Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô mới công bố, Ngân hàng thế giới (World Bank) cho biết sau khi đạt kết quả tốt trong nửa đầu năm, GDP quý III/2021 suy giảm 6,2% (so cùng kỳ năm trước), ghi dấu mức giảm lớn nhất kể từ khi Việt Nam tính toán và công bố dữ liệu GDP theo quý.
"Ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhạy cảm với các biện pháp giãn cách xã hội, giảm đến 9,3% (so cùng kỳ năm trước), đóng góp 60% trong tổng mức giảm GDP. Ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, giảm 5,0% (so cùng kỳ năm trước) khi các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo ở khu vực phía Nam phải đóng cửa để kiềm chế dịch lây lan", World Bank cho biết.
Theo World Bank, đợt cách ly xã hội kéo dài tại các trung tâm kinh tế đã gây thiệt hại đáng kể đến tăng trưởng GDP
World Bank đánh giá với GDP giảm sâu trong quý III/2021, và phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý IV/2021 khi mà cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang gỡ bỏ dần các hạn chế, GDP năm 2021 hiện được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2,0% đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 8/2021.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam
Trong bức tranh kinh tế có phần ảm đảm, World Bank nhấn mạnh việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam
Theo World Bank, vốn FDI đăng ký tháng 9/2021 tăng 26,1% so với tháng trước.
"Điều này cho hấy một sự phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh khủng hoảng, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có lòng tin đối với nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn", World Bank nhấn mạnh.
Vốn FDI đăng ký tăng là nhờ dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 90,7% so tháng trước), trong đó có khoản đầu tư trị giá 1,4 tỷ USD vào ngành điện tử của một công ty Hàn Quốc. Về tổng thể, vốn FDI đăng ký đạt 22,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 4,4% (so cùng kỳ năm trước). Nhờ các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng, vốn FDI thực hiện cũng phục hồi, tăng 57,4% (so tháng trước), mặc dù vẫn thấp hơn 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, vốn FDI thực hiện giảm 3,5% (so cùng kỳ năm trước).
Các số liệu kinh tế đáng chú ý của kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm
Về khuyến nghị, World Bank cho rằng việc gỡ bỏ những nút thắt về logistics, tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vaccine, và khuyến khích dịch chuyển lao động cần được ưu tiên.
Với các giải pháp tài chính, World Bank đánh giá các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Trong đó cần mở rộng hơn nữa hỗ trợ cho người lao động cả ở khu vực chính thức và phi chính thức, cũng như các hộ gia đình sẽ giúp họ vượt qua khó khăn có thể xảy ra khi quay lại làm việc. Ngoài ra, cũng cần tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.48212832131011202-52-2-gnourt-gnat-man-teiv-pdg-oab-ud-knab-dlrow/et-hnik/nv.vtv