Con số trên được Uỷ viên lực lượng cảnh sát Hong Kong, ông Raymond Siu Chak-yee, đánh giá là "rất đáng báo động", tại buổi ra mắt Chiến dịch bảo vệ trẻ em, hôm 10/10.
Trong 780 vụ bạo hành, lạm dụng trẻ em ghi nhận tại đặc khu trong 8 tháng đầu năm 2021, có khoảng 30% là các vụ lạm dụng tình dục. Phần lớn xảy ra ở những nơi công cộng, liên quan đến việc trẻ em được ra ngoài nhiều hơn, mọi hoạt động dần trở về trạng thái bình thường sau thời gian giãn cách xã hội.
Số vụ lạm dụng trẻ em xảy ra tại các môi trường vốn được coi là "an toàn cho trẻ" như trường học, bệnh viện hoặc tại cơ quan phúc lợi xã hội đã tăng lên 54% trong nửa đầu năm nay, so với 45% trong cùng kỳ năm 2020.
Ở nhà nhiều do dịch bệnh cũng dẫn đến việc nhiều thanh thiếu niên kết bạn qua mạng nhiều hơn, xác suất sa vào "bẫy" của những kẻ có ý đồ lạm dụng tình dục cũng cao hơn, báo cáo nêu.
Vấn đề bạo hành trẻ em trong gia đình cũng gia tăng. Giám đốc một tổ chức nghiên cứu tội phạm cho rằng trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh, đối mặt với những căng thẳng liên quan tài chính hoặc công việc, nhiều phụ huynh không thể kiểm soát cảm xúc. Họ đã dùng bạo lực để giải quyết vấn đề với con. "Phần lớn họ lần đầu làm vậy với con, nhưng nếu bỏ qua, nó là vết trượt. Bạo lực có thể gia tăng theo thời gian", vị này nói.
Bernard Chan, Chủ tịch Hội đồng Dịch vụ Xã hội Hong Kong, lưu ý rằng nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ em đã nảy sinh khi Covid-19 xuất hiện. "Đó không chỉ là vấn đề ở Hong Kong mà còn quy mô toàn cầu", ông nói.
Cuối tháng 9, Ủy ban Cải cách Luật pháp Hong Kong đề xuất tội danh mới "Không bảo vệ trẻ em" để trừng phạt những người chứng kiến hoặc biết về hành vi phạm tội của người khác với trẻ em mà không tố giác, khai báo. Án tù nặng nhất có thể lên tới 20 năm kèm hình phạt tiền mặt.
Hải Thư (Theo SCMP)
Xem thêm: lmth.5522734-ioh-ax-hcac-naig-gnol-ion-uas-gnat-me-ert-cud-hnit-gnud-mal/ten.sserpxenv