vĐồng tin tức tài chính 365

Lạm phát dâng lên khắp thế giới

2021-10-16 15:53

Ngân hàng trung ương Chile giữa tuần này đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên 2,75%. Động thái khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên vì đây là mức tăng lãi suất lớn nhất trong 20 năm.

Sandra Valenzuela, 46 tuổi, sống ở Santiago, đã bị mất việc nhân viên bán hàng vào năm ngoái. Gia đình cô đã cắt giảm việc ăn thịt vì giá quá đắt. Họ cũng mua các loại hàng hóa khác có thương hiệu rẻ hơn. "Chúng tôi phải thích ứng với nền kinh tế", cô nói.

Tăng giá hàng hóa leo thang nhanh hơn trên toàn thế giới vào tháng 3, đưa tỷ lệ lạm phát cao hơn mức dự kiến của hầu hết ngân hàng trung ương. Vào tháng 8, tỷ lệ lạm phát hàng năm của G20 - chiếm khoảng bốn phần năm sản lượng kinh tế của thế giới - đã tăng lên mức cao trong một thập kỷ.

Tình hình lạm phát tại Mỹ (xanh dương), Eurozone (xám), G20 (Cam) và Brazil (xanh lá). Nguồn: WSJ

Tình hình lạm phát tại Mỹ (xanh dương), Eurozone (xám), G20 (Cam) và Brazil (xanh lá). Nguồn: WSJ

Lạm phát đang được thúc đẩy bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố mà một số ngân hàng trung ương từng chứng kiến trước đây. Nhu cầu tiêu dùng đã phục hồi sớm và mạnh hơn nhiều so với diễn biến thường thấy sau một cuộc suy thoái kinh tế. Trong khi đó, nguồn cung phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu.

Vì nghĩ rằng tiến trình phục hồi sẽ nhẹ nhàng và mất thời gian hơn, ít nhà sản xuất đã quyết định tăng thêm công suất trong đại dịch. Chưa kể, các nhà máy và nhiều bộ phận của mạng lưới giao thông toàn cầu còn bị cản trở bởi các hạn chế của chính phủ về hoạt động và di chuyển.

Lãnh đạo các ngân hàng trung ương của G20 đã gặp nhau hôm thứ tư (13/10) tại Washington DC. Họ dự báo cung và cầu sẽ cân bằng trong những tháng tới và tỷ lệ lạm phát sẽ giảm bớt. Nhưng một số trong đó đã quyết định tăng lãi suất từ trước, đáng chú ý nhất là Brazil và Nga.

Và khi lạm phát tiếp tục tăng và chưa có điểm kết thúc rõ ràng, các ngân hàng trung ương khác cũng có động thái tương tự. Trong số 38 ngân hàng trung ương mà Ngân hàng Thanh toán Quốc tế theo dõi, có 13 ngân hàng đã tăng lãi suất cơ bản ít nhất một lần.

Vào tháng 10, các ngân hàng trung ương của New Zealand, Ba Lan và Romania đã tăng chi phí đi vay lần đầu tiên kể từ khi đại dịch xảy ra. Singapore, quốc gia thắt chặt chính sách bằng cách thúc đẩy tỷ giá hối đoái lên cao hơn, cũng đã tăng lãi suất vào thứ năm (14/10).

Với tất cả ngân hàng trung ương, nỗi lo lớn là lạm phát gia tăng khi các hộ gia đình bắt đầu tính đến kỳ vọng rằng lạm phát nhanh hơn nên tiếp tục mặc cả tiền lương và các doanh nghiệp cũng đưa ra giả định tương tự khi họ định giá. Những nơi từng trải qua những đợt lạm phát lớn sẽ gặp rủi ro này nhiều hơn.

Theo Bhanu Baweja, Chiến lược gia trưởng tại UBS Research, các thị trường mới nổi sẽ có nguy cơ lạm phát tăng cao hơn nhiều. Ví dụ, hầu hết mọi quốc gia ở Nam Mỹ đều đã trải qua một thời kỳ lạm phát rất cao trong trí nhớ của người dân. Giá cả nơi đây tiếp tục tăng khi số ca nhiễm giảm. Nếu không được tăng lương phù hợp, nhiều gia đình sẽ lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính.

Giống như Chile, Colombia và Peru cũng đang chứng kiến giá cả tăng cao sau nhiều năm kiểm soát lạm phát. Ngân hàng trung ương ở hai nước này đã thắt chặt chính sách tiền tệ khi các hộ gia đình phải vật lộn để kiếm sống.

