Chiếc xe kéo vợ chồng anh Lợi dùng về quê
"Người được nhận xe dù có trở lại thành phố đi làm hay quyết định ở quê thì chiếc xe cũng sẽ là một tài sản, là hành trang mưu sinh và nhắc nhớ nhau về sự quan tâm và chia sẻ giữa người với người lúc khó khăn" - thầy Phan Thanh Tin, giảng viên Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng, trưởng nhóm sửa xe ở đầu hầm Hải Vân, chia sẻ.
Tặng xe mới, giao tận quê
Là một trong những đội sửa xe tình nguyện bám chốt hai bên đèo Hải Vân, thầy Tin cho biết nhóm của thầy được giao nhiệm vụ kiểm tra, đề xuất tặng xe cũ cho người về quê. "Chỉ riêng nhóm của tôi đã "duyệt" được khoảng 20 chiếc xe máy, giúp những chuyến hành trình an toàn tới quê nhà. Ngoài ra hàng chục xe máy đã được chính quyền, công an, các tổ chức tặng tới tay bà con" - thầy Tin nói.
Thầy Tin kể sẽ nhớ mãi câu chuyện của một cặp vợ chồng từ TP.HCM đi về Thái Bình. Đó là anh Lương Đức Lợi (40 tuổi) và vợ là chị Trần Thị Liễu (39 tuổi) cùng hai đứa con nhỏ 5 tuổi và 1,5 tuổi về quê trên chiếc xe máy kéo tự chế.
Gần tối 11-10, sau hai ngày chở vợ con từ TP.HCM thì xe của anh Lợi về tới chốt kiểm dịch tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, anh Lợi khai báo y tế và cho biết đã dùng chiếc xe này chở vợ con từ phòng trọ tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức về quê. Anh Lợi nói hai vợ chồng anh đẩy xe đi bán trái cây, cả hai đứa con đều bị bệnh nên mấy năm nay họ sống bằng sự cưu mang của chính quyền, bà con.
"Đợt dịch trước tôi cũng tính đưa vợ con về rồi nhưng cán bộ phường không cấp giấy tờ, họ bảo con tôi bị bệnh nặng như thế về sẽ rất nguy hiểm. Cứ ở lại đó phường sẽ trợ cấp. Tôi đành ở lại và suốt ba tháng qua mọi thứ ăn uống, thuốc thang đều được phường huy động các nguồn để giúp đỡ tôi. Riêng tiền thuốc cho đứa con út của tôi tháng nào cũng hơn 3 triệu đồng, ba tháng nay mất việc làm nên phường đã hỗ trợ khoản này" - anh Lợi kể.
Anh Lợi cho biết khi TP Thủ Đức mở cửa trở lại thì vợ chồng anh quyết định bán cặp nhẫn cưới được 1,6 triệu đồng. Số tiền này dành để sửa sang lại chiếc xe vẫn dùng đi bán trái cây, một ít thì làm lộ phí. "Chính quyền phường Hiệp Bình Phước xuống khuyên bảo ở lại, họ sẽ tìm cách hỗ trợ nhưng tôi quyết định về vì ở lại cũng chưa dám đi bán trái cây đâu" - anh Lợi nói.
Khi dừng ở Quảng Ngãi, nhóm tình nguyện viên tại đây đã yêu cầu anh bỏ xe ba gác lại, đưa ôtô đón ra tới Đà Nẵng. Tại đây, người dân Đà Nẵng đã đón sẵn và trao tặng vợ chồng anh một xe máy mới. Sáng 15-10, liên lạc với chúng tôi qua điện thoại, anh Lợi cho biết gia đình vẫn đang cách ly tại quê nhà.
"Tôi không nhớ họ của người tặng xe vì lúc đó đông người quá, chỉ biết người ấy tên Hùng. Vợ chồng tôi được đưa lên xe khách, chiếc xe máy mới được bỏ dưới gầm xe. Xúc động lắm!" - anh Lợi kể.
Chiếc xe mới được chở theo cả gia đình về đến quê - Ảnh: B.D.
Chúng tôi không biết có ai đó về quê mà giả đóng hoàn cảnh để được tặng xe không nhưng thật sự có nhiều bà con dù khổ, nét mặt hiện lên hết sự lam lũ nhưng họ không bỗng dưng nhận hỗ trợ này. Đa phần bà con nếu xe còn sửa được thì họ sẽ yêu cầu sửa, xe nào rạc quá không lê bánh nổi nữa bà con mới đồng ý đổi.
