Giá sàn triệt tiêu giá rẻ
Dù nhận được nhiều ý kiến phản đối từ lần đề xuất đầu tiên (năm 2017) nhưng vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã tiếp tục trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, trong đó đề xuất áp giá sàn 320.000 đồng/chiều.
Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) từng ít nhất hai lần đề xuất áp giá sàn vé máy bay trên các chặng nội địa nhưng đều nhận ngay phản ứng từ nhiều phía bởi đề xuất này đi ngược với sự cạnh tranh của thị trường, triệt tiêu loại hình vé máy bay giá rẻ, vé không đồng, gây bất lợi cho hành khách, cản trở sự phát triển của ngành du lịch.
Đề xuất này càng không phù hợp khi hiện tại, phần đông người tiêu dùng đang gặp khó khăn, các hãng hàng không giá rẻ, các doanh nghiệp du lịch cũng kiệt quệ sau nhiều tháng giãn cách xã hội, cần khuyến mãi giá vé để phục hồi nhanh hơn. Cách đây ít ngày, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT xem xét, chỉ đạo xử lý.
Các chuyên gia cho rằng nếu áp dụng giá sàn vé máy bay, sẽ không còn loại hình vé giá rẻ, vé 0 đồng, làm giảm cơ hội đi máy bay của người có thu nhập thấp - ẢNH: Q.THÁI |
Cục HKVN lý giải, việc đề xuất áp giá sàn vé máy bay như một “chính sách mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19”; khung giá được đề xuất cũng sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không trong nước; xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm có máy điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.
VietJet Air và Vietravel Airlines đều không đồng tình vì cho rằng, giá sàn gây bất lợi cho khách hàng và chính hãng bay. Theo đại diện Vietravel Airlines, trong thời điểm rất cần phục hồi kinh tế như hiện nay, việc áp giá sàn sẽ khiến giá vé máy bay tăng lên, không còn những loại hình kích cầu như “vé 0 đồng”, sẽ làm giảm mạnh nhu cầu đi lại, giao thương, nhất là trong bối cảnh đại đa số người dân bị giảm thu nhập do giãn cách xã hội.
Đại diện VietJet Air cũng cho rằng, việc quy định mức giá tối thiểu sẽ tác động tiêu cực đến nhiều bộ phận người tiêu dùng, nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, làm mất đi sức cạnh tranh và động lực phát triển của ngành hàng không.
Lợi bất cập hại
Vietnam Airlines là hãng bay rất tích cực đề xuất áp giá sàn vì cho rằng sẽ góp phần tác động đến an toàn bay. Hãng dẫn chứng, tại Indonesia, một vài hãng bay hạ giá vé đã bị một số nước cấm vận và đã có nhiều tai nạn hàng không xảy ra. Sau đó, nước này đã đưa ra chính sách giá vé không quá thấp để đảm bảo an toàn hàng không.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Hồng Nga - Trưởng bộ môn Kinh tế học, Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng, việc áp dụng giá sàn không tốt cho các hãng hàng không giá rẻ. Việc viện dẫn lý do định giá sàn để “giải cứu” doanh thu của ngành hàng không là không hợp lý, đi ngược với khái niệm, bản chất kinh tế thị trường, làm giảm sức cạnh tranh của ngành, gây thiệt hại cho hành khách.
Giá sàn là giá do Nhà nước đề xuất nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất yếu thế, người dân hay các doanh nghiệp. Chẳng hạn, Nhà nước sẽ ấn định mức giá sàn khi có tình trạng “được mùa mất giá”, thu nhập của nông dân bấp bênh, hoặc quy định mức lương tối thiểu để bảo đảm mức sống tối thiểu cho hàng triệu người làm công ăn lương. Việc định giá sàn trong lĩnh vực hàng không có thể giúp hãng hàng không tăng doanh thu từ những đối tượng hành khách phải di chuyển nhiều bằng máy bay như doanh nhân, người có thu nhập cao nhưng lại làm giảm lượng hành khách đang chiếm đa số, đó là người có thu nhập trung bình và thấp.
Theo quy luật cung cầu, nếu áp dụng giá sàn thì cầu về vé máy bay sẽ giảm. Hơn nữa, trong tình trạng thu nhập bình quân của người lao động đang giảm sút thì nhu cầu đi lại bằng máy bay sẽ giảm sâu. Điều này khiến cầu của các ngành liên quan nhiều đến hàng không như du lịch, ẩm thực, khách sạn, nhà hàng, giải trí… cũng giảm theo, trong khi lại đẩy giá hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không tăng lên, các gói kích cầu du lịch sẽ kém hiệu quả. Lúc này, các dịch vụ nói chung nên giảm giá để kích cầu chứ không nên làm ngược lại.
