Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gửi những lời cảm ơn đến cộng đồng doanh nhân TP đã đồng hành, cùng TP chống dịch, duy trì sản xuất - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đó là trải lòng của Chủ tịch UBND TP.HCM với cộng đồng doanh nhân TP.HCM tại chương trình kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam, do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức tại khách sạn REX vào tối 13-10.
Đánh giá về chặng đường đã qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kể rằng: "Chúng ta đã trải qua những ngày giãn cách nghiêm ngặt, chúng ta đã trải qua những thời gian khốc liệt nhất. Đối với nhiều anh chị có thể có những khoảng thời gian khác khó khăn hơn, nhưng đối với tôi, đây là quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời của mình".
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã chiếu lên hình ảnh xúc động khi "doanh nhân khóc" với video doanh nhân Lê Hữu Nghĩa - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - chia sẻ trong một cuộc họp trực tuyến trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, ông rơi nước mắt: "Đến giờ phút này là gần 50 ca dương tính, không có nơi nào nhận bệnh cả trong thời điểm này, không đêm nào ngủ được, điện liên tục".
Trước hình ảnh này, Chủ tịch UBND TP.HCM nói rằng rất xúc động khi thấy doanh nhân rơi nước mắt. "Tôi rất xúc động khi thấy anh Nghĩa rơi nước mắt, trăn trở, bức xúc, trước tình hình tác động của COVID-19 đối với người lao động trong công ty mình, đối với bà con đồng bào TP, và chúng tôi đã nhìn thấy nước mắt của các anh chị doanh nhân TP", ông Mãi nói.
Trước sự đóng góp của cộng đồng doanh nhân, ông Mãi gửi lời cảm ơn sự chia sẻ, đồng thuận của doanh nhân đối với chính quyền TP trong thời gian chống dịch và nỗ lực lớn lao trong việc duy trì sản xuất kinh doanh.
Theo ông Mãi, kết thúc quý 3, TP đã ghi nhận những kết quả đáng mừng về sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và đã đạt 75% kế hoạch thu ngân sách năm. Bên cạnh đó, đã có 83% số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tái sản xuất với quy mô 60%, có 25% doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đã tái sản xuất.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tặng bằng khen đến các doanh nghiệp - Ảnh: NGỌC HIỂN
Theo ông Mãi, trong khó khăn, doanh nhân đã thể hiện bản lĩnh, không bị khuất phục và vượt qua khó khăn để phát triển, tạo ra công ăn việc làm cho lao động.
Đồng thời, các doanh nhân đã chia sẻ với đồng bào TP, với cả nước bằng sự đóng góp hàng ngàn tỉ đồng vào quỹ chống dịch, mua vắc xin, mua trang thiết bị y tế.
Theo ông Mãi, TP.HCM như chiếc lò xo đã nén hết mức, chính quyền TP cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân giải nén để chiếc lò xo bật lên "như là tinh thần của doanh nhân Việt Nam, doanh nhân TP.HCM, như tinh thần của dân tộc Việt Nam".
Ông Mãi kỳ vọng các doanh nhân, các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành, chia sẻ góp ý với chính quyền TP và TP sẽ mở lòng cầu thị, tiếp thu góp ý của các doanh nghiệp để cùng xây dựng chiến lược phục hồi kinh tế, xã hội TP trong thời gian tới.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát động một cuộc thi đua giữa chính quyền TP và cộng đồng doanh nhân TP. Trong đó, chính quyền TP sẽ thi đua, xây dựng chính quyền kiến tạo, cầu thị, lắng nghe để làm tốt hơn cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, TP sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc để phục hồi kinh tế nhanh hơn.
Bên cạnh đó, ông Mãi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp thi đua cùng với chính quyền để tiếp tục thể hiện tinh thần sáng tạo, mạnh mẽ tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi số mạnh mẽ.
"Chúng ta cùng nhau thi đua, cùng làm tốt hơn công việc của mình để xây dựng TP chúng ta tiếp tục phát triển đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", ông Mãi nói.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM chúc mừng các doanh nghiệp - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho hay thời gian qua các doanh nhân, doanh nghiệp TP.HCM đã đóng góp nguồn lực to lớn khi vừa nỗ lực duy trì sản xuất, vừa thực hiện các chương trình an sinh xã hội chăm lo bà con nghèo, các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, đồng thời đóng góp nhiều tiền của, tài sản mua vắc xin, trang thiết bị vật tư y tế...
Theo ông Dũng, giới doanh nhân TP có nhiều nhiệm vụ phải thực hiện sau khi kinh tế TP chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, do đó các doanh nghiệp phải có tư duy, linh hoạt thích ứng, thay đổi, sáng tạo... để khôi phục kinh tế, mở rộng sản xuất.
Ông Dũng cho hay bây giờ là lúc mỗi doanh nhân cùng nhau đoàn kết hướng tới tương lai, tiếp tục công cuộc xây dựng và phát triển TP, đất nước trong điều kiện mới với một tâm thế mới, vị thế mới, một quyết tâm vượt bậc, chắc chắn chúng ta sẽ thành công, không để doanh nhân nào bị bỏ lại phía sau.
Phát biểu về niềm tin phục hồi kinh tế, bà Lưu Thị Thanh Mẫu - tổng giám đốc Công ty Phúc Khang - nhận định dịch bệnh sẽ nhanh chóng qua đi, TP sẽ khỏe lại với những "nhịp thở" sôi động và mạnh mẽ.
Theo bà Thanh Mẫu, cộng đồng các doanh nghiệp lại xông pha, tiếp tục chiến thắng trên cả hai mặt trận gồm mặt trận an sinh xã hội và mặt trận kinh tế, đưa TP trở lại xứng đáng với vị trí là đầu tàu về kinh tế và GDP của cả nước.
Tại buổi lễ, lãnh đạo TP đã biểu dương, khen thưởng 91 doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu đã có nhiều thành tích xuất sắc trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vẫn duy trì sản xuất và đóng góp cho công tác phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội của người dân trong thời gian qua.
TTO - Doanh nhân hiện đối diện nhiều khó khăn, không ít từ chính sách. Họ nói gì về trách nhiệm của mình, và cần người đồng hành thế nào? Trọng trách khôi phục kinh tế không thể chỉ đặt lên đôi vai các doanh nhân.