Nhìn lại bức tranh của ngành du lịch suốt 2 năm qua trước tác động của đại dịch Covid-19, từ đó đưa ra những giải pháp cho những bước phát triển tiếp theo. Buổi tọa đàm “Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19” với sự tham gia của lãnh đạo Bộ VHTT&DL, các doanh nghiệp, chuyên gia nhằm cùng tìm ra những hướng đi cho ngành du lịch trong thời gian tới.
Mong mỏi của doanh nghiệp du lịch hậu Covid-19
Các doanh nghiệp đều có những nỗi niềm khi vừa phải trải qua một thời kỳ “đóng băng”. Bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) chia sẻ: “Hậu Covid-19 là cơ hội định vị lại ngành du lịch một cách văn minh, bài bản. Chúng tôi xét thấy du khách hậu Covid-19 ngoài vấn đề an toàn, họ ưu tiên thiên nhiên biển đảo và nâng tầm trải nghiệm về du lịch và dịch vụ, sức khỏe. Để đáp ứng vấn đề này, doanh nghiệp du lịch cần nâng tầm về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Đây là vấn đề chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại, cần hướng tới mục tiêu khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ vì rẻ, vì chi phí thấp, mà du khách tới Việt Nam bởi thiên nhiên tươi đẹp, bởi văn hóa đặc sắc, bởi chất lượng dịch vụ.
Không chỉ riêng tôi mà tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn quy trình hướng dẫn cụ thể đồng nhất từ trung ương đến địa phương. Điều này giúp cho chúng tôi hiểu ngay cách làm thế nào để làm du lịch một cách an toàn. Hành khách cũng không bị gặp những cản trở về thủ tục ở mỗi địa phương, làm giảm hứng thú trải nghiệm”.
Bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cũng có những chia sẻ về khó khăn gặp phải: “Về chính sách vĩ mô, cần sự thống nhất, đồng bộ những chính sách vĩ mô chung trong cả nước. Đó là điều kiện tiên quyết để du lịch phục hồi. Bởi vì nếu không có những giải pháp tổng thể để các địa phương mỗi nơi một chính sách, thì rõ ràng việc triển khai sẽ rất khó khăn.
Tôi muốn đề nghị, hiện nay, an toàn là điều kiện ưu tiên số 1, nhưng hiện nay các thủ tục hành chính giữa các địa phương cũng rất nhiều. Giữa các vùng đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm rất nhiều. Nếu vẫn duy trì thế này, rõ ràng du lịch không thể phát triển. Cho nên việc đầu tiên, phải quay trở lại rằng, không phải đến từ vùng dịch là phải cách ly, mà phải hiểu rằng, cứ có vắc-xin 77% là an toàn, không phải cách ly.
Còn việc cách ly y tế và test PCR, chúng tôi đề nghị không cần cách ly y tế. Việc này phải triển khai nhanh và gấp chứ tất cả đều chỉ nói mà chưa ra được văn bản có ngày tháng cụ thể, có thời hạn để các địa phương nhìn vào và thực hiện".
Về hướng dẫn viên hay các lĩnh vực bị ảnh hưởng trong thời gian qua bà Lê Hương cho biết, Vietravel năm 2021 chỉ đạt doanh thu 10% và chỉ trong thời gian đầu năm. Từ 11/5 đến hết 30/10 hầu hết doanh thu bằng 0. Lượng nhân viên làm việc chỉ từ 3-5%.
Đặc biệt Vietravel có 2 mảng là hàng không và du lịch, việc hỗ trợ đối với các hướng dẫn viên hay nhân viên là động viên về tinh thần, để mọi người cảm thấy có sự động viên để trở lại với công việc, nhưng vẫn còn các thủ tục hành chính cản trở và còn nhiều hạn chế. Cho nên cần có những thủ tục riêng cho ngành du lịch, ngành cuối cùng quay trở lại phục hồi sau Covid-19.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours bày tỏ: “Ở chính sách hỗ trợ chung, Chính phủ đã cho nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội, tiền hưu trí, và cho giãn thuế VAT trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, đến nay khoảng thời gian dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến, tình hình dịch vẫn chưa thể ổn định. Doanh nghiệp đã phải nộp lại toàn bộ những khoản phí trên. Vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nên quy định “mỏng” hơn để đảm bảo phục hồi. Ngoài ra cũng cần có những ưu đãi để doanh nghiệp có thể nâng cấp cơ sở vật chất để quay lại hoạt động”.
