vĐồng tin tức tài chính 365

Không để thiếu hụt nguồn cung lương thực, thực phẩm dịp cuối năm

2021-10-13 06:57

Tác động của dịch COVID-19 đã làm gián đoạn một số chuỗi sản xuất trên toàn cầu. Điều này đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung khi nhu cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm tăng cao. Không để thiếu hụt nguồn cung, ngành nông nghiệp, các địa phương đã lên phương án và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định và bền vững.

Thiếu thực phẩm toàn cầu có ảnh hưởng đến Việt Nam?

Theo phân tích từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), ước tính năm 2021 có khoảng 270 triệu người sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm; con số này được WPT nhận định "tăng 120 triệu người so với thời điểm trước đại dịch COVID-19".

"Việc thiếu hụt lương thực, thực phẩm trên toàn cầu đã làm ảnh hưởng tới hàng triệu gia đình trên thế giới. Việc này sẽ làm tăng số lượng người cần hỗ trợ lương thực và dẫn đến tăng chi phí mua hàng hóa cơ bản cần thiết cho các hoạt động viện trợ lương thực. Các quốc gia có khả năng xảy ra lạm phát giá lương thực cao nhất là những quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực" - WFP cho hay.

Tình trạng thiếu hụt thực phẩm toàn cầu khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2022 đang cận kề. Bởi thời gian qua, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu lương thực, thực phẩm và nông sản, làm đứt gãy các chuỗi sản xuất.

Nhận định kế hoạch sản xuất để đảm bảo nguồn cung dịp Tết, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, cần vận dụng kế hoạch sản xuất "thời chiến", chứ không đơn thuần là những kế hoạch năm như trước đây. Tức là, vừa cần có biện pháp cải thiện chuỗi cung ứng cho sản phẩm, vừa phải có chính sách ưu tiên tăng lưu thông và chế biến. Đồng thời phải huy động sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp lớn.

"Theo kịch bản chúng tôi tính toán - năm 2021, toàn ngành chăn nuôi sẽ dự trữ khoảng 6,2 triệu tấn thịt các loại; 1,2 triệu tấn sữa và 16 tỉ quả trứng. Đến thời điểm này (9 tháng đầu năm), ngành chăn nuôi đã dự trữ được 4,7 triệu tấn thịt các loại, 12 tỉ quả trứng và gần 900.000 tấn sữa. Nếu dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng tốt như hiện nay, thì ngành Nông nghiệp sẽ chủ động được nguồn thực phẩm trước Tết Nguyên đán" - ông Trọng nói.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay có nhiều vấn đề đang làm khó ngành chăn nuôi. Khó là vì tiêu thụ nông sản, thực phẩm bị giảm quá nhiều do giãn cách xã hội, nhất là ở 2 thành phố lớn: Hà Nội và TPHCM. Riêng ở TPHCM, theo thống kê, có đến 95% thịt các loại và 90% trứng phải nhập từ các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. 

"Thời gian giãn cách xã hội vừa rồi, khiến nhu cầu ở các thành phố lớn giảm hết - khi các nhà hàng, quán ăn, trường học, bếp ăn tập thể... phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khi giãn cách, người dân không có việc làm, không có thu nhập, điều này đồng nghĩa với việc tiêu dùng cũng sụt giảm nghiêm trọng. 

Tiêu dùng giảm, khiến ngành chăn nuôi bị ứ đọng khoảng 30% về mặt số lượng. Chưa kể, hiện nay giá lợn hơi rất thấp, trung bình từ 40.000-50.000 đồng/kg lợn hơi, cá biệt có những nơi chỉ khoảng 33.000-35.000 đồng/kg lợn hơi. Việc chăn nuôi ứ đọng sẽ rất khó để bà con nông dân tái đàn, phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm" - ông Trọng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, để khắc phục tình trạng trên và để đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm, bộ ngành và các địa phương cần thực hiện tốt Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ để gỡ khó cho ngành chăn nuôi. Từ đó, mới có thể đảm bảo được nguồn thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích các doanh nghiệp lớn thu mua cho người dân ở mức độ tối đa bằng việc lưu kho khi giá gia cầm hạ quá thấp. Điều này giúp chủ động một lượng nguồn cung, vừa giải phóng ứ đọng trong chuồng.

Ngoài ra, để kích cầu sản xuất, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước gia hạn các khoản vay ngắn hạn để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị dòng tiền trả nợ, đáo hạn các khoản vay dài hạn, nới rộng hạn mức cho vay và điều chỉnh lãi suất cho vay tạm trữ.

Hiến kế giải pháp để không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung 

Theo các chuyên gia, để không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phục hồi, tái sản xuất thông qua việc rà soát lại tình hình thực tế. Những địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể tăng cường sản xuất để bù cho các địa phương vừa rồi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Ngoài thị trường trong nước, cần có giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) - việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang khá khó khăn. Vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án, cùng doanh nghiệp làm việc với địa phương khi trình phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách từng phần, nhằm khôi phục sản xuất để địa phương phê duyệt nhanh nhất, vì thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều.

Trao đổi với Lao Động, một đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, để gỡ khó cho ngành chăn nuôi, kích thích người nông dân tái đàn, phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên tìm cách kiểm soát khung giá bán, tỉ lệ chiết khấu cho đại lý nhằm hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và người chăn nuôi.

Theo vị này, giá thức ăn chăn nuôi đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu và chịu sự chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài. "Chúng ta là nước nông nghiệp, nhiều nhà máy sản xuất, nhiều nguyên liệu ngô, đậu tương, nhưng mỗi năm chi hàng tỉ USD để nhập khẩu nguyên liệu là chưa phù hợp" - vị đại diện nói.

Vị này phân tích, ở Thái Lan, lợi nhuận đối với ngành thức ăn chăn nuôi không được phép cao hơn 5%. Ở Trung Quốc, thức ăn chăn nuôi được áp giá trần. Còn Việt Nam hiện nay vẫn đang "thả nổi" quản lý.

Thực tế, thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam hiện chiếm đến 70-75% giá thành sản phẩm, nhưng việc chi hoa hồng, chiết khấu giữa nhà sản xuất và đơn vị phân phối lên tới 30%. Cuối cùng, người chăn nuôi phải "gánh" chịu hết các chi phí đó.

Bên cạnh đó, theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, dù dịch bệnh thì cơ quan quản lý vẫn phải giải quyết được bài toán thông suốt hàng thực phẩm, nông sản, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong từng khu vực mà còn phải kết nối với các chuỗi cung ứng khu vực khác và phục vụ xuất khẩu. Các cơ quan quản lý phải thống nhất để đưa ra giải pháp lưu thông và phân phối thực phẩm, nông sản kịp thời.

Xem thêm: odl.555269-man-iouc-pid-mahp-cuht-cuht-gnoul-gnuc-nougn-tuh-ueiht-ed-gnohk/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Không để thiếu hụt nguồn cung lương thực, thực phẩm dịp cuối năm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools