Tại châu Âu, người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang phải đối mặt với hóa đơn nhiên liệu tăng vọt, trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên đã tăng gần 600% kể từ đầu năm, còn dự trữ nhiên liệu ở mức thấp.
Theo Bloomberg, giá khí đốt tăng cao đã đè nặng lên nhiều doanh nghiệp, buộc một số công ty sử dụng nhiều năng lượng phải cắt giảm nhu cầu hoặc tạm ngừng hoạt động vì chi phí quá đắt đỏ. Các dữ liệu từ công ty tư vấn Engie EnergyScan có trụ sở tại Paris cho thấy, mức tiêu thụ khí đốt tại châu Âu trong tháng 9 và tháng 10 đều sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.
"Chúng tôi bắt đầu nhận thấy xu hướng sụt giảm nhu cầu khí đốt trong lĩnh vực công nghiệp ở châu Âu. Đức, Hà Lan và Anh là những nước ghi nhận mức giảm lớn nhất. Sẽ cần phải đợi vài tuần để xem liệu xu hướng này có kéo dài hay không, đặc biệt là khi nhu cầu khí đốt sưởi ấm sẽ tăng lên", ông Julien Hoarau, Giám đốc Công ty tư vấn Engie EnergyScan, cho biết.
Các chuyên gia lo ngại, với mức dự trữ năng lượng thấp như hiện nay, cuộc khủng hoảng sẽ không sớm được giải quyết và người tiêu dùng châu Âu sẽ phải đối mặt với một mùa đông lạnh giá. Những bất ổn liên quan đến giá năng lượng cũng làm gia tăng lo ngại về lạm phát và triển vọng kinh tế châu Âu.
Giá khí đốt tăng cao đã đè nặng lên nhiều doanh nghiệp tại châu Âu. (Ảnh minh họa - Ảnh: DW)
"Chúng tôi chỉ có thể hy vọng rằng tới cuối năm hoặc đầu mùa xuân năm sau, sản lượng dầu và khí đốt sẽ cao hơn. Hiện tại OPEC đang tận dụng tình hình hiện nay để hưởng lợi từ mức giá cao, vì họ biết rằng, nguồn cung từ Mỹ không thể tăng thêm được trong thời gian ngắn", ông Robert Halver, chuyên gia phân tích thị trường vốn tại Baader Bank, cho hay.
Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ công bố một loạt biện pháp tạm thời vào ngày 13/10 để đối phó với giá năng lượng tăng. Trong đó đáng chú ý là đề xuất về cách tiếp cận năng lượng chung: một số quốc gia sẽ cùng tham gia mua khí đốt theo nhóm để đạt được mức giá tốt và thành lập kho dự trữ chiến lược.
"Bên cạnh việc tăng nguồn cung, châu Âu đang cố gắng tạo lập một thị trường thống nhất. Việc có được một thị trường rộng lớn hơn sẽ giúp các nước có thể mua được sản phẩm cần thiết với mức giá rẻ hơn", ông Robert Halver cho biết thêm.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng cho biết sẽ khuyến khích các quốc gia giảm thuế năng lượng và phân phối lại lợi nhuận từ mức giá tăng cho những người nghèo thông qua các công cụ khác nhau. Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp hàng triệu hộ gia đình châu Âu vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
VTV.vn - Năng lượng vẫn đang là chủ đề nóng với các nền kinh tế toàn cầu trong tuần qua. Khi mùa đông đang đến gần, khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên trầm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.88324655121011202-gnoul-gnan-gnaoh-gnuhk-ohp-gnu-tav-tahc-ua-uahc/et-hnik/nv.vtv