"Việc phục hồi kinh tế là vấn đề lớn hơn phòng chống dịch Covid-19 nhiều lần. Cần phải gỡ từ các mục tiêu xung đột, mâu thuẫn", ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói tại toạ đàm về doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ Covid-19 hôm qua.
Trong đó, ông Nguyễn Sĩ Dũng đề cập việc cần thiết áp đặt một chế độ trách nhiệm cân bằng vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế với chính quyền địa phương.
"Nếu chỉ áp đặt cho lãnh đạo địa phương trách nhiệm về việc để xảy ra Covid-19 tràn lan thì họ sẽ không để tâm đến mục tiêu kinh tế", ông Dũng nói.
Thời gian qua, để chống dịch, nhiều địa phương đã đưa ra các biện pháp khác nhau, không có sự đồng nhất, khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề vận chuyển hàng hoá, lưu chuyển lao động. Ví dụ, với biện pháp xét nghiệm, doanh nghiệp cho biết Quảng Ninh từng yêu cầu phải test Covid-19 ba lần nếu muốn đến Móng Cái, trong đó 2 lần test nhanh, 1 lần PCR; Hưng Yên lại yêu cầu giấy xét nghiệm PCR nhưng thời hạn chỉ trong 48 giờ; Hải Phòng có lúc yêu cầu PCR nhưng phải làm ở tỉnh khác mới có hiệu lực...
Bên cạnh đó, một trong những lực cản ngăn doanh nghiệp phát triển hiện nay, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, là doanh nghiệp bị kẹt cứng ở mô hình "Zero Covid" như trước đây và cách sống chung an toàn với nó. Ông cho rằng, các bộ, ngành cần đưa ra khuôn khổ rõ ràng, cụ thể về điều này. Nếu muốn sạch bóng F0 và phát triển kinh tế, Việt Nam cần phải chấp nhận có các ca Covid-19, nhưng năng lực y tế đáp ứng được khi phát bệnh.
Với các thủ tục và chính sách hiện nay còn vướng, ông Dũng cho rằng Quốc hội cần ban hành nghị quyết tháo gỡ.
Cũng tại buổi toạ đàm, ông Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lại nhấn mạnh, cần một luật sống chung khi mở cửa để các cấp chính quyền địa phương chủ động, thay vì phải "xin" như hiện nay.
Việc xoá bỏ giấy phép con trong lộ trình mở cửa nền kinh tế quan trọng, giúp tạo ra sự chủ động, nhất quán trong hành xử từ trung ương về địa phương.
"Mở cửa hay là chết. Từ đầu tháng 10 chúng ta đã mở rồi nhưng cần mạnh mẽ hơn nữa chứ không phải nửa đóng nửa mở", ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, ông Lộc cho rằng doanh nghiệp cần "tiếp máu". Mất khả năng thanh khoản là khó khăn chung của doanh nghiệp hiện nay và họ cần được hỗ trợ bằng các chính sách tài khoá.
"Nếu chỉ có ngân hàng giảm lãi suất thì không đạt được kết quả tích cực nhất do đó cần có các chính sách, các quỹ bảo lãnh ngân hàng", ông nói. Ông cũng nhấn mạnh, chính sách tài khoá phải tích hợp với chính sách tiền tệ. Hiện các gói chính sách mới thực hiện được 50%, còn rất nhiều dư địa để tiếp tục hỗ trợ.
Tiếp đến, các chuyên gia đánh giá, luật pháp hiện còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà. Ông Dũng lấy ví dụ với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp cần được các cơ quan chức năng tạo điều kiện chứ không thể ngăn cấm hay cản trở việc đi lại, vận chuyển. "Tôi cho rằng, khi đã tiêm phòng trên toàn diện rộng thì vấn đề Covid-19 lây nhiễm không còn quá nghiêm trọng", ông nói.
Đức Minh