Chiều 12/10, Ngân hàng Nhà nước tổ chức phiên họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III và 9 tháng năm 2021.
Tín dụng tăng trưởng 7,42%
Tại cuộc họp, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 7/10, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 5,48%).
Theo ông Tú, mức tăng trưởng tín dụng kể trên là con số tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã diễn biến phức tạp trong nhiều tháng qua, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương…
“Điều này cũng cho thấy trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch thì vẫn có những doanh nghiệp phát triển, cần vốn và các nhu cầu vốn này vẫn được đáp ứng”, ông Tú cho hay.
Trước các đề xuất nới điều kiện vay vốn, ông Tú cho rằng việc giảm chất lượng và điều kiện vay vốn sẽ không đảm bảo an toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ để vừa đảm bảo tín dụng nền kinh tế giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn nhưng phải đảm bảo chất lượng tín dụng.
Lấy ví dụ giá dầu tăng phi mã, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tỏ ra quan ngại về lạm phát và khẳng định “dễ dãi với tín dụng hôm nay có thể khiến chúng ta phải trả giá đắt cho tương lai”.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cơ quan này vừa có văn bản trình Chính phủ về quan điểm, giải pháp đảm bảo các nhiệm vụ mà Nhà nước, Chính phủ giao với những giải pháp cụ thể, chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giức chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản hệ thống, vừa khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay thời gian tới.
Từ nay tới cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ an toàn hệ thống. Đây là nhiệm vụ vừa trước mắt, vừa lâu dài để tránh xảy ra những hệ luỵ về sau.
Lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động
Trả lời báo chí đề xuất dùng ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế nhìn nhận, thời điểm này nên có thêm những gói hỗ trợ như gợi ý của Quốc hội để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Theo đó, để xây dựng cơ chế chính sách cần tính toán đến 2 mục tiêu. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát.
Bởi lẽ, lạm phát là gốc của ổn định vĩ mô, không đạt mục tiêu này thì không những các mục tiêu khác không hoàn thành mà còn tác dụng ngược. Vì vậy, đối với các gói cấp bù lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đang rốt ráo hoàn thành nhưng vẫn phải làm một cách cẩn trọng.
Nói thêm về việc giảm lãi suất, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm mạnh và nhanh lãi suất điều hành phát tín hiệu cho lãi suất thị trường giảm trong năm và kéo dài sang năm 2021. Tính từ đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,7% trong khi lãi suất huy động giảm 0,4%.
Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức này đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Lũy kế từ 23/1/2020 cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.
Trong đó, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 của 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã cam kết với Hiệp hội Ngân hàng là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.