vĐồng tin tức tài chính 365

Đề xuất 8 khu đất xây nhà lưu trú tạm thời cho công nhân TP.HCM

2021-10-14 07:27

Trước làn sóng công nhân ồ ạt trở về quê, TP.HCM đang phải đương đầu với tình trạng thiếu hụt lao động. Vì vậy, hiện nay TP đang phải tìm các giải pháp để thu hút lao động từ các tỉnh, thành trở lại làm việc, trong đó có vấn đề nhà ở cho công nhân.

Đầu tháng 9, UBND quận 7 (TP.HCM) đã có công văn đề xuất UBND TP xem xét về việc sử dụng tạm thời tám khu đất trên địa bàn quận để xây nhà lưu trú tạm thời cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trong thời hạn ba năm. Tám khu đất này có tổng diện tích hơn 13 ha, hiện đều do các đơn vị nhà nước quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng các khu đất này hiện không phải là vấn đề đơn giản.

Hiện trạng tám khu đất

Cụ thể, tám khu đất này gồm: Khu thứ nhất tại số 4 Phạm Hữu Lầu, phường Phú Mỹ, có diện tích gần 15.500 m2, đã được cấp giấy chủ quyền cho Ban Tài chính Quản trị Thành ủy (nay là Văn phòng Thành ủy). Từ năm 2002 đến nay, hiện trạng khu đất này vẫn là đất trống. Khu đất thứ hai tại số 9/5 Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, có diện tích hơn 2.000 m2, đã cấp chủ quyền cho Văn phòng Thành ủy từ năm 2013. Hiện trạng có một phần đất trống, còn lại là nhà trệt.

Khu đất thứ ba cũng do Văn phòng Thành ủy quản lý và sử dụng, có ký hiệu MD6, khu A thuộc khu đô thị mới Nam TP, phường Phú Thuận, có diện tích 20.900 m2. Hiện trạng khu đất này một phần là đất trống, một phần là trường mầm non dân lập. Khu đất tiếp theo do UBND quận 7 quản lý có diện tích hơn 11.700 m2 tại số 14 Đào Trí, phường Phú Thuận. Với khu đất này, quận 7 đang chuẩn bị đầu tư dự án trạm trung chuyển rác, trạm xử lý nước thải, hiện trạng vẫn đang là đất trống.

Đề xuất 8 khu đất xây nhà lưu trú tạm thời cho công nhân TP.HCM - ảnh 1
Khu đất tại số 9/5 Bùi Văn Ba (phường Tân Thuận Đông, quận 7) có diện tích hơn 2.000 m2, hiện có một phần đất trống và một nhà trệt. Ảnh: VIỆT HOA

Một khu đất khác do Công ty Dịch vụ công ích quận 7 quản lý cũng đang là đất trống tại  261A Lâm Văn Bền, phường Phú Thuận, có diện tích gần 6.500 m2. Khu tiếp theo có diện tích gần 21.000 m2 vừa là đất trống vừa là nhà trệt, ao, còn gọi là khu đất vườn ươm Cầu Trắng, đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận. Trong đó, Công ty Dịch vụ công ích quản lý ba khu, hai khu còn lại là của hai hộ dân, theo UBND quận 7, các hộ này “xây dựng nhà không phép, lấn chiếm, chưa thực hiện cưỡng chế do TAND TP đang xét xử”.

Khu đất thứ bảy hiện trạng cũng là đất trống, nằm tại số 5/7 Nguyễn Văn Quỳ, phường Tân Thuận Đông, do Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV quản lý, sử dụng với diện tích gần 30.000 m2. Riêng khu đất thứ tám là khu đất duy nhất của một doanh nghiệp tư nhân (Công ty CP Thương mại và xây dựng Thành Hiếu). Năm 2014, công ty này được TP giao khu đất có diện tích gần 29.000 m2 để thực hiện dự án nhà ở Thành Hiếu. Theo quận 7, công ty này đã có cam kết sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân trong thời gian chưa thực hiện dự án.

Vướng mắc pháp lý

Nhận định về các khu đất nêu trên, Sở TN&MT cho biết trong tám khu đất nêu trên thì có ba khu do Văn phòng Thành ủy quản lý, một khu do UBND quận 7 quản lý, ba khu do doanh nghiệp nhà nước quản lý và một khu đã được giao đất để thực hiện dự án nhà ở nhưng chưa triển khai thực hiện.

Trong công văn gửi Thường trực Thành ủy, Quận ủy quận 7 đề xuất Thường trực Thành ủy cho phép quận 7 được tạm sử dụng các khu đất do Nhà nước quản lý có diện tích lớn, hiện chưa đầu tư trên địa bàn quận để xây dựng các khu lưu trú tạm thời cho công nhân trên địa bàn quận.

“Sau khi được UBND TP thống nhất, đề xuất Sở TN&MT có hướng dẫn trình tự, thủ tục để quận 7 thực hiện. Thời gian dự kiến khoảng ba năm. Đồng thời đề xuất Sở Xây dựng hướng dẫn cấp phép xây dựng có thời hạn. Sở QH-KT thống nhất không điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000” - quận 7 nêu.

Cùng với đó, quận 7 cũng đề xuất bốn hình thức đầu tư xây dựng nhà lưu trú tạm thời cho công nhân gồm: Giao đất để doanh nghiệp tự đầu tư, giao Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP tổ chức đầu tư, giao Công ty Dịch vụ công ích quận 7 tổ chức đầu tư hoặc hỗ trợ vay vốn ưu đãi kích cầu của TP nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng để cho doanh nghiệp sản xuất thuê lại.

Đề xuất của UBND quận 7 là một động thái kịp thời để giải quyết khó khăn về nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, theo Sở TN&MT, việc này chỉ có thể thực hiện được khi TP ban bố “tình trạng khẩn cấp”.

Sở TN&MT cho biết Điều 72 Luật Đất đai 2013 quy định: Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai.

“Các khu đất nêu trên đã được giao cho các tổ chức sử dụng đất vào mục đích đã được xác định. Việc sử dụng đất dự kiến tối đa ba năm để xây dựng các khu lưu trú tạm thời cho công nhân tại quận 7 là khác với mục đích được giao như đề nghị của quận 7 là không có quy định. Trừ trường hợp trưng dụng đất theo quy định tại Điều 72 nêu trên” - Sở TN&MT phân tích.

Sở TN&MT đề nghị các tổ chức được giao quản lý, sử dụng đất nêu trên cùng các sở, ngành có liên quan có ý kiến về đề xuất của quận 7 về sử dụng nhà, đất là tài sản công, hoặc nhà, đất đã được giao cho các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng và đất đã giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án để xây nhà lưu trú cho công nhân. Sau đó Sở TN&MT sẽ tổng hợp, báo cáo đề xuất TP xem xét và quyết định.•

Phó chủ tịch UBND TP giao các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất

Liên quan đến đề xuất của quận 7, giữa tháng 9, Văn phòng UBND TP có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình về vấn đề này. Theo đó, ông Bình giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất trình TP về giải pháp, phương án triển khai theo hướng TP sẽ quản lý và tổ chức thực hiện, đảm bảo quy định pháp luật, đáp ứng kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP. 

Xem thêm: lmth.2061201-mchpt-nahn-gnoc-ohc-ioht-mat-urt-uul-ahn-yax-tad-uhk-8-taux-ed/iht-od/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đề xuất 8 khu đất xây nhà lưu trú tạm thời cho công nhân TP.HCM”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools