Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp được thành lập mới là khó khăn - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 12-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đặt mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.
Đến năm 2025, tối thiểu 5 - 10 trong số các sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế, góp phần cải thiện vị thế của ngành trên chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế số chiếm 20% GDP; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% cũng nằm trong chỉ tiêu chung của kế hoạch.
Điều chỉnh chỉ tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp?
Tuy vậy, trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động là khó khả thi. Vì vậy cần nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh các chỉ tiêu khó khả thi, nghiên cứu mục tiêu chất lượng doanh nghiệp, hay tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung làm rõ nội hàm, các yếu tố cấu thành kinh tế số, từ đó làm cơ sở để xác định mục tiêu "Kinh tế số chiếm 20% GDP, tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%".
Thừa nhận việc đạt 1,5 triệu doanh nghiệp là rất khó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay trước đây mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp không đạt được vì nhiều lý do. Vì vậy, quan trọng là tạo ra cơ chế chính sách để khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, huy động nguồn lực trong dân còn lớn, giúp người dân yên tâm bỏ tiền vào đầu tư kinh doanh mà hiện nay nguồn lực rất lớn nhưng chưa phát huy được.
Đồng tình về việc cần phải giải phóng nguồn lực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần tập trung chú ý việc phát triển của thị trường vốn do năng lực và khả năng huy động vốn hạn chế. Việc hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng gặp trở ngại, tín dụng tăng chậm, có nguy cơ chảy vào những lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản.
Vì thế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nức cần nghiên cứu giải pháp cải thiện thể chế, luật pháp, ưu đãi... để mở rộng năng lực thị trường vốn (thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp).
Khơi thông điểm nghẽn, huy động nguồn lực trong dân
Ông thông tin, hiện Bộ Tài chính đang tính toán phát hành thêm công trái thông qua người dân như ngày xưa để huy động nguồn lực trong dân còn đang nhiều, chứ không phải thông qua "kênh" bán buôn các tổ chức tín dụng.
Bởi, nếu huy động thông qua các ngân hàng thì vướng quy định trần cho vay trung, dài hạn. Chẳng hạn, ngân hàng huy động 100 đồng thì chỉ được cho vay ra 4 đồng, nên các nhà băng muốn cho vay nhiều hơn cũng khó cho vay được. Chưa kể, còn vấn đề liên quan tới dự trữ bắt buộc.
Ngoài chuyện huy động nguồn lực từ dân, bản kế hoạch cơ cấu kinh tế 5 năm cũng cần chú ý tới các yếu tố nâng cao năng lực hấp thụ vốn nền kinh tế. Ở khía cạnh này, ông Huệ nói cấp bách phải điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, tái thiết kinh tế, song vấn đề là có tiêu được tiền hay không.
"Giải pháp để tiền đưa vào chỗ nào, kích thích vào đâu để tiền rót vào mà tiêu được. Nhất là phân bổ, giải ngân đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư, tăng năng lực quản trị các dự án đầu tư, hay giải quyết các dự án treo, chậm tiến độ…", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng thời, kế hoạch tái cơ cấu 5 năm tới phải gắn với chương trình phục hồi tổng thể nền kinh tế và tăng tính tự chủ nền kinh tế. "Như vậy, vừa phải trọng cung, vừa phải kích cầu. Tức là coi trọng kích thích các yếu tố phát triển, nhưng cũng phải chú trọng tới kích cầu. Cả tổng cung, tổng cầu phải chú trọng thời gian tới đây", ông khẳng định.
TTO - Tại buổi họp mặt doanh nhân, doanh nghiệp nhân ngày doanh nhân Việt Nam (13-10) tỉnh Bến Tre, hầu hết các doanh nhân đều lo lắng trước tình trạng “cát cứ” địa bàn, chia cắt giao thông giữa các tỉnh trong thời gian qua.