vĐồng tin tức tài chính 365

Đề xuất sửa quy định mua, bán nợ của tổ chức tín dụng

2021-10-15 10:11

Ngày 13/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNH) đã đăng tải Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 quy định về hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để lấy ý kiến tham gia, góp ý của các tổ chức, cá nhân.

Theo NHNN, Thông tư số 09/2015/TT-NHNN được ban hành và thực hiện được hơn 5 năm. Trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung.

Đơn cử, trong quá trình thực hiện mua bán nợ theo Thông tư số 09/2015/TT-NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là TCTD) báo cáo có phát sinh một số vướng mắc do Thông tư 09/2015/TT-NHNN đã có quy định nhưng chưa hướng dẫn cụ thể để xử lý một số trường hợp phát sinh trong thực tế về: Định giá khoản nợ; xử lý chênh lệch tỉ giá; xử lý tài chính đối với trường hợp bên mua nợ là TCTD...

Trong thời gian gần đây đã có hiện tượng TCTD thực hiện bán nợ cho bên mua nợ không phải là TCTD và được thanh toán chậm tiền mua nợ. Hoạt động này có thể dẫn đến việc phản ánh thiếu khách quan về tình trạng của các khoản nợ cấp tín dụng tại các TCTD.

NHNN cho biết, để đảm bảo thống nhất với quy định pháp luật và xử lý được các vấn đề thực tế phát sinh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư Thông tư số 09/2015/TT-NHNN là hết sức cần thiết.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định sửa đổi, bổ sung 9 điều (bổ sung 1 điều, sửa đổi 8 điều).

Quản lý theo dõi trong trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ

Hiện nay, Khoản 9 Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định, trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ, thì bên bán nợ và các bên mua nợ thỏa thuận với nhau về tỉ lệ tham gia, phương thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, phân chia giá trị tài sản đảm bảo (nếu có) cho phần nợ được mua, bán và các nội dung cụ thể khác tại hợp đồng mua, bán nợ đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Thông tư 09/2015/TT-NHNN chưa có quy định cụ thể về việc quản lý theo dõi trong trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ. Do vậy, dự thảo Thông tư sửa đổi có quy định bổ sung về vấn đề này để đảm bảo việc quản lý hoạt động mua bán nợ được đầy đủ và chặt chẽ hơn.

Cụ thể, dự thảo Thông tư bổ sung Điều 15a về quản lý theo dõi trong trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ.

Theo đó, việc quản lý theo dõi trong trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ theo quy định tại Khoản 9 Điều 5 Thông tư này được thực hiện theo nguyên tắc:

Nguyên tắc thứ nhất, trường hợp bên bán nợ còn sở hữu một phần khoản nợ được bán, bên bán nợ tiếp tục làm đầu mối thực hiện quản lý hồ sơ, tài liệu, các biện pháp bảo đảm và các vấn đề khác liên quan của khoản nợ. Phần nợ chưa bán, bên bán nợ tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.

Trường hợp bên bán nợ không còn là chủ sở hữu của khoản nợ được bán nhưng các bên có nhu cầu, bên bán nợ được tiếp tục làm đầu mối thực hiện quản lý hồ sơ, tài liệu, các biện pháp bảo đảm của khoản nợ và các vấn đề khác liên quan đến khoản nợ theo thỏa thuận của các bên.

Nguyên tắc thứ hai, quyền và nghĩa vụ của các bên và việc xử lý các vấn đề phát sinh trong trường hợp bên bán nợ làm đầu mối thực hiện quản lý hồ sơ, tài liệu, các biện pháp bảo đảm và các vấn đề khác liên quan đến khoản nợ quy định trên được thực hiện theo hợp đồng do các bên thỏa thuận phù hợp theo quy định pháp luật.

Các quy định được sửa đổi

NHNN cũng cho biết, Nghị quyết 42/2017/QH14 thực hiện thí điểm trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 15/8/2017 đến 15/8/2022 với một số cơ chế đặc thù trong phân bổ lãi dự thu, xử lý chênh lệch khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Để đảm bảo sự thống nhất và xử lý phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, Điều 1 Thông tư 09/2015/TT-NHNN (phạm vi điều chỉnh) sẽ được bổ sung Khoản 3 Điều 1 quy định: “Trong thời gian Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành, các khoản nợ quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 09/2015/TT-NHNN nếu thuộc đối tượng của Nghị quyết số 42/2017/QH14 thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện mua, bán các khoản nợ này theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 và quy định tại Thông tư này”.

Hiện nay, theo quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, “hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” không thuộc hoạt động kinh doanh có điều kiện. Do vậy, các đối tượng là tổ chức khác không phải là TCTD và cá nhân sẽ không bị hạn chế về điều kiện khi tham gia mua nợ. Do vậy, khoản 4 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14.