“Hiện nay, thị trường hàng không đã có phân khúc giá cao dành cho khách hàng khá giả, doanh nhân và giá rẻ cho giới bình dân. Nếu Nhà nước áp dụng giá sàn thì phân khúc giá rẻ có thể bị triệt tiêu” - PGS-TS Nguyễn Hồng Nga nói.
Theo ước tính sơ bộ của chuyên gia này, việc áp giá sàn sẽ khiến vé máy bay tăng giá bình quân khoảng 30 - 40% và có thể làm giảm hơn 50% nhu cầu dùng dịch vụ hàng không. Đó là chưa kể tới ảnh hưởng dây chuyền của nó đến lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực liên quan.
Một số nhà chuyên môn cho rằng, việc áp giá sàn không phải là giải pháp tối ưu để cứu doanh thu của ngành hàng không. Thay vào đó, có nhiều giải pháp hữu hiệu hơn, chẳng hạn như Nhà nước ban hành các chính sách cho vay ưu đãi, giảm thuế; các hãng hàng không quản trị tốt quỹ dự phòng để ứng phó với rủi ro về thị trường, thiên tai, dịch bệnh. Lý do áp giá sàn để tăng an toàn bay là không thuyết phục, bởi mức độ an toàn của máy bay là do công nghệ, thời tiết, trình độ phi công chứ không phải do giá vé.
Du lịch sẽ khó phục hồi Ông Phạm Quý Huy - Giám đốc Công ty Kiwi Travel - cho biết, giá tour được cấu thành từ giá vé máy bay, khách sạn, điểm đến, các loại thuế, phí khác đi kèm… Nếu áp giá sàn giá vé máy bay, giá tour sẽ tăng thêm từ 10%. Điều này chắc chắn gây khó khăn cho doanh nghiệp khi chào tour với khách hoặc thiết kế/điều chỉnh tour sau dịch COVID-19. Kiwi Travel hiện đang giữ cọc đặt chỗ của khách từ trước đợt dịch lần thứ tư và sẽ khôi phục khi du lịch được phép hoạt động. Nhưng nếu áp sàn giá, giá vé máy bay tăng, giá tour đã có từ trước sẽ thay đổi, công ty sẽ phải yêu cầu khách đóng thêm tiền chênh lệch, đó là việc rất không nên. Chẳng hạn, với những du khách đặt cọc tour đến Đà Nẵng, giá vé máy bay khứ hồi khoảng 2,6-2,7 triệu đồng, giá tour (bao gồm cả khách sạn, ăn uống…) tương đương giá vé máy bay, tổng giá tour khoảng 4-5 triệu đồng/khách, khách sẽ phải đóng thêm hàng triệu đồng. Nếu không muốn thu thêm của khách, doanh nghiệp du lịch sẽ phải thiết kế lại tour, thay thế các chương trình… thương lượng lại với khách. Ví dụ, trước đây khách đi từ TPHCM với thời gian hai ngày ba đêm, di chuyển bằng máy bay, có thể tăng thêm một ngày để di chuyển bằng đường bộ. Hoặc phải thương thảo lại với các bên cung ứng dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, điểm đến…) để xây dựng lại mức giá, rất rắc rối. “Sẽ rất khó để giải thích với du khách. Chúng tôi đang kỳ vọng sau dịch nhu cầu khách du lịch tăng cao, không chỉ du lịch mà nhiều người cần phải di chuyển, hội họp, công tác… Áp giá sàn vé máy bay chẳng khác gì ngăn cản du lịch phục hồi”, ông Phạm Quý Huy nói. Ông Hoàng Đức Huy - CEO Vitamin Tour - cho rằng chuyện áp giá sàn vé máy bay hiện nay đối với các doanh nghiệp du lịch chẳng khác nào là “cú đánh vào người đang bệnh”. Điều này đi ngược lại với sự phát triển của kinh tế thị trường, nhất là các ngành du lịch, vận tải… đang rất cần động lực để hồi phục. Giá vé máy bay tăng có thể làm mất sức cạnh tranh của các tour nội địa. Nếu giá tour từ TP.HCM ra miền Bắc, miền Trung tăng do giá vé máy bay tăng, lên tương đương, thậm chí đắt hơn giá tour đi Thái Lan hay Singapore thì rất nhiều người sẽ chọn đi du lịch nước ngoài. |
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.7438441a-cuhp-teyuht-ueiht-av-yl-poh-gnohk-yab-yam-ev-nas-aig-pa/nv.moc.enilnounuhp.www