Cảnh trong phim Miền ký ức (Memoryland) - Ảnh: BIFF
Điều này không quá khó hiểu khi đến tận cuối tháng 9 phim mới được Cục Điện ảnh cấp phép phát hành. Trong khi đó, Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) đã công bố cái tên Miền ký ức ở hạng mục New Currents từ đầu tháng 9.
Miền ký ức là tác phẩm của đạo diễn - biên kịch Bùi Kim Quy và nhà sản xuất - đạo diễn hình ảnh Đặng Xuân Trường. Họ gắn bó từ một tác phẩm điện ảnh cũng từng dự Liên hoan phim Busan nhưng đã bị cấm phổ biến vào năm 2014.
"Sáng tác đẹp đẽ về cái chết"
Các buổi chiếu Miền ký ức tại Busan là vào các ngày 10, 11 và 14-10. Thông thường, đạo diễn và êkip phim được đề cử sẽ được mời đi thảm đỏ khai mạc, dự lễ khai mạc, bế mạc và lễ ra mắt phim, giao lưu khán giả tại các rạp chiếu.
Đáng tiếc, đạo diễn Bùi Kim Quy cho Tuổi Trẻ biết chị không thể đi Busan vì vấn đề sức khỏe. Theo đạo diễn, bộ phim nói về việc chôn cất người chết, tôn trọng mong muốn của họ và câu chuyện tình yêu của những người đang còn sống.
Trong bài phê bình trên trang Screen Daily, tác giả Allan Hunter dành nhiều lời khen cho tính tác giả, câu chuyện, chủ đề và hình ảnh của Miền ký ức. "Bộ phim điện ảnh thứ hai của Bùi Kim Quy được sáng tác một cách đẹp đẽ, khám phá thái độ về cái chết ở Việt Nam" - Hunter viết.
Dài 99 phút, do Việt Nam và Đức đồng sản xuất, Miền ký ức kể hai câu chuyện riêng rẽ về cái chết và kết nối lại ở phần cuối.
Câu chuyện đầu tiên kể về một người mẹ qua đời với tâm nguyện được chôn cất trên mảnh đất của bà ở vùng quê. Người hàng xóm đã đào một ngôi mộ cho bà, nhưng đứa con trai túng thiếu lại muốn hỏa táng.
"Ở thành phố, ai cũng được hỏa táng" - anh con trai nói. Còn người hàng xóm có niềm tin: "Chỉ có đất mới nuôi dưỡng được tâm hồn người".
Câu chuyện thứ hai kể về góa phụ trẻ tuổi, có người chồng là công nhân xây dựng mới qua đời. Nghi lễ tiễn đưa người chết và chi phí của đám tang là những yếu tố được khai thác lặp đi lặp lại trong phim, như việc đặt gạo và tiền vào miệng người chết hay đốt vàng mã.
"Phim khai thác mâu thuẫn giữa lễ nghi và tính thực tế, sự hòa hợp và bất hòa, những tâm nguyện và lựa chọn khó khăn, tất cả đều cạnh tranh với nhau trong cuộc chiến để đạt được sự yên nghỉ lâu dài cho người thân yêu đã khuất..." - Screen Daily nhận định.
"Hình ảnh đầy chất thơ về sự điêu tàn"
"Sự mạch lạc, tập trung và hùng hồn của phim đến từ những hình ảnh đầy chất thơ về sự điêu tàn, được ghi nhận một cách sinh động qua góc máy của nhà quay phim Đặng Xuân Trường".
Bên cạnh đó, bài phê bình của Screen Daily cũng chú ý đến các chi tiết phản ánh xã hội của Miền ký ức như thân phận người phụ nữ trước và sau khi kết hôn, sự tương phản giữa thành thị và nông thôn, hình ảnh Hà Nội như một sự pha trộn của các công trường xây dựng, đám tắc đường và những chung cư mọc kín bầu trời...
Mặc dù vậy, xét trong hạng mục New Currents với 11 đề cử, Miền ký ức vẫn chưa được chú ý nhiều bằng các phim đến từ những nền điện ảnh lớn hơn. Tờ Variety ưu tiên điểm tên các tác phẩm đến từ Ấn Độ, Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản - những nền điện ảnh có nhiều thành tựu quốc tế.
Thông cáo báo chí của Liên hoan phim Busan xếp Miền ký ức vào nhóm phim đến từ Đông Nam Á, cùng với phim Photocopier của Indonesia, và nhận định chung là đều nói về xã hội phân biệt giới tính và sự gia trưởng.
Ban tổ chức cũng nhận xét trong lần trở lại Busan này, đạo diễn Bùi Kim Quy đã "trưởng thành hơn rất nhiều sau một thời gian dài chuẩn bị".
New Currents là hạng mục dành cho các phim và tác giả đương đại nổi bật của điện ảnh châu Á, là một trong những giải thưởng quan trọng của Busan.
Do đó, các buổi chiếu phim được đề cử hạng mục này thường kín chỗ, được khán giả cùng giới phê bình rất trông đợi.
Liên hoan phim Busan sẽ bế mạc và trao giải vào ngày 15-10.
TTO - Miền ký ức (Memoryland) của đạo diễn Bùi Kim Quy được hội đồng duyệt tại Việt Nam cấp phép phát hành với 100% số phiếu. Phim được đề cử tại hạng mục giải New Currents của Liên hoan phim Busan 2021.
Xem thêm: mth.2044319031011202-nasub-mihp-naoh-neil-iat-iogn-nehk-coud-cu-yk-neim/nv.ertiout