Chưa được bán tại chỗ, một quán cà phê trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) tận dụng mặt bằng làm điểm bán nông sản để gỡ gạc - Ảnh: N.TRÍ
Điều này có nguy cơ khiến tình hình đóng cửa còn kéo dài, nhiều dịch vụ khó phục hồi vì mở lại quá rủi ro.
Chưa bán lại vẫn tăng giá
Ông Phan Công Thảo - chủ nhà hàng R&B Tea (quận Gò Vấp, TP.HCM) - cho biết ông tá hỏa khi nghe chủ nhà vừa thông báo từ tháng 10 trở đi thu đủ 100 triệu đồng tiền thuê mặt bằng/tháng, thay vì 30 triệu như các tháng trước dù hiện nay đơn vị vẫn chưa mở bán lại.
Theo ông Thảo, lý do chủ nhà đưa ra là TP cho mở bán lại nên không còn là bất khả kháng, việc không bán là lỗi của người đi thuê. Với tình hình trên, ông Thảo cho biết đang thương lượng với chủ nhà để có thể kéo dài hỗ trợ giảm giá, hoặc cho trả trước 50% mỗi tháng, số còn lại trả dần sau.
"Vẫn không buôn bán gì được. Nếu không thể thương lượng, tôi chấp nhận mất cọc", ông Thảo nói và cho rằng vừa mở lại, người tiêu dùng bột phát mua, nhưng họ sẽ tiết kiệm do thu nhập giảm, rủi ro kinh doanh nhiều.
Nhiều hệ thống đối diện khả năng đóng cửa
Trong khi đó, ông Hà Bình Kha - chủ nhà hàng Hai Châu (quận Gò Vấp) - cho biết ông đang khá đau đầu khi chủ nhà thông báo kể từ tháng 10 sẽ thu đủ 100% tiền thuê nhà, thay vì giảm giá 20-40% như các tháng trước đó.
Tuy vậy, theo ông Kha, do bán mang đi nên doanh thu thời điểm này chỉ đạt 20% so với bình thường, mỗi ngày chỉ bán vài triệu đồng, chưa kể chi phí cho nhân viên.
"Nếu chủ đòi thu đủ 100% thì mỗi tháng tôi phải mất gần nửa tỉ đồng. Do đó, nếu không có sự chia sẻ từ chủ mặt bằng thì tôi sẽ thu nhỏ quy mô, thậm chí chấm dứt kinh doanh và chịu mất cọc", ông Kha dự tính.
Đủ thứ khó, ông Trần Văn Trường - giám đốc Công ty hải sản Hoàng Gia (TP.HCM) - cho biết doanh nghiệp còn gặp khó nếu phải tuyển thêm nhân viên. Mở cửa nhưng hàng hóa nhập về chỉ đạt khoảng 50-60% so với bình thường, kênh bán sỉ vẫn đang bị tê liệt do nhiều hàng quán vẫn còn ngưng hoạt động.
Theo ông Trần Quốc Thịnh - người sáng lập hệ thống lẩu gà ớt hiểm 109 (quận Phú Nhuận), thời gian qua dù đã cắt giảm hơn một nửa tiền thuê mặt bằng so với năm ngoái nhưng hiện mỗi tháng ông vẫn tốn đến 800 triệu đồng cho mặt bằng 9 chi nhánh.
"Móc tiền túi ra trả mặt bằng. Nay mở bán lại theo hình thức mang đi nên doanh thu chỉ bằng 20-30% so với bình thường, nhiều chi phí phát sinh nên vẫn còn lỗ nặng. Nếu chủ nhà tăng giá cho thuê thì chỉ có nghỉ bán", ông Thịnh than.
Thậm chí, đại diện một doanh nghiệp có hệ thống điểm bán lớn chia sẻ với Tuổi Trẻ, do thuê được trong thời gian giá rẻ, chủ nhà đã bày tỏ ý định tăng giá với nhiều cách gây sức ép.
Theo một số chuyên gia, nếu tình hình giá mặt bằng không giảm, nhiều dịch vụ sẽ khó phục hồi. Cần có bàn tay "nhạc trưởng" của chính quyền hoặc các hiệp hội như nhiều nước đã làm. Có thể là các động thái công bố thông tin, hỗ trợ trong đàm phán để giá cho thuê không bị ảo, hoặc cùng vận động, điều phối giúp giá mặt bằng không tăng vọt trước khi doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.
Nhiều phố vẫn đìu hiu
Dọc cung đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), thời điểm này có hàng loạt điểm kinh doanh vẫn trong cảnh đìu hiu, bảng cho thuê mặt bằng được dán khắp nơi. Liên hệ với một chủ cho thuê nhà, anh Nam (quận Gò Vấp) cho biết mình đang có 3 mặt bằng trên đường Phan Văn Trị muốn cho thuê lại. Anh Nam thừa nhận những mặt bằng này dù đắc địa nhưng nhiều tháng qua chưa có người thuê.
Tương tự, dù được mệnh danh là "phố ăn chơi" nhưng dọc cung đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) hoạt động mua bán còn vắng vẻ, nhiều nhà hàng, quán ăn đóng cửa, nhiều bảng cho thuê mặt bằng. Thậm chí có quán cà phê còn tận dụng làm điểm bán nông sản để gỡ lại phần nào.
TTO - Nhiều chủ nhà bức xúc khi Thế giới Di động (TGDĐ) tự ý giảm 70 - 100% tiền thuê mặt bằng, tự chuyển tiền vào tài khoản của người cho thuê khi chưa thống nhất thỏa thuận giữa hai bên.
Xem thêm: mth.44315728041011202-ial-gnat-gnab-tam-aig-gnol-ion-auv/nv.ertiout