Ông HÀ VĂN SIÊU, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL):
Nỗ lực trở lại
Tôi đánh giá cao sáng kiến của Báo Người Lao Động khi tổ chức tọa đàm vào thời điểm ngành du lịch đang nỗ lực trở lại. Cũng trong sáng 14-10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh dự một cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về chủ đề liên quan.
Ông HÀ VĂN SIÊU, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Chúng ta đã biết tác động của đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh này, làm sao để chuẩn bị cho câu chuyện phục hồi. Năm 2020, gần 400/2.500 doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép, 90% DN lữ hành đóng cửa. Hiện số DN lữ hành xin thu hồi giấy phép chiếm 35% tổng số DN đang hoạt động. Từ năm 2021, số hoạt động chỉ chiếm 25% so với năm 2020, người lao động phải tạm nghỉ việc hoặc làm cầm chừng. Lượng khách sạn rao bán ngày càng tăng.
Bức tranh tổng thể cho thấy mức độ nghiêm trọng của ngành du lịch. Toàn ngành mong dịch bệnh sớm được kiểm soát trong trạng thái "bình thường mới". So với các ngành khác, du lịch là ngành dịch vụ dễ bị tổn thương; liên quan đến sự di chuyển của con người; mật độ, khả năng tương tác cao nên dễ thành tâm điểm chịu tác động ngay lập tức; phải đợi các ngành khác phục hồi, rất khó, càng khó...
Ông TÔ ĐÌNH TUÂN,Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
Sản phẩm riêng, độc đáo, ý nghĩa
Du lịch là ngành công nghiệp không khói, đóng góp rất lớn vào sự phát triển nền kinh tế của đất nước. Nhưng, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, đặc biệt trong 4 tháng qua, ngành du lịch chịu tổn thất vô cùng to lớn. Và đây là lúc chúng ta phải cùng nhau nỗ lực, chung tay phục hồi ngành.
Trước đòi hỏi từ thực tế, cũng là để đồng hành cùng ngành du lịch và cộng đồng DN, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm với sự tham gia của các bộ, ban, ngành, các địa phương. Dù mới chỉ là sự khởi đầu nhưng đây là tín hiệu tốt cho thấy từ trung ương đến địa phương đều rất quan tâm, lo lắng, trăn trở và cùng chung ý chí làm sao để khôi phục ngành du lịch trong thời gian sớm nhất có thể.
Ông TÔ ĐÌNH TUÂN,Tổng Biên tập Báo Người Lao Động
Trong phục hồi, phát triển du lịch, sự an toàn luôn là điều DN hết sức quan tâm. Việc mở cửa tới đâu, như thế nào còn phụ thuộc tình hình kiểm soát dịch và độ phủ vắc-xin. Do vậy, làm sao để phủ vắc-xin ngừa Covid-19 càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Từ đầu đợt dịch đến giờ, lãnh đạo Đảng, nhà nước hết sức nỗ lực tổ chức những cuộc ngoại giao vắc-xin để tìm nguồn vắc-xin về cho đất nước. Đến thời điểm hiện nay, đã có được gần 90 triệu liều vắc-xin và đã triển khai tiêm gần 60 triệu liều. Sắp tới, lượng vắc-xin sẽ tiếp tục về, hy vọng trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm ngừa. Như vậy, điều kiện để du lịch gia đình trở lại là hoàn toàn có thể. Cùng đó, việc bảo đảm an toàn trong quá trình đi du lịch là hoàn toàn đúng.
Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao, QR code; cần sự chia sẻ, hỗ trợ và kết nối của các DN, địa phương, các lĩnh vực liên quan như ngành vận tải. Đặc biệt, vai trò của cơ quan truyền thông báo chí trong việc phát triển ngành du lịch thời gian tới cũng hết sức quan trọng.
Báo Người Lao Động mấy năm qua đã triển khai nhiều chương trình, trong đó có chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, “Cờ Tổ quốc biên cương”. Trong những sự kiện kết nối du lịch của các địa phương và ngành du lịch sắp tới, chúng tôi hoàn toàn có thể tham gia để tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân, bộ đội biên phòng những điểm đến của 28 tỉnh - thành có biển và 25 tỉnh có đường biên giới trên bộ; tặng cờ Tổ quốc, tặng ảnh Bác cho lực lượng biên phòng cũng như bà con sinh sống dọc biên giới ở những điểm tuyến du lịch, để chúng ta vừa làm du lịch vừa lan tỏa hơn nữa lòng yêu Tổ quốc và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền.