Peru, một trong những quốc gia có nền kinh tế suy giảm lớn nhất Mỹ Latinh năm 2020, đang vật lộn với mức tăng giá tiêu dùng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất tham chiếu kể từ tháng 8, bao gồm mức tăng 0,5 điểm phần trăm trong tháng 10, lên 1,5%. Lạm phát của Peru đạt 5,2% trong tháng 9 vừa qua.

Hầu hết ngân hàng trung ương hiện đại đều có kinh nghiệm ứng phó với lạm phát vì đã từng trải qua cuộc chiến chống lạm phát cao từng xảy ra ở các nước giàu những năm 1970. Bài học quan trọng mà họ rút ra từ thời kỳ đó là khi tiền lương tăng rất nhanh để phù hợp với lạm phát, thì giá cả sẽ tăng mạnh hơn nữa, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Ngày nay, ở một số quốc gia, rủi ro về vòng xoáy tiền lương và giá cả sẽ lớn hơn các rủi ro khác, khi họ ít có khả năng tuyển thêm được người để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Trung Âu là trường hợp như vậy, nơi một số ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong những tháng gần đây.

Do tỷ lệ sinh thấp và người dân di cư sang Tây Âu nên lao động ở Trung Âu bị suy giảm. Theo dự đoán từ cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu, dân số Ba Lan có thể giảm hơn 1/5 vào năm 2100. "Trung và Đông Âu là một trong những khu vực mà chúng tôi nghĩ rằng nguy cơ lạm phát cao hơn kéo dài trong vài năm tới là lớn nhất", Liam Peach, Nhà kinh tế tại Capital Economics, nói.

Một cửa hàng tạp hóa ở Paris, Pháp. Ảnh: Bloomberg

Một cửa hàng tạp hóa ở Paris, Pháp. Ảnh: Bloomberg

Đối với các nhà hoạch định chính sách tại Fed và ECB, mối đe dọa về vòng xoáy tiền lương và giá cả dường như thấp hơn. Họ cho rằng ký ức về một thời gian dài lạm phát thấp mới là nguyên nhân củng cố kỳ vọng của các hộ gia đình rằng giá sẽ tăng. Quan điểm đó gần đây đã bị nghi ngờ bởi các nhà kinh tế, bao gồm cả nhà kinh tế của Fed, Jeremy Rudd, người lập luận rằng không có bằng chứng thấy kỳ vọng như vậy sẽ thúc đẩy lạm phát tăng.

Giá thực phẩm và năng lượng tăng cũng đã đẩy lạm phát lên ở phần lớn các nước châu Phi cận Sahara. Ngân hàng trung ương Ethiopia vào tháng 8 đã tăng tỷ lệ cho vay đối với các ngân hàng thương mại từ 13% lên 16%, và tăng gấp đôi yêu cầu về tỷ lệ dự trữ tiền mặt đối với các ngân hàng thương mại, lên 10%.

Nguyên nhân là lạm phát ở nước này đã tăng lên 30% vào tháng 9, từ mức 26,4% của tháng trước, do sự kết hợp của hạn chế các tuyến thương mại và nạn dịch châu chấu làm giảm sản lượng lương thực.

Với hầu hết các nước châu Á, các ngân hàng trung ương vẫn thận trọng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm vì sợ làm suy yếu sự phục hồi kinh tế. Các nhà sản xuất Trung Quốc cho đến nay vẫn phải chấp nhận giá hàng hóa tăng cao, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

Lạm phát sản xuất của Trung Quốc đã tăng 10,7% trong tháng 9, mức cao nhất trong hơn hai thập niên qua, phần lớn là do giá than cao hơn. Lạm phát tiêu dùng của nước này tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 3%. Phát biểu tại diễn đàn G20 hôm thứ tư, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Dịch Cương, cho biết lạm phát của nước này nói chung là "nhẹ".

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuần này đã sa thải ba quan chức ngân hàng trung ương hàng đầu. Ông đã yêu cầu giảm lãi suất để khuyến khích tăng trưởng kinh tế, làm dấy lên lo ngại từ các nhà đầu tư rằng động thái trên sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát. Lạm phát hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 19,58% vào tháng 9, mức cao nhất trong 2 năm rưỡi.

Ở những nơi khác, các chính phủ đang sử dụng các biện pháp phổ biến trong những năm 1970. Hôm 13/10, Bộ trưởng Thương mại Argentina, Roberto Feletti, đã công bố mức giá cố định trong 90 ngày đối với 1.247 hàng hóa trong bối cảnh lo ngại về giá thực phẩm tăng. "Chúng ta cần ngăn giá lương thực ăn mòn tiền lương", ông nói.

Phiên An (theo WSJ)

Xem thêm: lmth.3662734-ioig-eht-pahk-nel-gnad-tahp-mal/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lạm phát dâng lên khắp thế giới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools