Tập đoàn viễn thông Huawei đã thành lập 4 đơn vị kinh doanh mới nhằm tăng tốc nỗ lực đa dạng hóa hoạt động trong lúc mảng smartphone và thiết bị hạ tầng mạng di động của tập đoàn này đang vật lộn với các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ.
Các đơn vị mới này sẽ tập trung vào sản phẩm và dịch vụ chuyển đổi số cho cơ quan hải quan và cảng biển; công nghệ giúp các trung tâm dữ liệu giảm tiêu thụ năng lượng; và hệ thống thông minh cho các đường cao tốc và ngành công nghiệp pin mặt trời.
Theo tài liệu có chữ ký của CEO Nhậm Chính Phi vào tháng 9, lãnh đạo của các đơn vị mới được chọn từ ứng viên nội bộ của Huawei. Người phát ngôn của Huawei cũng đã xác nhận việc thành lập các đơn vị mới và lãnh đạo được bổ nhiệm.
Hiện chưa rõ các đơn vị kinh doanh mới sẽ có vị trí như thế nào bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi hướng đến khách hàng nhà mạng và doanh nghiệp của Huawei. Tuy vậy, rõ ràng động thái này là một bước đi chiến thuật của Huawei nhằm mở rộng nguồn doanh thu trong khi vẫn giữ chỗ đứng trong thị trường smartphone và thiết bị viễn thông toàn cầu.
Yang Guang, giám đốc nhóm cung cấp dịch vụ tại công ty nghiên cứu Strategy Analytics nói: “Nỗ lực đa dạng hóa hoạt động của Huawei sẽ tập trung vào những lĩnh vực phụ thuộc ít hơn vào chip bán dẫn cao cấp. Ngành pin mặt trời và ô tô chẳng hạn không cần dùng nhiều chip tiên tiến như smartphone”.
Doanh thu của Huawei trong nửa đầu năm 2021 đã giảm 29,4% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 320 triệu NDT (49,6 tỷ USD), do các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào linh kiện phần cứng và phần mềm thiết yếu đã đánh nặng vào doanh thu cốt lõi từ smartphone của tập đoàn này.
Huawei cũng đang tập trung áp dụng lợi ích của công nghệ 5G vào ngành công nghiệp than của Trung Quốc, dù không tạo ra một đơn vị riêng cho động thái này. Sáng kiến của Huawei sẽ nhắm đến việc xây dựng các trạm gốc 5G kháng bụi, ẩm và sóng xung kích từ hoạt động khai thác than, vốn tạo ra nhiều điều kiện khắc nghiệt.
Trong một cuộc họp tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) vào tháng 2 vừa qua, ông Nhậm nói rằng Huawei sẽ hợp tác với hàng trăm mỏ than và sắt, nhà máy thép và cảng biển trong 2 đến 3 năm tới. Điều này đánh dấu chương trình “tự chủ sản xuất” của Huawei, có tên “Nam Nê Loan” (Nanniwan), với mục đích phát triển hoạt động của tập đoàn này sang các thị trường dọc mới trong khi mở rộng mảng sản phẩm tiêu dùng.
Từ cuối năm 2020, Huawei đã phát triển nhiều sáng kiến đa dạng hóa hoạt động, bao gồm mở rộng dịch vụ điện toán đám mây trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước giảm phát thải carbon, cung cấp nhiều trạm gốc 5G và thiết bị cốt lõi cho các nhà mạng lớn tại Trung Quốc, tăng số thương vụ đăng ký bằng sáng chế, lập quan hệ hợp tác cho nền tảng HarmonyOS và thoái vốn mảng smartphone giá rẻ Honor.
Theo Strategy Analytics, tuy thị trường doanh nghiệp Trung Quốc khá phân hóa và cần nhiều giải pháp riêng biệt, các dự án trong ngành than, thép và cảng biển chủ yếu có quy mô lớn và vì vậy Huawei đang tích cực tham gia vào các ngành này.
Tùng Phong (Theo SCMP)