Tôi nghĩ rằng đây có thể là một điểm sáng như Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã nêu, tức là làm du lịch phải có điểm riêng, độc đáo, không chỉ là hoạt động tắm biển, ẩm thực, hưởng không khí trong lành của rừng núi mà còn làm được điều ý nghĩa là góp phần chung tay, chung sức, chung lòng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông LÊ HỮU HOÀNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa:
Đã có "con người xanh" cho du lịch
Khánh Hòa đã cơ bản tổ chức tiêm vắc-xin 1-2 mũi cho người dân, do đó đã có "con người xanh" cho hoạt động du lịch với các tiêu chí khép kín. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đón khách du lịch, kiểm soát và linh hoạt phòng chống dịch Covid-19. Để thực hiện, chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, các phương án một cách chi tiết với mục tiêu khôi phục du lịch tại địa phương, góp phần vào phát triển chung. Chúng tôi cũng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thách thức để phục hồi du lịch, bảo đảm chất lượng các khu du lịch, hướng tới trở thành điểm đến an toàn cho du khách, an toàn cho dân cư.
Ông LÊ HỮU HOÀNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
Có thể nói, các tỉnh trong khu vực và cả nước đều đang thực hiện khôi phục du lịch với tinh thần trách nhiệm cao với nhiều giải pháp cơ bản đáp ứng tình hình mới, an toàn vệ sinh dịch tễ, giá cả chất lượng dịch vụ, bảo đảm thân thiện, hấp dẫn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung phối hợp với hàng không, đường sắt, bến cảng, liên kết các tỉnh, thành trong cả nước.
Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM:
Cần sự liên kết giữa các tỉnh, thành
TP HCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19, trong đó ngành du lịch chịu tác động nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngành du lịch luôn nhận được quan tâm của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP HCM. Vì vậy, ngành vẫn được tạo điều kiện để tham gia cùng công cuộc phòng chống dịch của thành phố, từ đó giữ được cơ sở vật chất tối thiểu và nguồn nhân lực quý giá.
Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM
Ngành du lịch thành phố cũng có bước chuẩn bị cho sự tái hoạt động như: kiến nghị ưu tiên tiêm vắc-xin cho ngành; thực hiện các dự án công nghệ thông tin dự kiến được công bố vào cuối tuần này (phiên bản mới của website trực tuyến du lịch, phiên bản mới của app quảng bá du lịch, cập nhật bản đồ tài nguyên du lịch...). Ngay khi dịch vừa có dấu hiệu kiểm soát được, chúng tôi đã tổ chức những tour thí điểm tri ân lực lượng tuyến đầu đến 2 vùng xanh là huyện Cần Giờ, Củ Chi. Từ kết quả tích cực của 2 tuyến cố định này, chúng tôi mạnh dạn xây dựng kế hoạch phục hồi ngành du lịch TP HCM theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 trong tháng 10, triển khai du lịch nội vùng TP HCM; giai đoạn 2 là du lịch liên tỉnh và giai đoạn 3 là đón khách quốc tế vào năm 2022.
Chúng tôi nhận định giai đoạn này, du lịch nội địa vẫn là thị trường trọng điểm, trọng tâm của du lịch TP HCM và cả nước. Đây chính là chiếc chìa khóa cho việc tái hoạt động của ngành. Du lịch nội địa sẽ không thể phục hồi nếu các địa phương vẫn triển khai du lịch nội vùng. Rất cần sự liên kết giữa các tỉnh, thành.
Ông LÊ KHẮC HIỆP, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup:
Nhiều sản phẩm mới
Trong lĩnh vực du lịch, Vingroup có Vinpearl là thương hiệu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng - giải trí lớn nhất Việt Nam. Vinpearl sở hữu chuỗi 45 cơ sở khách sạn, resort, spa cùng các trung tâm hội nghị, ẩm thực và sân golf đẳng cấp 5 sao, các khu vui chơi giải trí tiêu chuẩn quốc tế. Đứng trước cơ hội phục hồi du lịch với các hình thức "bong bóng khép kín", "1 cung đường - 2 điểm đến" trong bối cảnh "sống chung với Covid-19", Vinpearl đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và dịch vụ, sản phẩm để phục vụ du khách ngay khi du lịch mở cửa trở lại.
Ông LÊ KHẮC HIỆP, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup
Về quy trình đón khách, 100% nhân viên Vinpearl trực tiếp phục vụ du khách sẽ được tiêm 2 mũi vắc-xin theo lộ trình tiêm chủng của các tỉnh, thành phố. Tất cả nhân viên cũng được tham gia khóa đào tạo đặc biệt, trong đó, nhân viên phục vụ khách trong vòng 24 giờ đầu được đào tạo chuyên sâu hơn, bao gồm cả phương án bảo hộ đúng chuẩn.
Vinpearl còn đưa ra bộ tiêu chuẩn an toàn nâng cao như: toàn bộ nhân viên phục vụ khách du lịch đều được bố trí "3 tại chỗ", khoanh vùng các bước sinh hoạt, theo dõi tất cả lịch trình tiếp xúc của mỗi người, kiểm tra thân nhiệt đầu và cuối ngày làm việc.
Bên cạnh đó, Vinpearl sẽ liên tục nâng cấp trải nghiệm của du khách với những tính năng ưu việt của công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, Vinpearl kết hợp với Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata cho ra mắt ứng dụng "Quản gia thông minh" - Smart Butler để hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc khách hàng, thông tin về nhà hàng, khu vui chơi, giải trí...
Về sản phẩm mới, tại Khánh Hòa, chúng tôi đã sẵn sàng để phục vụ du khách với tàu ngầm vô cực Vinpearl Submarine Nha Trang và khu công viên nước sở hữu số lượng trò chơi nhiều nhất Đông Nam Á. Tại Phú Quốc, VinWonders có kế hoạch sẽ đưa vào hoạt động Cung điện Hải Vương - công trình thủy cung hình rùa lớn nhất thế giới với 5 phân khu đặc sắc...
Ông VÕ ANH TÀI, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group):
Sẵn sàng kế hoạch xanh
Kế hoạch phục hồi kinh doanh của tổng công ty bám sát các chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, thành phố: "An toàn mới mở cửa, mở cửa phải an toàn và an toàn đến đâu thì mở cửa đến đó". Chúng tôi gọi kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của Saigontourist là kế hoạch xanh trên các nền tảng: nguồn nhân lực xanh; sản phẩm, dịch vụ xanh; hành trình xanh và điểm đến xanh. Từ đó, tạo nên hoạt động kinh doanh xanh.
Ông VÕ ANH TÀI, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group)
Về nguồn nhân lực xanh, Saigontourist đã khẩn trương triển khai thực hiện việc tiêm đủ liều vắc-xin cho 100% cán bộ, nhân viên tại TP HCM, tập huấn đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch và "thực chiến" trong những tháng vừa qua.
Về thị trường xanh - khách hàng xanh, chúng tôi quy định và kiểm tra chặt chẽ đúng theo tiêu chí an toàn trong du lịch và thực hiện theo hành trình khép kín, trong ngày để bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng chống dịch cho du khách cũng như các cơ sở dịch vụ điểm đến.
Hành trình xanh - điểm đến xanh là các hành trình được tổ chức khép kín, được phục vụ bởi đội ngũ nhân viên xanh, đến các điểm đến tại các vùng xanh, kiểm soát tốt dịch bệnh và được phép mở cửa đón, phục vụ du khách theo các điều kiện.
Bà QUẢNG XUÂN LỤA, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang:
Phú Quốc sẵn sàng đón khách quốc tế
Hiện chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến các cấp, các ngành và DN và đã cơ bản hoàn thành kế hoạch và đang chờ ý kiến của các bộ, ngành trung ương để ban hành tiêu chí đón khách quốc tế, tiêu chí cho các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch. Chúng tôi cũng đã xây dựng các bộ tiêu chí an toàn trong dịch Covid-19, ưu tiên thị trường cấp 1 nguy cơ thấp trong điều kiện bình thường mới, tương ứng vùng xanh, an toàn có độ bao phủ vắc-xin cao ở những điểm đến trên địa bàn để mở cửa đón khách.
Bà QUẢNG XUÂN LỤA, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang
Để sẵn sàng đón khách quốc tế thí điểm, tỉnh đã tổ chức tiêm vắc-xin mũi 1 và tiêm mũi 2 vét hoàn thành trong tháng 10. Phú Quốc đang triển khai về nhân lực, vật lực, phương án xét nghiệm, xử lý sự cố khi có tình huống xảy ra. Ngành du lịch địa phương cũng chuẩn bị các sản phẩm du lịch trong những ngày đón khách quốc tế. Ngành du lịch tỉnh cũng lên kế hoạch hỗ trợ để giảm chi phí cho DN, hỗ trợ quảng bá, truyền thông để đón khách thuận lợi…
Dự kiến cuối tháng 11 này có thể vận hành đón khách bảo đảm kế hoạch đề ra và phối hợp các sở, ngành đi tiền trạm, khảo sát để phục vụ đón khách an toàn trong tình hình mới. Trong giai đoạn thử nghiệm, Phú Quốc sẽ thí điểm đón 1-3 chuyến bay, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm mới tính đến việc chính thức đón khách quốc tế.
Xem thêm: mth.37104512241011202-iom-hnih-hnit-gnu-hciht-pahp-iaig-ueihn/et-hnik/nv.moc.dln