Thầy Tin nói
Muốn tặng xe, không dễ
Khi thấy nhiều người phải về quê trên những chiếc xe máy cũ kỹ, người dân Đà Nẵng thông qua các nhóm tình nguyện viên trực chốt ở hai bên đèo Hải Vân đã gom góp tiền để gửi tặng người đi đường những chiếc xe máy mới. Một đội sửa xe trực ở hầm xem xét tình trạng xe và quyết định hỗ trợ sẽ gửi đến các nhóm thiện nguyện, từ đó những chiếc xe mới được xuất kho, lắp đặt hoàn thiện và chở đến nơi trao tận tay người nhận.
Có được chiếc xe máy mới là một niềm mơ ước nhưng không phải ai cũng sẵn sàng nhận sự trợ giúp. Trong màn mưa dày đặc trưa 6-10, một cặp vợ chồng người Mông quê ở Hà Giang cùng đoàn hồi hương được CSGT dẫn từ hướng Quảng Nam về khu vực hầm Hải Vân. Khi tới nơi, chiếc xe máy của vợ chồng này gần như nhão vụn, hộp xích đã rơi rớt trên đường, bọc nhựa bên ngoài tơi tả.
Người đàn ông Mông đưa xe tới và nói muốn sửa xe. Nhóm thợ do thầy Tin phụ trách dẫn xe vào gara dã chiến, mấy người săm soi toàn bộ những gì còn lại của xe máy này rồi lắc đầu: "Xe không sửa được nữa!".
Anh chàng người Mông vẻ không tin, cười và bảo rằng con xe đó chạy tốt, đã chở anh và vợ từ TP.HCM vượt ngàn cây số về đến Đà Nẵng. Khi nhóm tình nguyện viên ngỏ ý muốn tặng xe mới, người này nói ngay: "Mình không lấy đâu, mình thích sửa xe cũ hơn".
Một cán bộ công an mặc thường phục đứng gần đó cũng hiểu chuyện, giới thiệu mình là công an, giám sát việc tặng xe nên bà con có thể yên tâm. Dù thế anh chàng này vẫn nhất quyết từ chối. Sau chừng 10 phút, anh này bảo sẽ hỏi ý kiến vợ. Thật bất ngờ, người vợ của anh cũng không chịu nhận. "Nó không thích đâu, mình biết mà. Cái xe này còn tốt lắm, về quê mình leo núi rất khỏe" - anh chàng Mông nói.
Người xứng đáng được nhận quà đã từ chối nên nhóm tình nguyện viên đành sửa tạm, thay lốp xe cũ cho cặp vợ chồng Mông và dùng ôtô hộ tống họ qua bên kia chân đèo. Trước lúc rời đi, một cán bộ rút mấy tờ tiền trong túi mình rồi giúi vào nhưng một lần nữa tiếp tục bị anh này từ chối. Thấy vậy, một CSGT đứng gần đó lên tiếng thì người vợ của anh chàng Mông mới đồng ý nhận.
Thầy Tin cho biết câu chuyện của anh chàng Mông chỉ là một trong chừng vài chục trường hợp dù được tặng xe mới để về quê nhưng người đi đường nhất quyết không nhận.
Món quà tình nghĩa
Một người dân được “đổi” xe cũ lấy xe mới - Ảnh: B.D.
Không chỉ các nhóm tình nguyện viên, rất nhiều người từ phía Nam về quê khi đến Đà Nẵng những ngày qua đã được người dân, người đứng đầu Đà Nẵng tặng xe máy để về quê bình an. Bí thư Thành ủy, chủ tịch TP Đà Nẵng, Công đoàn, Hội chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên Đà Nẵng... cùng nhiều tổ chức đã vận động và lên cửa hầm Hải Vân để đón người về quê thăm hỏi, trao chìa khóa những chiếc xe máy mới.
Đại diện các nhóm tình nguyện viên cho biết người đi đường khi được nhận xe máy tặng thì đã đầy đủ giấy tờ kèm theo. Nếu là xe máy mới chỉ cần đem hồ sơ về địa phương để đăng ký cấp biển, còn xe máy cũ thì có giấy tờ kèm theo là giấy trao tặng của chủ sở hữu cũ. Bà con hoàn toàn yên tâm với những món quà tình nghĩa này.
TTO - Thất nghiệp do COVID-19, thanh niên quê Thanh Hóa đi bộ từ Quảng Ngãi về quê, khi đến Quảng Nam thì được người dân tặng cho một chiếc xe máy và ít tiền làm lộ phí.