Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kiểm tra an toàn hồ đập ở Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Sáng 14-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác ứng phó với mưa bão tại một số tuyến đê, cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền ở tỉnh Hà Tĩnh, sau khi cơn bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào đêm 13-10.
Do ảnh hưởng của thiên tai bão lụt, nhiều đoạn trên tuyến đê Hội Thống (dài 17,8km) đoạn qua xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân đã bị sạt lở, nếu không được khắc phục sớm thì nguy cơ gây ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội đang được thi công giai đoạn 2. Công trình này có thể đáp ứng 500 tàu loại đến 600CV vào neo đậu. Hiện nay, đã có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh và các địa phương khác vào neo đậu tránh trú mưa bão.
Trước đó, kiểm tra công tác ứng phó mưa bão tại tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho hay toàn tỉnh này có 1.061 hồ đập lớn nhỏ; hiện nay đã có 1.035 hồ đầy nước, 23 hồ đạt trên 70% dung tích thiết kế. Tuy nhiên, toàn tỉnh đang có 84 hồ yếu, xuống cấp và có 5 trọng điểm đê điều xung yếu.
Theo ông Hiếu, những ngày qua lượng người dân từ miền Nam về quê rất nhiều, tỉnh phải tiếp nhận và đưa vào các khu cách ly tập trung. Để đảm bảo an toàn cho công dân, tỉnh đã tiến hành rà soát lại các điểm sơ tán như nhà trường, ủy ban, nhà văn hóa... để sơ tán dân, đảm bảo khu cách ly và khu sơ tán.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, sáng 14-10, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau khi đi vào vịnh Bắc Bộ vào đêm qua.
Theo dự báo từ nay đến ngày 16-10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 nên các tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm.
"Nhiều hồ đập, đồi núi đã "no nước" từ đợt mưa lớn của cơn bão số 7. Vì vậy các tỉnh cần đặc biệt lưu ý hoàn lưu sau bão, ứng trực 24/24 giờ tại các hồ đập, đê điều xung yếu, xuống cấp; cần thiết thì tiến hành xả lũ kịp thời, bảo vệ các công trình thi công.
Chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm ở vùng núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; chuẩn bị nhu yếu phẩm cho người dân phòng trường hợp bị bão lũ chia cắt", ông Hoan yêu cầu.
Nhiều hồ đập ở Nghệ An, Hà Tĩnh xả tràn
Hồ Vực Mấu - hồ thủy lợi lớn nhất Nghệ An - xả tràn từ ngày 13-10 - Ảnh: DOÃN HÒA
Do ảnh hưởng của cơn bão số 8, tại Nghệ An và Hà Tĩnh đã xảy ra mưa trên diện rộng trong hai ngày qua. Nhiều nhà máy thủy điện, hồ thủy lợi thông báo xả tràn để đảm bảo an toàn hồ chứa.
Tại Nghệ An, các nhà máy thủy điện Châu Thắng, thủy điện Bản Cốc, Sông Quang (huyện Quế Phong), thủy điện Chi Khê (huyện Con Cuông) bắt đầu xả tràn từ 12h30 trưa 14-10, mức từ 76-700m3/s và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước đến hồ.
Tại Hà Tĩnh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cũng đã xả tràn hồ Bộc Nguyên, hồ Kim Sơn, hồ Sông Rác, hồ Thượng Sông Trí, hồ Tàu Voi, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Các đơn vị vận hành hồ đập đã thông báo tới chính quyền các địa phương, người dân thường xuyên kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng hạ du, đồng thời đảm bảo nguồn nước tưới tiêu.
TTO - Sáng 14-10, bão số 8 (bão Kompasu) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và chuẩn bị đi vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.