Thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến tích cực trong tuần từ 11 – 15/10. Chỉ số chính VN-Index có tuần thứ hai liên tiếp tăng điểm với thanh khoản cũng được cải thiện. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 19,97 điểm (+1,5%) lên 1.392,7 điểm; HNX-Index tăng 12,92 điểm (+3,5%) lên 384,84 điểm.
Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với khoảng 24.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 8,5% lên 107.995 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 9,8% lên gần 3,7 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 3,1% xuống 12.810 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 7,3% xuống 564 triệu cổ phiếu.
Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng trong tuần qua. Trong đó, nhóm bất động sản vẫn hút được dòng tiền tốt. Thống kê 122 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường thì trong tuần qua có đến 91 mã tăng giá, trong khi chỉ có vỏn vẹn 27 mã giảm.
Cổ phiếu HRB của CTCP Harec Đầu tư và Thương mại tăng mạnh nhất nhóm bất động sản với 60%. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này luôn duy trì ở mức rất thấp và thường xuyên không có giao dịch. Trong tuần vừa qua, HRB chỉ khớp lệnh với khối lượng khiêm tốn trong 2 phiên 11 và 12/10.
Cổ phiếu KSF của Tập đoàn KSFinance tiếp tục có một tuần giao dịch tích cực khi tăng 29,73%. Dù có sự điều chỉnh nhất định ở phiên thứ 6, nhưng cổ phiếu này vẫn kết thúc tuần ở mức 73.300 đồng/cp, tương ứng gấp đôi so với giá tham chiếu chào sàn HNX hôm 6/10 là 36.000 đồng/cp.
Bên cạnh đó, hàng loạt các cổ phiếu có yếu tố thị trường cao (thanh khoản cao) đều biến động tích cực như PVL của CTCP Đầu tư Nhà Đất Việt, HAR của CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền, BII của CTCP Louis Land…
Đáng kể nhất trong số này là trường hợp của BII, cổ phiếu này sau khoảng thời gian lao dốc một mạch từ 30.800 đồng/cp (20/9) xuống còn 12.300 đồng/cp (11/10) đã có sự hồi phục trở lại. Tính riêng trong tuần từ 11 – 15/10, BII đã tăng 24%. Theo kết quả kinh doanh mới được công bố, Louis Land ghi nhận doanh thu thuần trên 208 tỷ đồng trong quý III/2021, tăng đột biến so với mức doanh thu 1,4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, công ty lỗ gộp 1,2 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế đại hơn tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 1,5 tỷ đồng do hoàn nhập chi phí quản lý và hoàn nhập thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại. Đơn vị lý giải, trong kỳ đã thực hiện hoàn nhập dự phòng phải thu và giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại đối với khoản đầu tư vào Công ty TNHH MTV Bất động sản Bình Thuận. Louis Land đã bán công ty này cho đối tác với giá 6,25 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu 367,6 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 1,36 tỷ cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 38 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 55 tỷ đồng. Doanh nghiệp thực hiện 46% kế hoạch doanh thu và vượt 5,5% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm.
Mới đây, CTCP Louis Capital (TGG) vừa mua thêm trên 1,3 triệu cổ phiếu BII. Qua đó, TGG nâng sở hữu tại BII lên 3,4 triệu cổ phiếu, tương đương 5,9% vốn và trở thành cổ đông lớn tại BII từ 5/10/2021.
Một cổ phiếu khác cũng liên quan đến “hệ sinh thái Louis” là TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) cũng hồi phục và có mức tăng hơn 6% trong tuần qua. Theo công bố hồi đầu tuần, CTCP Louis Land mua vào thêm 5,8 triệu cổ phiếu TDH, nâng sở hữu lên 11,3 triệu đơn vị, tương ứng 10,07% vốn. Ước tính chỉ trong vòng 1 tuần, BII đã mua vào tổng cộng khoảng 7,3 triệu cổ phiếu TDH.
Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 cổ phiếu bất động sản giảm trên 10% là HPI của CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước, NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy và HIZ của CTCP Khu công nghiệp Hố Nai. Trong số này chỉ có NBB là mã thanh khoản tốt. Trong tuần, NBB giảm từ 41.750 đồng/cp xuống 37.000 đồng/cp, tương ứng mức giảm 11,4%. Công ty này vừa thông qua kế hoạch dùng cổ phiếu quỹ chia cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, công ty dự kiến chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn cổ phiếu quỹ, tỷ lệ 25:7, tương ứng cổ đông sở hữu 25 cổ phiếu sẽ nhận thêm 7 cổ phiếu mới. Hiện, NBB đang sở hữu 22,2 triệu cổ phiếu quỹ. Nếu phát hành thành công, Công ty sẽ còn 315.763 cổ phiếu quỹ. Thời gian dự kiến thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày được UBCKNN chấp thuận.
Trong số 7 cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn nhất chỉ có VHM của CTCP Vinhomes và NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) giảm giá với mức giảm lần lượt 1,5% và 2,4%. Trong khi đó, VIC của Tập đoàn Vingroup tăng 3,7% ở tuần qua. Tương tự, VRE của CTCP Vincom Retail cũng tăng 4,6%, PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt tăng hơn 4,9%.
Theo báo cáo chiến lược quý IV của Chứng khoán Dầu khí (PSI), đơn vị này cho rằng Thị trường BĐS nhà ở sẽ hồi phục tích cực trong quý IV/2021 sau khoảng thời gian giãn cách kéo dài trong quý III/2021. Theo đó, PSI cho biết lãi suất cho vay bất động sản vẫn sẽ tiếp tục duy trì ổn định, nhằm kích cầu nhu cầu, nhất là sau khoảng thời gian khó khăn trong quý III/2021. Bên cạnh đó, một động lực lớn cho thị trường BĐS đến từ việc Chính phủ đang có các động thái quyết liệt hơn thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế hồi phục, ví dụ như Chỉ thị 01/CT – BXD ngày 09/07/2021 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.
Theo PSI, giá bán căn hộ, được dự báo tiếp tục tăng hoặc sẽ giữ ở mức cao khi nguồn cung đang không đủ đáp ứng với nhu cầu thực tế. Giao dịch bất động sản sẽ tích cực trong khoảng thời gian quý IV/2021, (1) khi tiến độ tiêm vaccine đang được đẩy mạnh; (2) nguồn cung mới có thể được chào bán mạnh mẽ sau khoảng thời gian đóng băng kéo dài do giãn cách để chống dịch Covid-19; (3) Lượng giao dịch chung cư, đất nền được dự báo tăng 5-15% trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Còn về bất động sản khu công nghiệp, báo cáo của PSI cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều dự án khu công nghiệp trên cả nước được phê duyệt với quy mô hàng nghìn hecta nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp trong tương lai. Tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp của cả nước tăng cao, luôn duy trì ở mức bình quân trên 75%. Một số địa phương có tỷ lệ lấp đầy rất cao. Tại khu vực phía Bắc là Hà Nội với tỷ lệ 90%, Bắc Ninh 95%; phía Nam có Bình Dương với tỉ lệ lấp đầy lên đến khoảng 99%.
Công ty chứng khoán này cho biết khúc bất động sản Khu công nghiệp sẽ tích cực hơn trong quý IV/2021 khi mà tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh sẽ giúp nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy của bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng, trong bối cảnh Việt Nam đang là nơi có chi phí vận hành thấp nhất trong bảng xếp hạng của 54 thị trường tại 21 quốc gia với chi phí nhân công và năng lượng đều ở mức thấp (theo Savills)./.
Xem thêm: lmth.26470000042210202-hcid-oaig-naut-tom-uas-ihc-02-nert-gnat-sdb-am-ueihn/nv.semitaer