DesignBold là tên tuổi đình đám trong giới khởi nghiệp. Startup này ra mắt vào ngày 25/10/2016, với mục tiêu trao quyền cho tất cả mọi người từ khắp mọi nơi để tạo ra các nội dung trực quan từ trí tưởng tượng của mỗi người.
"Cha đẻ" của DesignBold cũng là một gương mặt thân quen trong giới startup Việt - Hùng Đinh. Chưa đến 7 ngày ra mắt, DesignBold đã đạt được doanh thu hơn 80.000 USD. Startup này cũng gây tiếng vang khi thường xuyên so sánh với Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông.
Thời điểm đó, Hùng Đinh cho biết DesignBold có thể đạt được doanh thu như Flappy Bird vào cuối năm 2016.
Chỉ sau nửa năm ra mắt, nền tảng này đã có hơn 90.000 người dùng, đạt hơn 5 tỷ doanh thu, tạo được hơn 8000 mẫu thiết kế chuyên nghiệp. DesignBold là 1 trong 5 startup Việt lọt vào Top 100 startup nổi bật châu Á tại sự kiện công nghệ Echelon Asia Summit 2017.
“Tôi muốn DesignBold sẽ là một sản phẩm được cả thế giới biết đến, là của người Việt Nam, thương hiệu Việt Nam, qua đó góp phần cổ vũ cho phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam”, nhà sáng lập Hùng Đình từng chia sẻ như vậy.
Thế nhưng sau 5 năm thành lập, startup này cho biết sẽ đóng cửa vĩnh viễn vào đúng ngày sinh nhật. Đội ngũ DesignBold thừa nhận: "Chúng tôi đã thất bại trong việc đưa DesignBold trở thành một công cụ thiết kế phổ biến và dẫn đầu".
"Đó là một quyết định khó khăn", thông báo của DesignBold cho biết.
"Là một startup, DesignBold phải đối mặt với rất nhiều vấn đề... Chúng tôi đã thất bại trong việc đưa DesignBold trở thành một công cụ thiết kế phổ biến và dẫn đầu", đội ngũ này thông báo.
Vì sao đóng cửa là một quyết định khó khăn nhất với người khởi nghiệp? Tom Eisenmann, giáo sư thuộc trường kinh doanh Harvard đồng thời là tác giả cuốn sách “Why Startups Fail” từng phân tích trên tạp chí Forbes.
Sự thất bại diễn ra từ từ
Một công việc kinh doanh đang gặp khó khăn diễn biến lên xuống trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, đôi khi có những tia hy vọng nhỏ trên đường đi. Có thể khó để phân biệt một công ty khởi nghiệp đang hoạt động tốt như thế nào, nhưng “đi ngang” hiếm khi là hướng đi đúng.
Ví dụ vào đầu năm 2016, các nhà lãnh đạo của startup giao hàng trọn gói Shyp cải tiến mô hình kinh doanh của công ty và quay trở lại các động thái mở rộng để tìm kiếm lợi nhuận. Bất chấp những dấu hiệu của sự đi ngang, startup này đã huy động được hơn 60 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Kleiner Perkins. Startup này đã không đóng cửa trong hai năm tiếp sau đó.
Không ai muốn trở thành một kẻ bỏ cuộc
Giáo sư tâm lý học Angela Duckworth đã phân tích về tâm lý này với bài nói chuyện TED nổi tiếng và cuốn sách bán chạy nhất của cô với tên Grit: Sức mạnh của đam mê và sự kiên trì. Eisenmann cho rằng mặc dù kiên trì là tiền đề cho việc theo đuổi một bằng cấp hoặc học một kỹ năng mới, nhưng một số doanh nhân lại coi trọng sự bền bỉ ở mức quá mức.
“Các nhà sáng lập thường nghe nhiều doanh nhân ca ngợi sự kiên trì. Họ nói rằng những doanh nhân vĩ đại luôn kiên trì. Vì vậy nếu từ bỏ, bạn không phải là một doanh nhân vĩ đại”, Eisenmann cho biết .
Thật khó để khiến người khác thất vọng
Từ bỏ một ý tưởng trở nên khó khăn hơn nhiều khi hàng chục nhân viên dựa vào nó để nuôi sống gia đình của họ. Và những khách hàng yêu thích sản phẩm thì sao? Hay những nhà đầu tư đã tin tưởng vào người sáng lập và ước mơ của bạn?
Eisenmann cho biết nhiều doanh nhân thực sự muốn bảo vệ lợi ích của các bên và sẽ cố gắng làm như vậy bằng cách giữ cho startup tồn tại, đôi khi lâu hơn điều họ nên làm. Ví dụ, nhân viên có thể được hưởng lợi nhiều hơn khi chuyển sang công việc khác thay vì nỗ lực để cứu một con tàu đang chìm.
Thế khó của nhà sáng lập
Trong một thế giới hoàn hảo, một doanh nhân có thể tìm kiếm lời khuyên từ các nhà đầu tư, đồng nghiệp hoặc hội đồng quản trị của công ty về việc có nên rút lui hay không. Nhưng trên thực tế, những nhà sáng lập thường có dáng dấp hoàn toàn tự tin, đầy năng lực. Một tiếng kêu cứu hoặc chỉ đơn giản là một đánh giá trung thực về tình hình có thể khiến các nhà đầu tư giữ lại nguồn vốn mới hoặc nhân viên bỏ công ty, đẩy nhanh sự sụp đổ của startup.
Eisenmann cho biết thêm: “Nếu bạn bạn chia sẻ với vợ/chồng hoặc một người quan trọng khác, họ không phải lúc nào cũng có thể trở thành một cố vấn sáng suốt. Họ thường đã gánh vác phần còn lại để giữ cho gia đình ổn định, chăm sóc con cái trong khi bạn đã làm việc 100 giờ mỗi tuần và ít dành thời gian cho gia đình. Đến một lúc nào đó, bạn không còn nhận được sự kiên nhẫn từ họ”.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị