Hiện nhiều địa phương vẫn có số ca nhiễm cao (hơn 300 ca/100.000 dân) và số ca tử vong cao (trên 4 ca/100.000 dân). Trong khi đó, nhờ các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, số ca nhiễm của Hà Nội ở mức thấp so với bình quân chung. TP Hà Nội đang đứng thứ 36 về cả số ca nhiễm và số ca tử vong, cách khá xa so với top 16 tỉnh, thành mà dịch bệnh còn phức tạp.
Xét về tỷ lệ tiêm phòng Covid-19, Hà Nội ở mức cao so với cả nước (chỉ sau TP HCM và Long An), nhưng tỷ lệ tiêm đủ liều mới đạt 46,5% dân số (khoảng 55% số người trưởng thành), còn khoảng cách so với mức 70% số người trưởng thành, theo khuyến cáo của các tổ chức y tế quốc tế và trong nước.
Nhưng tỷ lệ tiêm đủ liều có thể sớm đạt 70% số người trưởng thành ngay đầu tháng 11 khi Hà Nội đang đẩy nhanh tiêm mũi thứ hai cho người dân, cùng với lộ trình tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi từ cuối tháng 10 như công bố của Bộ Y tế.
Các chỉ số đánh giá mức độ di chuyển xã hội của Hà Nội còn ở mức thấp và thấp hơn khá nhiều so với đường cơ sở, ở mức gần tương đương so với các tỉnh phía Nam (tâm dịch Covid-19). Việc này cho thấy, lãnh đạo Hà Nội còn thận trọng với dịch bệnh cũng như hạn chế hoạt động đi lại, hoạt động nơi công cộng dù cả 6 chỉ số này đang có xu hướng thay đổi tích cực hơn trước.
4 trong 6 lĩnh vực có thể thống kê qua công cụ đo lường đi lại (Google Mobility) đang được Hà Nội kiểm soát chặt chẽ hơn so với mức bình quân cả nước (dù các chỉ số dịch bệnh thấp hơn nhiều và đã tiêm vaccine cao tỷ lệ hơn nhiều bình quân cả nước). Bốn lĩnh vực đó là bán lẻ và giải trí, siêu thị và hiệu thuốc, công viên, bến xe và nhà ga.
Chỉ có 2 lĩnh vực (nơi làm việc và khu dân cư), Hà Nội đang nới lỏng đi lại hơn so với bình quân cả nước, cho thấy triển vọng phục hồi sản xuất - kinh doanh, làm việc công sở và sinh hoạt dân cư.
Nhưng đa số mức độ làm việc tại nhà máy, công sở hiện nay vẫn thực hiện theo Chỉ thị 15 (khoảng 50% làm việc tại văn phòng, 50% làm việc tại nhà). Còn khu dân cư vẫn ít di chuyển hơn so với Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai và thậm chí Bình Dương, nơi dịch bệnh phức tạp hơn nhiều so với Hà Nội. Điều này một lần nữa cũng cho thấy sự thận trọng của lãnh đạo Thủ đô.
Với các chỉ số thống kê trên, Hà Nội đủ cơ sở để có thể mở cửa nhiều hơn, nhất là các dịch vụ thiết yếu (ăn uống, giao thông công cộng, thể thao....) với tỷ lệ phù hợp và có lộ trình. Việc này phù hợp với mục tiêu "sống chung an toàn với Covid-19" của Thủ tướng.
Chưa kể, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch và là một trong hai đầu tàu của cả nước; sức lan tỏa và ảnh hưởng rất lớn. Hà Nội không thể giảm đi vai trò và bỏ lỡ cơ hội phục hồi, phát triển như các địa phương khác.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực