Nhân viên Trạm y tế xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TP.HCM) chăm sóc người lớn tuổi tại nhà - Ảnh: TỰ TRUNG
Trong đó có chuyện tăng biên chế, tăng đãi ngộ và tạo cơ hội học tập và tăng thu nhập cho y bác sĩ tuyến cơ sở. Sau đây là ý kiến chuyên gia và "người trong cuộc" tại TP.HCM về vấn đề này.
* Bác sĩ Lê Bá Kông (Trạm y tế phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức): Không đáp ứng yêu cầu truy vết, thăm khám
Đợt dịch vừa qua cho thấy tầm quan trọng đồng thời bộc lộ nhiều điểm yếu trong nhân lực, tài chính và chuyên môn của y tế cơ sở. Phường Bình Chiểu có 80.000 dân, nhưng trạm y tế chỉ có 8 biên chế và 2 nhân viên hợp đồng.
Đầu tháng 7-2021, khi cao điểm dịch bùng phát, có ngày trạm phải tiếp nhận hơn 100 ca bệnh; nhân lực của trạm không còn đáp ứng được yêu cầu truy vết, thăm khám cho người dân.
Thời gian tới khi lực lượng chi viện rút đi, nếu không nhận được sự hỗ trợ, chi viện nhân lực, trang thiết bị kịp thời, chúng tôi sẽ rất khó khăn, nên cần bổ sung nhân lực. Tuy nhiên, thực tế việc thu hút được nhân lực cho tuyến y tế cơ sở gặp rất nhiều khó khăn.
Sinh viên mới ra trường thường không chọn về tuyến y tế cơ sở, bởi nếu công tác vài năm trong bệnh viện, giá trị của nhân viên y tế khác hoàn toàn khi làm tại tuyến cơ sở; kiến thức, thu nhập, trình độ chuyên môn đều tốt hơn.
Tôi đề nghị ngành y tế quan tâm cụ thể đến y tế cơ sở như có chính sách đào tạo, nâng cao chế độ lương, phụ cấp...
* Bác sĩ Lê Trường Giang (chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM): Điều chỉnh biên chế theo quy mô dân số
Niềm tin của người bệnh với trạm y tế còn thấp bởi thiếu cán bộ y tế cả về số lượng và chất lượng. Quy định biên chế trạm y tế có từ 5 - 10 người chỉ phù hợp với phường xã khoảng 10.000 - 20.000 dân, trong khi nhiều phường ở TP.HCM có hơn 100.000 dân. Tôi kiến nghị tăng định biên cho trạm y tế phường xã theo quy mô và mật độ dân số, theo hướng từ 2.000 - 4.000 dân/1 biên chế.
Đồng thời thay đổi cơ cấu cán bộ, đảm bảo trạm y tế phải có bác sĩ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng, dược tá, điều dưỡng, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và số liệu. Ở nơi có nhiều biên chế hơn sẽ có thêm bác sĩ gia đình... Cần có cơ chế, chính sách tăng thu nhập cho y bác sĩ cơ sở.
Quan trọng hơn, cần tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ phí đào tạo và có chỉ tiêu đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ trạm y tế giúp họ thăng tiến nghề nghiệp và nâng cao chất lượng hoạt động trạm y tế.
Về hoạt động khám chữa bệnh, trạm y tế cần có đủ thuốc, nhất là thuốc cho người mắc bệnh mãn tính, với nguyên tắc trạm y tế phải có đủ thuốc tốt như ở bệnh viện hạng cao nhất. Cùng với đó mở ra chính sách chăm sóc người bệnh tại nhà, trước tiên là người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi, người khó khăn trong việc đi lại...
Cần khuyến khích xã hội hóa các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng từ trạm y tế, trung tâm y tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật. Ngoài việc cho khám sức khỏe, khám chữa bệnh ngoài giờ, tiêm ngừa còn có chăm sóc tại nhà, cung ứng các dịch vụ hỗ trợ về y tế, phòng ngừa dịch bệnh... để nhân sự y tế cơ sở vừa làm tốt nhiệm vụ vừa cải thiện thu nhập.
Hy vọng với những cơ chế, chính sách như trên, 5 - 10 năm tới chúng ta nhìn thấy có nhiều bác sĩ chuyên khoa dự phòng, quản lý y tế, thạc sĩ, tiến sĩ đang công tác tại trạm y tế.
Thầy thuốc nhân dân từ y tế cơ sở: tại sao không?
PGS.TS Trần Diệp Tuấn - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng việc đào tạo bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở cần tính đến việc đào tạo xong sử dụng như thế nào. Ngành y tế nên nghiên cứu quy định sinh viên ngành y sau khi tốt nghiệp sẽ có 12 tháng - 18 tháng đào tạo tổng quát, nguyên lý bác sĩ gia đình và cấp cứu để khi có dịp sẽ đáp ứng ngay nguồn nhân lực.
Ngành y tế cần có chế độ đãi ngộ và sử dụng, phân công những sinh viên vừa mới tốt nghiệp về làm ở tuyến y tế cơ sở luân phiên 1 - 2 năm. Việc này tạo nhân lực gối đầu, lúc nào y tế cơ sở cũng có những bác sĩ làm được công việc bác sĩ gia đình, cấp cứu. Mặt khác, tạo cơ chế tăng lương để giữ chân bác sĩ. Đồng thời có cơ chế liên kết với bệnh viện tuyến trên để bác sĩ cơ sở có điều kiện lên tuyến trên học tập, nâng cao tay nghề.
"Một việc quan trọng là tiêu chí xét tặng thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú cần tính đến xét tặng cho các bác sĩ tuyến cơ sở. Nhất là những bác sĩ công tác ở vùng sâu, vùng xa rất xứng đáng", bác sĩ Tuấn chia sẻ.
* Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: Cần sớm sửa luật
Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở. Mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế.
* Bác sĩ Nguyễn Thái (giám đốc Trung tâm Y tế quận 3): Để y tế cơ sở có thể tổ chức điều trị
Đợt dịch vừa qua, việc chuyển hướng điều trị đưa bệnh nhân về điều trị tại tầng 1 và cho theo dõi, điều trị tại nhà là một giải pháp hiệu quả. Tôi đề xuất cần có cơ chế để y tế cơ sở có thể tổ chức được các hoạt động điều trị, thăm khám và huy động được lực lượng y bác sĩ các chuyên ngành điều trị.
Thống kê năm 2017 - 2018, tại TP.HCM, số cán bộ y tế phường xã/10.000 dân chỉ đạt 2,3 - thấp hơn 3 lần so với bình quân chung cả nước.
TTO - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, chậm nhất ngày 15-10 lực lượng chi viện cho TP.HCM chống dịch sẽ rút. Câu hỏi là TP.HCM sẽ làm gì để khỏa lấp "khoảng trống" về nhân sự.
Xem thêm: mth.12450002231011202-ioig-iougn-ueihn-meht-nac-os-oc-et-y/nv.ertiout