Trái đất đang ấm lên nhanh chóng, dẫn đến hạn hán lịch sử, lũ lụt chết người và các sự kiện băng tan bất thường ở Bắc Cực. Tình trạng này cũng đang khiến mực nước biển dâng. Các nhà khoa học dự đoán nó sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều thập kỷ tới.
Một nghiên cứu mới từ Climate Central, một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận, cho thấy khoảng 50 thành phố lớn ven biển sẽ cần phải thực hiện các biện pháp thích ứng chưa từng có để cứu lấy các khu vực đông dân nhất khỏi nước biển dâng.
Phân tích của nhóm, với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton và Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Postdam ở Đức, đã mô tả trực quan thế giới mà chúng ta đang sống với một tương lai chìm trong nước, nếu hành tinh nóng lên 3°C so với mức tiền công nghiệp.
Báo cáo tháng 8 của các nhà khoa học về khí hậu cho thấy, thế giới đã ấm hơn khoảng 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức nhiệt này nên được duy trì ở mức dưới 1,5°C – ngưỡng quan trọng để tránh những tác động của khủng hoảng khí hậu.
Nhưng ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, khi lượng khí thải bắt đầu giảm từ hôm nay và giảm xuống mức 0 vào năm 2050, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ đạt đỉnh trên ngưỡng 1,5°C.
Trong kịch bản kém lạc quan hơn, khi lượng khí thải tiếp tục tăng cao hơn năm 2050, trái đất sẽ đạt tới ngưỡng 3°C vào năm 2060 - 2070. Các đại dương sẽ tiếp tục dâng lên trong nhiều thập kỷ sau đó.
Benjamin Strauss, nhà khoa học tại Climate Central và là tác giả chính của báo cáo, cho biết: "Những lựa chọn ngày hôm nay sẽ định hướng con đường của chúng ta".
Ngập lụt do biến đổi khí hậu được mô phỏng tại bảo tàng Chhatrapati Shivaji Maharaj Vastu Sangrahalaya ở Mumbai, Ấn Độ.
Mực nước biển dâng do trái đất nóng lên 3°C cũng khiến Văn Miếu ở Hà Nội ngập trong nước.
Các nhà nghiên cứu của Climate Central đã sử dụng dữ liệu về độ cao so với mực nước biển và dân số toàn cầu để phân tích các khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Những khu vực này vốn có xu hướng tập trung ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo cho biết các quốc đảo nhỏ có nguy cơ gần như xóa sổ. 8/10 khu vực hàng đầu bị nước biển dâng là ở châu Á, với khoảng 600 triệu người chịu ngập lụt theo kịch bản trái đất nóng lên 3°C.
Theo phân tích của Climate Central, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia nằm trong top 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do mực nước biển dâng trong dài hạn.
Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9, Trung Quốc đã đưa ra cam kết chính về khí hậu. Trung Quốc là một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Nước này cam kết sẽ không còn xây dựng bất kỳ dự án nhiệt điện than mới nào ở nước ngoài.
Theo báo cáo của Climate Central, nếu hành tinh chạm ngưỡng 3°C, khoảng 43 triệu người ở Trung Quốc sẽ sống trên khu vực được dự báo là dưới mực triều cường vào năm 2100. Ngoài ra, 200 triệu người sẽ sống trong các khu vực có nguy cơ nước biển dâng trong thời gian dài hơn.
Cung điện Buckingham ở London ngày nay trông sẽ ra sao khi mực nước biển dâng lên do sự nóng lên toàn cầu?
Mỗi một mức độ tăng nhiệt dù là rất nhỏ, hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ trầm trọng gấp bội. Ngay cả đối với những kịch bản lạc quan nêu trên, các loại thời tiết cực đoạn sẽ trở nên khắc nghiệt và thường xuyên hơn. Nếu vượt quá con số 3, hệ thống khí hậu sẽ không thể lường trước được nữa.
Theo báo cáo của Climate Central, nếu khí thải được cắt giảm, sẽ có khoảng 385 triệu người sống trên đất liền bị ảnh hưởng ở triều cường. Nếu mức tăng nhiệt đạt 1,5°C, mực nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến 510 triệu người. Và trong kịch bản tồi tệ nhất là mức 3°C, hơn 800 triệu người sẽ chịu cảnh ngập lụt do triều cường dâng.
Bảo tàng Riverside ở Glasgow, Scotland sẽ trông như này khi trái đất nóng lên 3°C.
Cầu cảng Santa Monica, California trong tương lai nếu trái đất nóng lên 3°C.
Các tác giả lưu ý một yếu tố còn khuyết trong báo cáo là thiếu dữ liệu về các biện pháp phòng vệ ven biển như đê và đập chắn sóng, để có thể dự báo đầy đủ nguy cơ nước biển dâng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng với những bài học từ các đợt lũ lụt và nước dâng do bão gần đây, các thành phố sẽ cải tạo cơ sở hạ tầng để tránh tác động xấu.
Nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng có thể thực hiện được đối với những quốc gia giàu có như Mỹ và Anh. Còn các quốc gia thu nhập thấp sẽ bị bỏ lại phía sau.
Trong hai tuần đầu của tháng 11, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có cuộc họp Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland. Họ sẽ thảo luận về hạn chế phát thải khí nhà kính và tài trợ cho các quốc gia Nam Bán cầu rời xa nhiên liệu hóa thạch và thích ứng với khủng hoảng khí hậu.
Nếu các hành động táo bạo và nhanh chóng không được thực hiện, các hiện tượng thời tiết cực đoan và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, như trong những hình ảnh mô phỏng trên, sẽ trở thành sự thật. Các nhà khoa học cảnh báo trái đất sắp không còn kịp tránh những trường hợp xấu nhất xảy ra.
Theo CNN