Ngày 12/10/2021, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tại Hội trường Thống Nhất - TP.HCM.
Tham dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành; lãnh đạo thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh, đại diện Ban Bí thư TW Đoàn, Thường trực Hội LHTN Việt Nam, Ủy ban Trung ương Hội DNT Việt Nam và đại diện các Doanh nhân trẻ tiêu biểu.
Trong đợt dịch lần thứ tư này, doanh nghiệp và giới doanh nhân bị thiệt hại rất nặng nề, nhất là Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với các hội viên là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nhân dịp này, ông Đặng Hồng Anh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã thay mặt Hội có một số đề xuất với Chủ tịch nước và lãnh đạo Thành phố. Cụ thể:
Về logistic: thuận lợi trong di chuyển và vận chuyển của doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Giao thông thuận lợi mới có thể đi làm, mua nguyên vật liệu sản xuất kinh doanh và bán sản phẩm dịch vụ cho đối tác, khách hàng.
"Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều quyết sách nhanh chóng để nối lại chuỗi đứt gãy nhưng vì yếu tố dịch bệnh biến hóa khó lường, nên mọi người cũng chia sẻ với chiến lược giãn cách có lộ trình.
Nhưng chúng tôi xin tham mưu phương án: trước khi ban hành chính sách, Bộ Giao thông vận tải có thể gửi về các địa phương và yêu cầu mọi người đóng góp ý kiến trong 1-2 ngày, sau đó các địa phương gửi lại cho Bộ Giao thông vận tải.
Nếu các địa phương không gửi lại, xem như đồng ý; nếu các địa phương gửi lại - có ý kiến phù hợp thực tiễn thì cho chỉnh sửa và ban hành đồng bộ. Hiện giờ vẫn có, nhiều địa phương làm theo quan điểm và cách riêng của địa phương mình", ông Đặng Hồng Anh nêu cụ thể.
Ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
Về vốn: cần gói hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp như ‘bơm Oxy’ cho doanh nghiệp. Gói hỗ trợ đó có thể lấy từ:
- Nguồn vốn đầu tư công được Quốc hội thông qua trong chiến lược 5 năm, có các gói dự án đã có chủ trương nhưng cần một hai năm tới mới có thể thực hiện…
- Sau khi cân nhắc các chỉ số nợ nước ngoài thì có thể cân nhắc lấy một phần từ dự trữ ngoại hối.
- Từ các ngân hàng: Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đánh giá rất cao việc Ngân hàng nhà nước vừa qua đã ban hành thông tư 14/2021, trong đó quy định điều kiện giãn nợ trong vòng 12 tháng là rất kịp thời.
Nhưng trong thực thế, rất nhiều hội viên của chúng tôi chưa hưởng lợi từ chính sách này. Vì theo thông tư 14, điều kiện tiên quyết là phải chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi Covid-19. Vậy thì quyền của ngân hàng là rất lớn, hơn nữa, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp.
Nếu việc này ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng/chi nhánh ngân hàng, họ có thể khó khăn trong việc xem xét các điều kiện để giãn nợ, cơ cấu lại nợ và không chuyển nhóm; bởi sợ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của mình, làm chậm trễ vấn đề hỗ trợ cho Hội viên.
"Vì vậy, tôi đề nghị Chủ tịch nước xem xét có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước, xem các doanh nghiệp đều khó khăn như nhau và được giãn nợ đồng loạt từ 6-12 tháng, ít đi kèm với điều kiện, không để xuống nhóm nợ; trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như ngành Y tế, thực phẩm, sắt thép…
Đề xuất: Nên có hotline của Ngân hàng Nhà nước tại địa phương hay UBND tỉnh, thành sẽ tiếp nhận thông tin doanh nghiệp và hỗ trợ làm việc với ngân hàng để trả lời trong 1 tuần", Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho hay.