Khoản 2 Điều 90 Luật các TCTD quy định, tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng. Theo quy định trên, việc TCTD tham gia mua nợ vẫn cần được sự chấp thuận của NHNN. Do vậy, quy định bên mua nợ là TCTD cần sự chấp thuận của NHNN vẫn được giữ nguyên.

Từ các vấn đề nêu trên, Dự thảo sửa đổi khoản 4 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN như sau: "Bên mua nợ là tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng nước chấp thuận hoạt động mua nợ; Tổ chức khác, cá nhân (bao gồm cả người cư trú và người không cư trú)”.

Dự thảo này cũng bổ sung khoản 7a Điều 3: "Giá trị ghi sổ nội bảng của khoản nợ: gồm giá trị ghi sổ số dư nợ gốc, dư nợ lãi của khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến khoản nợ (nếu có) đến thời điểm mua, bán nợ đối với các khoản nợ đang được hạch toán nội bảng”. Việc bổ sung thêm khái niệm này để làm căn cứ hướng dẫn xử lý tài chính cho TCTD khi thực hiện bán nợ quy định Điều 21 dự thảo Thông tư.

Ngoài ra, Dự thảo bổ sung khoản 9, khoản 10 Điều 3 quy định về trạng thái sở hữu khoản nợ trong thời gian thực hiện hợp đồng mua, bán nợ (Căn cứ quy định tại Điều 162, Điều 440, Điều 450 Bộ Luật Dân sự).

Khoản 4 Điều 5 được sửa đổi bỏ quy định TCTD phải ban hành quy định nội bộ về tự đấu giá tài sản.

Sửa đổi khoản 6 Điều 5 quy định bên bán nợ không mua lại các khoản nợ đã bán trừ trường hợp mua lại khoản nợ đã bán theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt để phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 148 Luật các TCTD.

Bổ sung khoản 6a Điều 5 quy định bên bán nợ không được bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của bên nợ đối với bên mua nợ nhằm bảo đảm việc mua nợ được minh bạch, thực chất và thực sự là biện pháp để xử lý nợ theo quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật Các TCTD.

Bổ sung khoản 11 Điều 5: Bổ sung quy định TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ tại chính TCTD và các TCTD khác.

Quy định trên nhằm bảo đảm việc mua nợ được minh bạch, thực chất và thực sự là biện pháp để xử lý nợ theo quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật Các TCTD, đồng thời ngăn ngừa khả năng TCTD có thể lợi dụng mua bán nợ để che dấu nợ xấu.

Khoản 2 Điều 10 được sửa đổi bỏ quy định cho phép TCTD được tự bán đấu giá tài sản.

Điều 12 được sửa đổi để xử lý các vấn đề dưới đây (khoản 2 Điều 12 được giữ nguyên do hiện đang phù hợp theo quy định của Luật Giá):

+ Theo quy định của Luật Giá: TCTD được quyền tự định giá khoản nợ; Bộ Tài chính thực hiện ban hành các tiêu chuẩn về thẩm định giá.

+ Theo quy định, TCTD được sử dụng các tiêu chuẩn về thẩm định giá của Bộ Tài chính để định giá khoản nợ. Tuy nhiên, Thông tư 09/2015/TT-NHNN chưa có quy định về vấn đề này.

+ Luật Giá cho phép cơ quan chuyên ngành (NHNN) được quy định về định giá. Thông tư 09/2015/TT-NHNN đã có quy định nhưng thực tế phát sinh có một số vướng mắc cần được quy định cụ thể hơn.

Điều 14 được sửa đổi bổ sung để phù hợp với quy định việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ chỉ được thực hiện khi bên mua đã trả đủ tiền cho bên bán nợ theo hợp đồng và nhận chuyển giao quyền đòi nợ từ bên bán nợ theo quy định tại Điều 440, Điều 450 Bộ Luật Dân sự.

Điều 20 được sửa đổi để quy định cụ thể về quản lý, theo dõi đối với khoản nợ chưa hoàn thành việc mua, bán nợ.

Điều 21 được sửa đổi để quy định cụ thể về quản lý, theo dõi và xử lý tài chính đối với khoản nợ đã hoàn thành việc mua, bán nợ. Quy định sửa đổi điều này để xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong theo dõi và xử lý tài chính được TCTD kiến nghị.

Tuệ Minh

Xem thêm: lmth.517035a-gnud-nit-cuhc-ot-auc-on-nab-aum-hnid-yuq-aus-taux-ed/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Đề xuất sửa quy định mua, bán nợ của tổ chức tín dụng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools