Những cây gỗ to lớn trong rừng phòng hộ bị đốn hạ - Ảnh: T.M
Vị trí phá rừng cách đường Trương Sơn Đông khoảng hơn 3km. Lâm tặc lựa những cây gỗ quý to lớn để triệt hạ, không phá ở một điểm cố định.
Lâm tặc "lựa" gỗ quý khai thác
Theo thông tin từ người dân, việc phá rừng xảy ra ở rừng phòng hộ xã Sơn Long xảy ra từ lâu. Phóng viên theo chỉ dẫn của người dân đi sâu vào rừng phòng hộ ở xã Sơn Long. Người dân cho biết phải đi bí mật bởi luôn có cảnh giới ở cửa rừng, chỉ cần có động tĩnh là lâm tặc sẽ rút khỏi rừng.
Hơn một giờ đi sâu vào rừng, hàng chục cây gỗ lớn như như dổi, thông nàng… có đường kính từ 50 cm đến hơn 1m bị triệt hạ. Dấu vết trên các thân cây bị cưa xẻ cả cũ và mới nằm ngổn ngang như đại công trường khai thác.
Đại công trường khai thác gỗ, với những cây có đường kính to lớn trong rừng phòng hộ thuộc xã Sơn Long, huyện Sơn Tây - Ảnh: T.M
Điểm đặc biệt là lâm tặc phá rừng phòng hộ này dường như biết vị trí từng cây trong rừng nên chỉ lựa những cây có đường kính lớn và thuộc nhóm gỗ quý để cưa. Lâm tặc cũng không di chuyển gỗ ra khỏi rừng sau khi cưa hạ mà đợi một thời gian dài sau đó mới vào cưa phách và chuyển ra khỏi rừng.
Ông Đỗ Thanh Vượt, chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho biết lâm tặc lén lút vào sâu trong rừng phòng hộ và lựa chọn những cây gỗ to nhất, tốt nhất để triệt hạ, chứ không triệt hạ gỗ dỏm. Thời gian gần đây chính quyền địa phương liên tục tổ chức truy quét, song dấu vết ở hiện trường của những đợt cưa, xẻ gỗ vẫn còn hiện hữu khá mới. Mùn cưa, dầu nhớt, nước uống, lâm tặc bỏ lại nằm vương vãi.
Ông Vượt nhận định nếu như không có bảo kê, tiếp tay, thì không một người dân địa phương nào dám động đến những cây gỗ lâu năm như vậy. Lâm tặc không tổ chức khai thác tràn lan, mà chọn những khoảnh rừng có gỗ tốt, để đốn hạ, mỗi nơi triệt hạ một ít.
Vị trí lâm tặc cưa xẻ gỗ thành phách, mùn cưa vẫn còn mới nguyên - Ảnh: T.M
Cũng theo ông Vượt, gỗ sau khi được đưa ra khỏi rừng, chỉ có đường Trường Sơn đông để vận chuyển. Và có hai hướng để đi là về phía tỉnh Kon Tum hoặc về trung tâm huyện Sơn Tây.
Thời gian qua có dịch COVID-19, từ Quảng Ngãi qua Kon Tum có chốt bảo vệ kiểm soát dịch không thể đi được.
Ông Vượt nhận định gỗ chỉ có thể chạy về hướng trung tâm huyện Sơn Tây. Ngay trên tuyến đường này có Trạm quản lý bảo vệ rừng xã Sơn Long thuộc quản lý của BQL rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi, nhưng thực tế Trạm quản lý này luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.
Ông Vượt nói: "Tuy có trụ sở, nhưng lâu nay chúng tôi ít khi thấy lực lượng nào trực ở đó. Trạm phân công nhiệm vụ thế nào, xã cũng không nắm rõ. Chúng tôi xác định ở địa phương có khoảng 3 - 4 người thường xuyên khai thác gỗ trái phép. Nhận định, họ khai thác gỗ để chở đi bán, vì nếu không có đường dây thì làm sao họ tiêu thụ được".
Một cây gỗ dài bị đốn hạ còn nằm trong rừng phòng hộ, lâm tặc chưa cưa thành phách - Ảnh: T.M
Ai bảo vệ rừng phòng hộ?
UBND xã Sơn Long khẳng định việc khai thác trái phép rừng ở địa phương là rất nhức nối. Từ đầu năm đến nay, chính quyền địa phương đã phối hợp, tổ chức vây bắt hàng chục vụ khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép, trong đó có nhiều vụ vây bắt bất thành.
Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt nói: "Có hôm lực lượng của chúng tôi "phục kích" xuyên đêm để truy bắt các đối tượng vận chuyển gỗ trên đường Trường Sơn Đông, chạy về hướng trung tâm huyện Sơn Tây, nhưng khi phát hiện lực lượng chức năng, lập tức lâm tặc tăng tốc độ, phóng xe ô tô chạy bạt mạng. Anh em buộc phải né ra, còn nếu chặn lại thì bị lâm tặc tông chết".
Theo thông tin, tổng diện tích rừng phòng hộ huyện Sơn Tây khoảng 17.000 hecta. Từ đầu năm đến nay, Hạt kiểm lâm huyện Sơn Tây cũng đã tổ chức 75 đợt truy quét, 78 đợt kiểm tra, 105 đợt tuần tra bảo vệ rừng, phát hiện 23 vụ vi phạm trong lĩnh vực luật lâm nghiệp, trong đó vận chuyển khai thác gỗ trái phép 2 vụ, tàng trữ gỗ trái phép 2 vụ, tịch thu gỗ xẻ thông thường trên 24m3, xử phạt hành chính trên 152 triệu đồng.
Những thân gỗ to lớn trong rừng phòng hộ nằm ngổn ngang - Ảnh: T.M
Ông Trương Quang Học, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây, thừa nhận vùng giáp ranh ở các xã như Sơn Long, Sơn Lập, Sơn Bua, Sơn Liên, Sơn Tinh… là những điểm nóng về phá rừng. Từ đầu năm đến nay, truy quét nhiều nhất ở Sơn Long. Điểm khai thác rừng trái phép ở Sơn Long, Hạt đã nhiều lần tổ chức vây bắt nhưng bất thành, sau đó Hạt xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an huyện Sơn Tây, bí mật tiếp cận hiện trường vụ phá rừng vào khoảng 3h sáng nhưng không bắt được lâm tặc.
"Còn có đợt anh em kiểm lâm mật phục, nằm địa bàn cả tuần để bắt, nhưng khi phát hiện kiểm lâm, lâm tặc vứt bỏ cưa lốc, chạy thục mạng để thoát thân nên không bắt được. Vụ khai thác rừng phòng hộ ở Sơn Long, chúng tôi khẳng định, việc khai thác gỗ trái phép chủ yếu là do người dân khai thác về để làm nhà, chứ không có chuyện lâm tặc khai thác gỗ để bán", ông Học nói thêm.
Tuy nhiên, sau khi phóng viên cung cấp thông tin, hình ảnh vụ phá rừng cho ông Học xem, thì ông này nói: "Cũng không loại trừ khả năng lâm tặc khai thác để bán". Nhưng ông Học cũng khẳng định: "Không có chuyện lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép để bán với quy mô lớn".
Vết nhựa trên cây gỗ đại thụ vẫn còn mới nguyên - Ảnh: T.M
Đối với vụ phá rừng phòng hộ ở xã Sơn Long, ông Phạm Duy Hưng, phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, cho biết cách đây hơn một tuần Hạt kiểm lâm huyện Sơn Tây đi kiểm tra vụ khai thác rừng trái phép ở xã Sơn Long và đã thông tin với Chi cục Kiểm lâm tỉnh rằng có khoảng 20 cây gỗ bị khai thác trái phép, còn đường kính của số cây bị triệt hạ là bao nhiêu thì… chưa nắm. Vì Hạt chưa có báo cáo bằng văn bản.
"Phải xác định mục đích vụ khai thác rừng trái phép, đường kích của các cây gỗ là bao nhiêu thì mới đánh giá được mức độ vụ việc. Trước mắt, Hạt kiểm lâm Sơn Tây sẽ phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ, chính quyền địa phương đi kiểm tra lại hiện trường, xác định lại khối lượng thiệt hại, sau đó sẽ đánh giá quy mô của vụ phá rừng là lớn hay nhỏ. Tôi cho rằng lực lượng kiểm lâm ở Sơn Tây đã nỗ lực làm hết trách nhiệm bảo vệ rừng, không có sự buông lỏng trong công tác quản lý rừng phòng hộ", ông Hưng nói.