Tiếp tục từ thực tiễn tham mưu chính sách cho chính phủ, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ làm các công tác hỗ trợ cho hội viên như sau:
- Về vốn: sẽ tiếp cận thông tin hội viên và gửi văn bản hay làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ cho hội viên sớm hưởng chính sách từ thông tư 14.
- Kết hợp với VNPT có chương trình giúp đỡ hội viên trong công tác chuyển đổi số để phù hợp với các điều kiện kinh doanh trong tương lai.
- Đẩy mạnh, nâng cấp ứng dụng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương, kêu gọi sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau để kích cầu và phát triển kinh tế cho doanh nghiệp hội viên.
Nguồn nhân lực: Nhà nước cần có công tác truyền thông mạnh hơn nữa đến người dân, đặc biệt là dân lao động cùng các chính sách hỗ trợ người lao động nhanh chóng, thiết thực hơn để giữ chân người lao động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dân mình hay có ‘tâm lý đám đông’. Vừa qua, đã có làn sóng người lao động về quê tránh dịch. Theo đó, khi họ đã về quê thì sẽ không được tiêm mũi 2 vaccine, trong khi ở lại TP.HCM để tiêm mũi 2 thì không tiêm, gói an sinh xã hội lần thứ 3 cũng không thể lên Thành phố nhận; doanh nghiệp, nhà máy tại TP.HCM đã hoạt động lại cũng không thể đi làm.
Vaccine: Trong tháng 10, như Bộ Y tế thông tin, có hơn 30 triệu liều vaccine sẽ về Việt Nam. Số vaccine cần được tiếp tục ưu tiên cho các tỉnh, thành có tỷ trọng sản xuất kinh doanh và xuất khẩu cao như 19 tỉnh phía Nam và các tỉnh, thành phát triển du lịch để phục hồi kinh tế và có nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đang trao quà kỷ niệm cho 2 đại diện doanh nhân trẻ ở TP.HCM.
Sau khi báo cáo với Chủ tịch về tâm thế của doanh nhân trong giai đoạn mới, Chủ tịch Tập đoàn TTC - Đặng Văn Thành cũng có một số kiến nghị lên Chủ tịch nước về các gói hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, phát triển sau đại dịch.
Ông Thành cho rằng: GDP Việt Nam đang ở mức tăng trưởng 2,2%, khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Điều này có thể hiểu do ngân sách chúng ta còn eo hẹp. Giãn thuế, miễn thuế là chính sách chung nhưng phải làm sao không để các doanh nghiệp "té nước theo mưa".
Ông Thành mong muốn Chủ tịch nước có thể ra chủ trương thực hiện "quy trình ngược" mà Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ làm thí điểm đầu tiên: Những doanh nhân nào cảm thấy cân đối được tài chính, thì đăng ký không cần giãn thuế, miễn thuế. Đối với các doanh nghiệp lớn, vững mạnh, "quy trình ngược" này sẽ rất được hưởng ứng. Ngân sách khiêm tốn thì chúng ta nên tập trung chứ không thể đại trà được.
Về vấn đề nguồn lao động, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng: Sau khi phủ hết ‘tuyến đầu’ phục vụ chuyện chống dịch, nên ưu tiên vaccine cho công nhân. Về vấn đề chỗ ở cho lực lượng lao động/công nhân, doanh nghiệp và Nhà nước nên làm việc với các nhà trọ để hỗ trợ chi phí thuê trọ, nhằm khuyến khích nhân công quay lại nhà máy làm việc.
Phần mình, ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cũng cho hay: nguồn lao động đang là vấn đề khó khăn nhất đối với thành phố và doanh nghiệp trong thời điểm này.
Do vậy, ông rất phấn khởi khi biết, lãnh đạo TP.HCM sắp có những chính sách hỗ trợ cho người lao động. Ông cũng mong Chủ tịch nước xem xét các quyết sách mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết các vấn đề cho đối tượng này, nhất là vấn đề nhà ở cho người lao động.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị