Giá lợn hơi ngày 14.10 đã giảm xuống mức thấp chưa từng có trong vòng 3 năm qua, tại miền Bắc có nơi đã giảm xuống còn 28.000 đồng/kg.
Lợn càng to, lỗ càng nặng
Vốn nổi tiếng là chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi lợn, được nhiều doanh nghiệp lớn mời làm tư vấn, ông Nguyễn Huấn – Giám đốc trại chăn nuôi lợn Bình An (Bình Thuận) cũng không thoát được những tổn thất do giá lợn hơi lao dốc tại thời điểm này. Ông cho biết, giá lợn hơi giảm từng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Giá heo (lợn) có trọng lượng từ 140kg/con trở lên hiện tại giá chỉ còn 28.000-30.000 đồng/kg và giá này đại trà trên toàn quốc” – ông Nguyễn Huấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hanh – chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Phúc Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) cũng cho biết: “Hôm nay tôi xuất chuồng lợn đẹp, trọng lượng đạt chuẩn, chất lượng tốt nhưng cũng chỉ bán được với giá 32.000 đồng/kg. Những lợn to, mỡ, thương lái tuyệt đối không hỏi đến”.
Các chủ trang trại chăn nuôi lợn cho hay, các thương lái “liên kết ngầm” với nhau để ép giá lợn hơi xuống thấp, khiến người nuôi phải “nhắm mắt” bán để cắt lỗ bởi lợn ngoài 120kg/con tỉ lệ mỡ rất lớn, nếu nuôi thêm tỉ lệ mỡ càng cao, ăn tốn cám và càng nuôi càng mất giá.
Trao đổi với PV Lao Động tối 14.10, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), cho biết: Giá lợn hơi đã giảm xuống mức thấp chưa từng có trong vòng 3 năm qua, có nơi chỉ còn 28.000 đồng/kg, nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp, khiến lợn bị đọng lại trong chuồng, trại, không thể xuất bán.
“Miền Bắc có giá lợn hơi thấp nhất cả nước. Đặc biệt, có những địa phương như Phú Thọ giá chỉ còn 28.000 đồng/kg, 1 số địa phương khác, trong đó có Hà Nội giá lợn hơi giảm xuống dưới 30.000 đồng/kg. Lợn hơi dư thừa, rất khó bán bởi hầu hết lợn bây giờ bị quá lứa, trọng lượng lên đến 140-150kg/con thì không thể bán nổi” – ông Nguyễn Văn Trọng thông tin.
Nguồn cung dư thừa chỉ là “ảo”
Ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, nguồn cung dư thừa hiện nay là “ảo”, thực tế không phải dư thừa thật bởi sản xuất chăn nuôi vẫn bình thường, nhưng nguồn cung tiêu dùng giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giao thông khó khăn khiến tiêu thụ lợn chậm hơn, lợn dư thừa trong chuồng và vượt trọng lượng càng khiến sức mua chậm hơn. Tình hình này sẽ được cải thiện khi lượng lợn quá tải trọng được giải quyết và giao thông bình thường trở lại.
“Tổng đàn lợn cả nước chưa đạt con số của năm 2018 là thời điểm trước khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, tổng đàn cả nước đến hết tháng 9.2021 chỉ ở mức 28 triệu con thì không thể nói là đàn lợn dư thừa. Sức mua giảm, lợn đọng lại trong chuồng thì chỉ là dư thừa “ảo””- ông Nguyễn Văn Trọng khẳng định.
Cũng theo ông Trọng, giá thịt lợn hiện nay đang vận hành theo cung-cầu của thị trường, dù Bộ NNPTNT hay Bộ Công Thương có khảo sát, kiểm tra cũng không thể giải quyết được tình trạng giá lợn hơi “lao dốc” bởi mua bán là do thỏa thuận của 2 bên, do thị trường điều tiết. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động hiện nay bị giảm, thậm chí nhiều người không có việc làm, không có thu nhập (lao động tự do) nên lượng mua thịt cũng giảm rất mạnh.
Về vấn đề nhập khẩu thịt đông lạnh, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, đó là cơ chế thị trường, rất khó có bất kỳ văn bản hành chính nào có thể can thiệp theo kiểu “mệnh lệnh hành chính”.
“Thừa vẫn nhập, thiếu vẫn xuất là hoạt động thương mại bình thường theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp thấy hiệu quả sẽ vẫn tiếp tục nhập, bởi các sản phẩm chăn nuôi, trừ trứng, là không giới hạn hạn ngạch” – ông Nguyễn Văn Trọng nói.
Xem thêm: odl.917369-yad-mahc-auhc-nav-od-ut-ior-ioh-nol-aig/et-hnik/nv.gnodoal