Mỹ mất 4,3 triệu lao động, nguyên nhân là gì?
Gần 2 năm sau khi đại dịch bắt đầu, Mỹ vẫn thiếu khoảng 4,3 triệu lao động. Tình trạng này diễn ra khí các nhà tuyển dụng ở Mỹ đang phải chật vật để tìm kiếm người cho hơn 10 triệu vị trí làm việc và đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng.
Ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, số lao động bỏ việc đang bằng hoặc ở mức gần cao nhất được ghi nhận trong các ngành như sản xuất, bán lẻ, thương mại, vận tải và các dịch vụ chuyên nghiệp. Theo thống kê, sự sụt giảm diễn ra trên diện rộng theo các nhóm nhân khẩu học và nghề nghiệp, nhưng đặc biệt giảm nhanh đối với phụ nữ, lao động không có bằng đại học và các ngành dịch vụ trả lương thấp.
Nhiều nhà kinh tế dự kiến khi trường học mở cửa trở lại, trợ cấp thất nghiệp hết hạn và biến thể Delta được kiểm soát, thị trường lao động sẽ có cải thiện vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động lại đang cho thấy những dấu hiệu ngày càng trầm trọng: nguồn cung lao động giảm trong tháng 9 và số người bỏ việc ở tháng 8 cao kỷ lục.
Một số nhà kinh tế lo ngại rằng xu hướng này phản ánh sự thay đổi trong dài hạn, chẳng hạn như tốc độ nghỉ hưu tăng lên do ảnh hưởng của đại dịch và sẽ không có chuyển biến tích cực.
Thông thường, sau thời kỳ suy thoái, người tiêu dùng sẽ ngần ngại chi tiêu và người lao động rất muốn tìm được việc làm sau khi bị sa thải. Còn ở hiện tại, chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh và các nhà tuyển dụng lại nóng lòng tìm người nhưng người lao động lại không muốn quay lại làm việc.
Viễn cảnh về sự thu hẹp của lực lượng lao động có thể khiến các doanh nghiệp lớn khó đạt được mục tiêu tuyển dụng cho kỳ nghỉ lễ. Amazon và Walmart đã công bố kế hoạch tuyển hơn 300.000 nhân sự trong những tháng tới, trong khi UPS và FedEx kỳ vọng có thể thu hút được 200.000 nhân viên đóng gói hàng, cùng những vị trí khác.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động và thường có mối liên hệ với nhau. Đầu tiên, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mất 108.700 lao động, tương đương 10,3% vào tháng 9 so với tháng 2/2020 dù tiền lương của họ tăng 10% vào tháng 8/2021. Học phí ở các trường mầm non tăng cao và số lượng thấp hơn đang gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và khiến phụ huynh lựa chọn nghỉ việc để ở nhà với con.
Ngoài ra, biên giới Mỹ đóng cửa do đại dịch cũng làm giảm số lượng lao động nhập cư. Nhiều người thuộc thế hệ baby boomer giàu có hơn nhờ đầu tư chứng khoán cũng lựa chọn nghỉ hưu sớm. Trong khi đó, hàng nghìn tỷ USD cứu trợ của chính phủ đã khiến nhiều người không muốn quay trở lại với những công việc vất vả và trả lương thấp.
Sự thiếu hụt - bình thường mới ở thị trường lao động
Các nhà kinh tế cho biết, nhiều người lao động trong các lĩnh vực có mức lương thấp đang muốn chuyển sang các ngành có lương cao hơn, hoặc nỗ lực để được tăng lương. Tháng 8, Bộ Lao động Mỹ cho biết gần 4,3 triệu người đã bỏ việc, mức cao nhất trong 21 năm.
Nhiều tập đoàn lớn đã tăng lương trong nhân viên trong lĩnh vực dịch vụ ở những năm gần đây và cũng là xu hướng trong thời kỳ đại dịch. Betsey Steveson – nhà kinh tế của Đại học Michigan, nhận định: "Nếu Amazon trả 15 USD/giờ cho công việc trong nhà kho, đó có thể là một công việc hấp dẫn hơn trở thành người trông trẻ."
Nhờ khoản trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần, số tiền tiết kiệm của các hộ gia đình Mỹ đạt mức 1,7 nghìn tỷ USD trong tháng 8, tăng 21% so với 1,4 nghìn tỷ USD vào tháng 2/2020.
Trước khi đại dịch diễn ra, Jesse Stromwick (34 tuổi) là giám đốc kỹ thuật cấp cao của một công ty phần mềm ở Portland (Oregon). Tuy nhiên, sau đó, công việc kinh doanh của anh gặp rất nhiều khó khăn. Sự ra đời của cậu con trai vào cuối tháng 11 càng làm Jesse suy nghĩ về việc liệu công việc này có thực sự mang lại thành quả xứng đáng hay không.
Nhờ trợ cấp liên bang, Jesse và vợ là một nữ hộ sinh đã có thể tạm ngừng thanh toán khoản nợ sinh viên cho đến tháng 1/2022. Họ cũng có thể tái cấp vốn cho khoản thế chấp với lãi suất thấp hơn. Do đó, họ đã tiết kiệm được khoảng 2.000 USD/tháng.
Jesse chia sẻ, ban đầu anh có kế hoạch nghỉ 3 tháng, sau đó là cuối tháng và có thể sẽ kéo dài đến cuối năm. Vừa chăm con, vừa làm một công việc tự do là thiết kế ứng dụng tập thể dục, anh kỳ vọng sẽ kiếm đủ số tiền mong muốn và không có ý định quay lại với công việc cũ.
Để ứng phó với tình trạng thiếu lao động, các doanh nghiệp phải cải tổ mô hình kinh doanh. Ví dụ, các nhà hàng phải giảm giờ hoạt động hoặc số ngày mở cửa, cắt giảm dịch vụ.
Maggie Colangelo – chủ sở hữu quán Po Cafe, cho biết, việc người dân New York kéo về khu phố nhỏ ở Washington đã giúp hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn. 10 nhân viên của cô đang phải tăng giờ làm và đảm nhiệm nhiều vị trí.
Po Café phải giảm giờ hoạt động và đóng cửa và Chủ nhật, Thứ Hai vì thiếu nhân viên. Cô cũng tăng lương cho nhân viên khoảng 1,5 USD lên 14,50 USD/giờ nhưng không đủ khả năng để nâng mức lương lên cao hơn nữa. Do đó, mức giá của thực đơn cũng tăng cao hơn. Colangelo chia sẻ cô dự đoán nhiều người rời khỏi ngành dịch vụ sẽ không quay trở lại và đây là điều bình thường mới của lĩnh vực này.
Tham khảo Wall Street Journal
Xem thêm: nhc.95932436151011202-uad-id-ad-oh-tam-neib-gnod-oal-ueirt-4-noh-neik-gnuhc-cul-tab-ym/nv.fefac