Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: VGP
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ khi thực hiện quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, các địa phương không được quy định trái với quy định chung, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo trung ương.
Đánh giá về công tác phòng chống dịch trong đợt dịch lần thứ 4, Ban chỉ đạo cho hay đây là đợt dịch với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, nhóm sinh hoạt tôn giáo... các khu vực có mật độ dân cư cao làm số mắc tăng nhanh trong thời gian ngắn.
Dẫn tới số ca mắc và tử vong tăng cao, chiếm hơn 99% tổng số của 3 đợt dịch trước đó. Dịch bệnh đã được ghi nhận tại 62/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, kéo dài hơn 5 tháng nhưng đến nay tình hình cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số ca nhiễm mới và tử vong giảm rõ rệt.
Ban chỉ đạo cũng đánh giá, các biện pháp phòng chống dịch cơ bản là đúng hướng, kịp thời và hiệu quả. Bảo đảm an sinh xã hội, tiếp cận, truy vết, cách ly, chăm sóc y tế cho người dân được giải quyết ngay tại cơ sở với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.
Trong đó, nhiều biện pháp chuyên môn y tế chưa có tiền lệ như trạm y tế lưu động, cách ly F0, F1 tại nhà, xét nghiệm mẫu gộp, thiết lập trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến, phân tầng điều trị (mô hình tháp 3 tầng), điều trị người nhiễm tại nhà… giúp giảm tử vong và khủng hoảng y tế xã hội.
Gắn với đó là việc đẩy nhanh chiến lược vắc xin, tiếp nhận 92,5 triệu liều vắc xin và tiêm được hơn 61 triệu liều. Đến ngày 16-10, đã có 60,2% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và 24,7% đã tiêm đủ liều vắc xin.
Mặc dù đánh giá kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, song Ban chỉ đạo cũng đánh giá đợt dịch lần thứ 4 đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân.
Đồng thời ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân, nhất là người lao động, cộng đồng doanh nghiệp. Dịch bệnh tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong, nhất là tại TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam.
Đợt dịch lần này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trên một số lĩnh vực. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42%, quý 2-2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các địa phương trọng điểm kinh tế, ngân sách gặp khó khăn.
Người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, mất mát về người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần. Thu nhập, việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với người lao động tại các khu công nghiệp, ngành nghề dịch vụ. Tỉ lệ thất nghiệp riêng trong quý 3-2021 là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động 4,39%, cao nhất từ quý 1-2020 đến nay.
Ban chỉ đạo đã chỉ ra các hạn chế như trong thời gian đầu đợt dịch, công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động; chỉ đạo thực hiện một số biện pháp cụ thể có lúc nóng vội, thiếu nhất quán, công tác dự báo, quy định có lúc chưa sát thực tiễn.
Đặc biệt, một số biện pháp còn chưa sát với thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn và chưa tính hết nhu cầu của người dân, khả năng đáp ứng tại chỗ của chính quyền. Một số nơi chưa thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý cấp trên; chưa ứng xử thực sự đúng mực trong xử lý tình huống nảy sinh, gây bức xúc, thiếu thiện cảm của người dân với chính quyền.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, nguyên nhân là do còn tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc dịch đã đi qua; ngược lại, khi có dịch lại hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh dẫn đến áp dụng các biện pháp cực đoan, chưa phù hợp, thiếu thống nhất.
Trong khi năng lực phân tích đánh giá diễn biến dịch bệnh còn hạn chế, hệ thống y tế chưa đáp ứng năng lực phòng chống dịch, có địa phương chấp hành chưa nghiêm chỉ đạo của trung ương…
Không ban hành các biện pháp trái với quy định của trung ương
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban chỉ đạo nhấn mạnh đến việc tăng cường sự lãnh đạo, đoàn kết để làm tốt hơn công tác dự báo, năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Triển khai chiến lược tổng thể về phòng chống dịch, xây dựng lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19, nâng cao năng lực y tế, chiến lược vắc xin.
Hoàn thiện chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư, đào tạo nhân lực. Xã hội hóa công tác an sinh, khắc phục bất cập trong học trực tuyến, quan tâm chăm sóc sức khỏe, sang chấn tâm lý của người dân, chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập…
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh; không ban hành các biện pháp trái với quy định của trung ương, nhất là trong hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển bảo đảm an toàn, an ninh và các yêu cầu phòng, chống dịch.
TTO - Các cấp, các ngành, tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất.