnh sau.
Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Y tế bằng mọi cách phải tìm được nhà cung ứng khẩn cấp kit test nhanh với số lượng lớn cho chiến dịch.
Cũng theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, do diễn biến dịch bệnh thời điểm các tháng 7, 8 và 9 phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên rất khó tìm nhà thầu đủ năng lực cung ứng ngay kit test nhanh số lượng lớn.
"Giám đốc Sở Y tế và các nhân viên phải liên hệ hàng trăm cuộc điện thoại để tìm một số nhà cung cấp kit test nhanh và cuối cùng cũng tìm được một nhà cung cấp đáp ứng được các yêu cầu là Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Kiến Đức và đã báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận"- công văn của Sở Y tế Tiền Giang nêu.
Ngày 18-8, Thường trực UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp khẩn với Sở Tài chính, Sở Y tế, Tổ công tác Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để trao đổi và thống nhất chủ trương mua sắm, cho phép tạm ứng và sử dụng kit test nhanh kháng nguyên từ Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Kiến Đức với loại test giá 122.640 đồng/test.
UBND tỉnh đã giao Sở Y tế làm đầu mối mua sắm tập trung test nhanh kháng nguyên phục vụ công tác tầm soát dịch COVID-19 diện rộng.
Nhận được chỉ đạo, Sở Y tế liên hệ nhà thầu để kịp cung ứng, nhập kho, phân phối trong đêm đến sáng ngày 19-8 đã có 100.000 bột test.
Chiến dịch tầm soát COVID-19 tại Tiền Giang. Ảnh: THTG
Sau đó, tiếp tục giao hàng những đợt tiếp theo (kể cả ban đêm) 638.000 test nhanh, qua đó, đã đảm bảo kịp tiến độ, đầy đủ kit test nhanh thực hiện chiến dịch tầm soát diện rộng theo chỉ đạo.
Trước đó Sở Y tế tỉnh cũng đã tham khảo 3 báo giá từ 3 nhà cung cấp khác nhau như: Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Kiến Đức; Công ty TNHH Nhập khẩu y tế Minh Đức; Công ty TNHH Thiết bị Y tế Bình Minh đều có mức giá như nhau là 122.640 đồng/test và đã chọn nhà thầu là Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Kiến Đức.
Về cơ chế, hình thức mua sắm là chỉ định thầu rút gọn, thực hiện đúng Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021 của Chính phủ: “Việc triển khai ngay gói thầu để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cộng đồng dân cư và mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch COVID-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu”.
Tỉnh cũng thực hiện đúng với Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ: “Các địa phương quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định tại Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021 của Chính phủ”.
Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẳng định, đã thực hiện đúng, đủ trình tự thủ tục, quy định, hướng dẫn của pháp luật về mua sắm phục vụ công tác tình hình dịch bệnh. Hồ sơ mua sắm đã được cơ quan chuyên môn tham mưu, được Sở Tài chính thẩm định và được cấp thẩm quyền quyết định, phê duyệt. Sở Y tế đã thực hiện công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu, công bố kết quả trúng thầu theo quy định.
Cũng theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, qua tham khảo ý kiến nhà cung cấp Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Kiến Đức, Sở Y tế được biết: Hãng sản xuất SD Biosensor Inc/Hàn Quốc có nhiều dòng sản phẩm với tiêu chuẩn khác nhau và giá khác nhau trên thị trường. Nếu có thắc mắc về giá mà Hãng sản xuất SD Biosensor Inc/Hàn Quốc bán cho các đối tác, thì chính Hãng sản xuất SD Biosensor Inc/Hàn Quốc sẽ phải có trách nhiệm giải trình với các cơ quan chức năng chứ không phải người mua.
Mặt khác, giá test SARS-CoV-2 Rapid Antigen Test do Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Kiến Đức từ khi bán cho Sở Y tế Tiền Giang đến nay vẫn chưa thay đổi và thống nhất giá bán cho các đơn vị của tỉnh thành khác trong toàn quốc giá do Hãng sản xuất SD Biosensor Inc/Hàn Quốc quy định.
Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Kiến Đức sẽ chịu trách nhiệm về giá bán sản phẩm được công bố công khai trên Cổng Thông tin điện tử trong phạm vi toàn quốc.
Trước đó, ông Trần Thanh Thảo- Giám đốc Sở y tế tỉnh Tiền Giang ký Quyết định 1386 (ngày 28-9-2021) về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua test nhanh kháng nguyên tầm soát dịch COVID-19”. Theo quyết định này, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang chỉ định mua mỗi que test nhanh từ công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Kiến Đức có giá 122.640 đồng, tổng trị giá gói thầu hơn 78,2 tỉ đồng.
Ngày 6-10, ông Nguyễn Văn Vĩnh- Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, Đoàn kiểm tra gồm 13 thành viên do ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang làm trưởng Đoàn. Trong 30 ngày tiến hành kiểm tra, Đoàn có thể trưng dụng một số công chức các Sở, ngành hỗ trợ. Kết quả kiểm tra báo cáo về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo. Quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang cũng nêu rõ đối tượng kiểm tra là Sở y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật và Trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan thuộc Sở y tế có sử dụng kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Các đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. |