Những hỗ trợ từ phía Nhà nước
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã phát biểu về những chính sách đã triển khai nhằm giúp đỡ doanh nghiệp: “Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch và người lao động theo 3 nhóm:
Nhóm thứ nhất là nhóm chính sách tài khóa, liên quan các chính sách ưu đãi về tín dụng cho các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi để vượt qua khó khăn, chi trả lương cho người lao động, để thu hút người lao động ở lại với doanh nghiệp, rồi có kinh phí để xây dựng các sản phẩm mới thích ứng với môi trường mới.
Nhóm thứ hai là chính sách tài chính, chúng tôi liên tục đề xuất để với Bộ để có điều chỉnh giảm thuế, phí, lệ phí, để giảm bớt gánh nặng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nhóm thứ ba là gói an sinh xã hội. Đối tượng hướng dẫn viên nhận được hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 63 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua. Bên cạnh Quyết định số 23 liên quan đội ngũ hướng dẫn viên thì còn có các hỗ trợ khác chung của Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động”
Tổng cục Du lịch đã kiến nghị giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Đây là một chính sách đã được Chính phủ thông qua. Ngoài ra, cũng đề xuất và được Chính phủ cho phép triển khai sửa đổi Điều 14 trong Nghị định số 168 về giảm 80% tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành và giảm thời gian giải ngân từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.
Mở cửa du lịch an toàn trong thời gian sắp tới
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho biết kế hoạch đảm bảo an toàn khi đón khách vào Việt Nam: "Khách du lịch đến Việt Nam trong giai đoạn thí điểm sẽ đi theo các chương trình du lịch trọn gói, bằng đường hàng không theo hình thức các chuyến bay thuê bao chuyến. Khách du lịch quốc tế được ưu tiên lựa chọn từ các thị trường du lịch có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại một số khu vực như: Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông, châu Úc... với điều kiện đáp ứng các yêu cầu về “hộ chiếu vắc-xin”, có xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh và một số yêu cầu khác".
PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh biện Phổi Trung ương cũng chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những tiêu chí an toàn cần có khi mở cửa du lịch: “Chung sống an toàn là cái đích mà chúng ta phải chấp nhận, an toàn ở đây cơ bản là kiểm soát dịch chứ không phải để dịch kiểm soát. Để kiểm soát thì cần phải cảnh giác, kiểm soát mầm bệnh, chúng ta phải kích hoạt hệ thống giám sát dịch rộng khắp, cũng như mọi lúc mọi nơi, dựa trên khoa học dịch tễ với công cụ xét nghiệm, có sự tham gia của người dân”.
Trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng tại buổi tọa đàm đã có những con số cụ thể của bức tranh du lịch hiện nay: “Từ năm 2020 và 9 tháng 2021 du lịch bị tổn thất nặng nề. Có thể nói, dựa trên cơ sở khảo sát, các con số qua điều nghiên để thấy du lịch của chúng ta đã khó khăn lại càng khó khăn. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm 80% mà trước đó nhờ lượng khách quốc tế này đưa vị thế du lịch Việt Nam lên top đầu của châu Á. Năm 2021, chúng ta giảm đến 90% khách du lịch quốc tế (10% là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao).
Về khách nội địa, năm 2020 có 85 triệu lượt khách nhưng sang năm 2021 chúng ta hầu như đóng băng. Quý 1, chúng ta có được một số lượng khách nhất định nhưng không bảo đảm thường xuyên.
Chúng ta phải tính toán đến một loại hình trong vấn đề du lịch là cơ sở lưu trú. Thường cơ sở lưu trú quyết định đóng góp cho toàn ngành, theo thống kê đóng góp 46-50% cho hoạt động du lịch thì 90% các cơ sở lưu trú đều phải đóng cửa và không hoạt động, công suất hoạt động phòng khách sạn không có, chỉ sử dụng 10% là tối thiểu”.
Theo Bộ trưởng các số liệu giúp đưa ra cảnh báo để có nhận thức đúng, nếu không chúng ta sẽ mơ về ngày như ngày xưa thì rất khó, chúng ta phải thích ứng với điều kiện mới.