Mới đây, đề xuất nghỉ Tết Nhâm Dần (năm 2022) 9 ngày của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngay lập tức có những ý kiến trái chiều, người nói hợp lý, người bảo mới nghỉ dịch xong lại nghỉ nhiều.
Trao đổi với Báo Đất Việt, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, nghỉ 9 ngày là quá nhiều.
"Việt Nam đã trải qua những ngày nghỉ dịch quá dài, nghỉ quá nhiều, có lẽ ai cũng muốn được đi làm, được ra ngoài nên việc nghỉ Tết để doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận. Không nên đưa ra quy định cứng, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ", ông Hải nói.
Phương án nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 kéo dài 9 ngày đối với công chức, viên chức
Theo ông Hải, trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, khi chúng ta vừa mới bắt đầu trở lại những ngày bình thường mới, doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất, người lao động đi làm, có lương lại nghỉ tiếp sẽ khiến nhiều người dân và cả doanh nghiệp đều không thoải mái.
"Doanh nghiệp thì muốn tranh thủ cơ hội để nối lại sản xuất, trong khi người lao động cũng có nhu cầu muốn đi làm để bù đắp lại nguồn thu. Nếu lại nghỉ tiếp có thể sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất, làm ảnh hưởng tới tâm lý của người lao động và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định trên Báo Tuổi Trẻ: "Dự thảo phương án nghỉ 5 ngày chính thức và 4 ngày cuối tuần hoàn toàn hợp lý. Thứ nhất, đề xuất phù hợp với quy định của Luật lao động 2019. Thứ hai, nghỉ Tết là nguyện vọng chính đáng của người lao động khi vừa trải qua dịch COVID-19".
Về ý kiến của một số công ty về giảm ngày nghỉ, ông Lợi cho rằng Bộ luật Lao động đã quy định rõ, kể cả quốc tế thì cũng phải chấp nhận, không ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước một số ý kiến nói trên, trao đổi với báo Giao Thông, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động nhấn mạnh: "Thời gian nghỉ Tết chính thức được đưa ra xin ý kiến chỉ trong 5 ngày, những ngày còn lại là ngày nghỉ cuối tuần theo chế độ của người lao động".
Theo ông Thắng, tới thời điểm này Bộ LĐ-TB&XH vẫn đang lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, bộ ngành cho dự thảo phương án nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
"Dự kiến khoảng chục ngày nữa sẽ hoàn thiện tổng hợp trình Chính phủ để quyết định", ông Thắng nói.
Theo Dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH, có 2 phương án để lựa chọn gồm: 1 ngày nghỉ trước Tết và 4 ngày nghỉ sau Tết hoặc nghỉ 2 ngày trước Tết và 3 ngày nghỉ sau Tết.
Về phần mình, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất phương án nghỉ 1 ngày trước Tết và 4 ngày sau Tết nhằm cân đối thời gian.
Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất nghỉ Tết âm lịch Nhâm Dần 9 ngày, bao gồm 5 ngày nghỉ Tết theo Luật Lao động 2019 và 4 ngày nghỉ theo lịch hằng tuần.
Cụ thể trong dự thảo, người lao động là công chức, viên chức có thể nghỉ liền 9 ngày liên tục, từ thứ Bảy (ngày 29/1/2022) đến hết ngày Chủ nhật (ngày 6/2/2022), tức từ 27 tháng Chạp năm Tân Sửu tới hết mùng 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần.
Người lao động không phải là công chức hoặc viên chức sẽ được người sử dụng lao động bố trí lịch nghỉ Tết âm lịch theo điều kiện thực tế và lịch nghỉ đối với công chức, viên chức.
Hiện đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã được gửi tới 16 cơ quan để xin ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
PV (T/H)
PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC