Kể từ khi ra mắt vào ngày 17/9, Squid Game đã liên tục thống trị bảng xếp hạng Top 10 bộ phim ăn khách nhất trên Netflix trong nhiều tuần liền. Tác phẩm sinh tồn - giải đố của Hàn Quốc không chỉ nổi lên ở Châu Á mà còn được khán giả ở nhiều quốc gia khác nhiệt tình đón nhận, tạo nên 1 cơn sốt khủng khiếp trên nhiều nền tảng, mạng xã hội trong 1 tháng vừa qua.
Squid Game xoay quanh một cuộc thi đấu sinh tồn giữa 456 người chơi đều đang gặp khó khăn về tài chính với những khoản nợ khổng lồ không thể trả nổi. Họ được đưa đến 1 hòn đảo bí mật để tham gia 6 vòng chơi khác nhau, và qua mỗi vòng số tiền thưởng sẽ tăng lên cho đến khi đạt mức tối đa 45,6 tỷ won (hơn 865 tỷ đồng). Đổi lại, những người thua cuộc cũng phải trả 1 cái giá rất đắt: Đó chính là mạng sống của họ.
Squid Game xoay quanh 1 chuỗi game sinh tồn với 456 người tham gia, và những ai thua cuộc sẽ phải trả giá bằng tính mạng của chính mình.
Ở vòng chơi thứ 2, người chơi phải tham gia thử thách có tên “Tách kẹo”. Luật chơi rất đơn giản, đúng như cái tên của nó: Người chơi sẽ phải tìm cách tách rời biểu tượng khắc trên bề mặt miếng kẹo làm từ đường (gọi là dalgona) trong vòng 10 phút. Nếu biểu tượng này được tách ra nguyên vẹn, không sứt mẻ, gãy vụn, họ sẽ được chấm qua vòng và tạm thời giữ được mạng sống của mình. Mặc dù là 1 trò chơi khá trẻ con, nhưng áp lực về mặt thời gian cộng với bầu không khí căng thẳng vì cái chết luôn cận kề đã biến thử thách này trở thành 1 trong những phân cảnh ấn tượng nhất trong cả series.
Sau khi Squid Game lên sóng và để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả, những miếng kẹo dalgona cũng lập tức trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Hàn Quốc cũng như nhiều khu vực khác. Trong phim, loại kẹo này được khắc 4 biểu tượng, bao gồm hình tròn, hình tam giác, hình ngôi sao và hình cái ô. Tuy nhiên số lượng biểu tượng trong thực tế đa dạng hơn rất nhiều. Mỗi 1 miếng kẹo này được bán với giá khoảng 2000 won (hơn 38.000 đồng).
Kẹo đường dalgona đang gây sốt tại Hàn Quốc sau sự thành công bùng nổ của Squid Game.
An Yong-hui, 37 tuổi, là một thợ làm kẹo dalgona chuyên nghiệp với hơn 8 năm kinh nghiệm buôn bán gần 1 trường đại học ở Seoul. Tháng 6/2020, anh “chốt deal” thành công với Netflix và cùng các đồng nghiệp nấu 700 miếng kẹo từ hơn 15kg đường để phục vụ riêng cho quá trình ghi hình tập 3 Squid Game.
Thời điểm đó, có lẽ chính anh cũng không ngờ được thương vụ làm ăn này lại là bước ngoặt giúp quán kẹo của mình “phất” lên như hiện nay. Dalgona trở thành 1 trong những sản phẩm được nhiều bạn trẻ lựa chọn để tự mình tham gia thử thách trong Squid Game. Có những thời điểm, Yong-hui không thể về nhà trong 1 tuần liền vì công việc quá bận rộn và phải phục vụ quá nhiều khách hàng.
Sạp hàng của Yong-hui giờ đây lúc nào cũng đông khách, và rất nhiều người tìm đến anh chỉ vì muốn được trực tiếp trải nghiệm thử thách Tách kẹo trong Squid Game.
Các nhân viên làm kẹo luôn tay để kịp phục vụ khách hàng.
Trước đây, Yong-hui thường chỉ bán được chưa đến 200 miếng kẹo/ngày. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng sau khi Squid Game lên sóng, mỗi ngày anh đều cho xuất lò hơn 500 miếng kẹo, thu về hơn 1 triệu won/ngày (19 triệu đồng). Những khách hàng nào chinh phục thành công thử thách tách kẹo ngay tại chỗ sẽ được tặng miễn phí thêm 1 miếng kẹo nữa.
Lee You-hee, một sinh viên năm nhất đang theo học đại học ở Seoul chia sẻ: “Tôi vẫn luôn tò mò về thử thách dalgona này vì đã được nghe bà và bố kể lại quá nhiều lần rồi. Đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp trải nghiệm, và không ngờ là những miếng kẹo này lại dễ vỡ như vậy”.
Phải trực tiếp trải nghiệm, khách hàng mới có thể cảm nhận trò chơi "Tách kẹo" khó đến mức độ nào.
DG
Pháp luật và bạn đọc