vĐồng tin tức tài chính 365

Người chưa thành niên phạm tội: Cần bảo vệ đặc biệt

2021-10-14 12:38

Sáng 13-10, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo quốc tế “Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên”. Hội thảo có 34 bài viết khoa học của các chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước với những đánh giá, phân tích về hệ thống tư pháp hình sự trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chưa thành niên.

Ý nghĩa lớn nhất của pháp luật là giáo dục

Trước tình hình tội phạm chưa thành niên ngày càng gia tăng về số lượng và tính chất, mức độ nguy hiểm, nhiều diễn giả tại hội thảo nhận định dư luận xã hội đang có ý kiến về việc có nên tăng hình phạt, giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của tội phạm chưa thành niên để tạo tính răn đe hay không.

Về ý kiến này, PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, cho rằng việc áp dụng các biện pháp xử lý người dưới 18 tuổi như xử lý người thành niên có thể sẽ là quá khắt khe và cho thấy pháp luật chỉ có vai trò trừng trị mà không thấy ý nghĩa lớn nhất của pháp luật là giáo dục.

Người chưa thành niên phạm tội: Cần bảo vệ đặc biệt - ảnh 1
Theo chuẩn mực quốc tế và pháp luật Việt Nam, người chưa thành niên phạm tội cần được bảo vệ đặc biệt trong hệ thống tư pháp hình sự. Ảnh: Nam Anh

“Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế bảo vệ quyền trẻ em thì giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với trẻ vị thành niên không phải bằng tăng hình phạt mà chính là sự quản lý giáo dục và các chính sách dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội” - PGS-TS Trần Văn Độ khẳng định.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Trưởng bộ môn Luật tố tụng hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho rằng việc áp dụng các hình phạt cao, đặc biệt là phạt tù đối với người chưa thành niên là lợi bất cập hại. Kinh nghiệm của nhiều nước khi có những vụ án gây bức xúc dư luận, báo chí đăng tải nhiều, dư luận nhiều thì tăng hình phạt nhưng sau đó tình hình trẻ em phạm pháp vẫn không giảm.

“Việc áp dụng hình phạt cao, đặc biệt là hình phạt tù sẽ gây ra những tổn thương về tâm lý của người chưa thành niên dẫn đến người chưa thành niên khó hòa nhập cùng cộng đồng và tái phạm” - TS Duy phân tích.

Nhiều chuyên gia cũng tán đồng rằng việc tăng mức hình phạt hay giảm tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên không phải là giải pháp khả thi và hiệu quả, mà đôi khi còn phản tác dụng.

Giáo dục tại trường giáo dưỡng tước đi quyền tự do

Xét về điều kiện thi hành, biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có vẻ đang khắt khe hơn với các hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ và cả án treo.

Bởi lẽ khi bị áp dụng các hình phạt này, người phạm tội vẫn được hưởng tự do nhưng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng lại tước đi quyền tự do.

PGS-TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA, Trưởng Khoa luật hình sự
Trường ĐH Luật TP.HCM

 

Biện pháp giáo dưỡng quá khắt khe

Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, đã có bài tham luận về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên phạm tội.

Theo PGS-TS Phương Hoa, xu hướng thế giới đang tăng tính nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS 2015) cũng theo hướng mở rộng các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục.

“Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý đặc thù áp dụng riêng cho người chưa thành niên. Biện pháp này được quy định từ BLHS đầu tiên năm 1985 và được duy trì đến nay. Tuy được quy định rất sớm nhưng vẫn cần làm rõ về bản chất và mục đích của biện pháp này, đặc biệt với các quy định mới của BLHS 2015” - PGS-TS Phương Hoa đặt vấn đề.

Về bản chất, biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là một dạng của trách nhiệm hình sự. Theo Điều 91 BLHS 2015, biện pháp giáo dưỡng có trách nhiệm hình sự nhẹ hơn hình phạt. Trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội không được tòa án xem xét miễn trách nhiệm hình sự thì có hai biện pháp được tòa án lựa chọn là: giáo dục tại trường giáo dưỡng và hình phạt. Tuy nhiên, biện pháp giáo dưỡng vẫn mang tính chất cưỡng chế và tước quyền tự do của người bị áp dụng.

Từ đây, PGS-TS Phương Hoa cho rằng cần xem xét lại thứ tự ưu tiên của biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng trong quy định của BLHS 2015. Đồng thời, tòa án cần phải xem xét đến các căn cứ đặc thù của người chưa thành niên gồm: Độ tuổi và khả năng nhận thức; tính nghiêm trọng của hành vi cho xã hội; nguyên nhân và điều kiện phạm tội để quyết định việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Khu giam giữ riêng cho tội phạm là người chưa thành niên

 Tính đến năm 2018, Việt Nam có 27 trại giam có phạm nhân là người chưa thành niên. Tình trạng phạm nhân chưa thành niên phân bổ tại các trại giam không đều và được phân bổ tại các khu vực giam riêng. Nhìn chung, Việt Nam đã tuân thủ các nguyên tắc tại Công ước quyền trẻ em; Quy tắc Nelson Mandela; Quy tắc Havana liên quan đến việc quản lý, giam giữ người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, chúng ta không có trại giam dành riêng cho người chưa thành niên và việc xây dựng trại giam riêng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn lực và vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người bị giam giữ.

Do vậy, chúng ta nên áp dụng phương án: Cứ năm trại giam trải đều trên cả nước chọn lấy một trại để thiết kế một khu giam giữ riêng cho người chưa thành niên, mỗi khu vực không quá 100 phạm nhân. Hiện nay, nước ta có 53 trại giam, nếu theo phương án này sẽ có 10 trại giam có khu giam giữ riêng biệt dành cho phạm nhân là người chưa thành niên. Phương án này sẽ giúp cán bộ trại giam dễ dàng giáo dục, giám sát, quan tâm phạm nhân. Đồng thời, sự phân bổ trại giam khắp cả nước giúp việc thăm gặp của thân nhân tội phạm không quá khó khăn.

Mặt khác, theo Luật Thi hành án hình sự, khi tội phạm đủ 18 tuổi thì ngay lập tức họ sẽ không được hưởng các chế độ ưu tiên về nơi giam giữ như khi dưới 18 tuổi. Có thể thấy việc chuyển người vừa đủ 18 tuổi đến giam cùng các tội phạm thành niên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý. Đồng thời, việc học tập, học nghề của họ trong trại giam cũng sẽ bị gián đoạn.

Điều này cho thấy chúng ta còn tiếp cận pháp luật khá cứng nhắc và chưa cập nhật quy tắc quốc tế. Điển hình, tại hướng dẫn của Liên Hợp Quốc cho phép áp dụng hệ thống tư pháp hình sự cho trẻ em với người đủ 18 tuổi hoặc lớn hơn như quy định chung hoặc ngoại lệ. Do vậy, Luật Thi hành án hình sự nên thay đổi theo hướng tăng cường bảo vệ quyền lợi cho phạm nhân vừa đủ 18 tuổi bằng việc cho phép họ tiếp tục hưởng quyền lợi như người chưa thành niên.

TS LÊ HUỲNH TẤN DUY, Trưởng bộ môn Luật tố tụng hình sự
Trường ĐH Luật TP.HCM

Xem thêm: lmth.4361201-teib-cad-ev-oab-nac-iot-mahp-nein-hnaht-auhc-iougn/taul-pahp/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người chưa thành niên phạm tội: Cần bảo vệ đặc biệt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools