Những triệu USD đầu tiên
Lớn lên tại Nam Phi, Elon Musk tự học lập trình và bán mã nguồn cho video game đầu tiên của mình với giá 500 USD khi mới 12 tuổi. Trước sinh nhật lần thứ 18, Musk chuyển tới Canada và làm nhiều công việc nặng nhọc như cắt gỗ, xúc hạt và vệ sinh lò hơi trong xưởng gỗ với thu nhập 18 USD/giờ - mức lương ấn tượng vào năm 1989.
Năm 1990, khi là sinh viên năm nhất Đại học Queens, Musk kiếm tiền bằng việc bán máy tính và phụ kiện cho các sinh viên khác. Hai năm sau, ông chuyển tới Đại học Pennsylvania với học bổng một phần. Để chi trả số học phí còn lại, ông cùng một người bạn biến căn nhà đi thuê của mình thành quán bar với giá vào cửa 5 USD/người.
Peter Thiel và Elon Musk chụp ảnh chung cho một bài viết về PayPal. Ảnh: AP
Musk có 2 bằng tốt nghiệp chuyên ngành vật lý và kinh tế của trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania và chuyển tới Stanford để học tiến sĩ. Tuy nhiên, ông bỏ dở chương trình tiến sĩ để cùng em trai thành lập startup phần mềm Zip2 với số tiền 28.000 USD vay từ cha của mình.
Năm 1999, họ bán lại Zip với giá 307 triệu USD, giúp Musk bỏ túi 22 triệu USD. Ông đầu tư một nửa số này để đồng sáng lập X.com - dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Công ty này nhanh chóng sáp nhập với đối thủ trở thành PayPal và Musk là cổ đông lớn nhất. Năm 2002, eBay mua lại PayPal và Musk ra đi với 180 triệu USD.
Đưa Tesla vượt qua bờ vực phá sản
Sau khi rời PayPal, Musk tập trung vào công ty thám hiểm không gian SpaceX. Vài năm sau đó, ông trở thành đồng sáng lập hãng xe điện Tesla. Đầu năm 2008, Tesla chứng kiến sự mâu thuẫn của những người sáng lập. Kết quả là hai nhà đồng sáng lập Martin Eberhard và Marc Tarpenning rời công ty. Đây cũng là thời điểm chiếc mui trần Tesla đầu tiên được giao cho Elon Musk và dây chuyền sản xuất dòng xe này được bắt đầu.
Tháng 10/2008, Elon Musk trở thành CEO của Tesla và sa thải 25% nhân viên. Thời điểm này, Tesla chỉ có 9 triệu USD tiền mặt trong tay và đối mặt với nguy cơ không thể giao được xe Roadster cho các khách hàng đặt trước. Tesla khi đó phải huy động 40 triệu USD bằng việc phát hành trái phiếu chuyển đổi để tránh bị phá sản và đạt được các mục tiêu sản lượng.
Elon Musk đã đưa Tesla vượt qua những thời điểm khó khăn. Ảnh: Reuters |
Năm 2010 đánh dấu bước tiến mới của Tesla khi trở thành hãng ôtô Mỹ đầu tiên niêm yết cổ phiếu kể từ sau thương vụ của Ford vào năm 1956. Cổ phiếu Tesla lên sàn Nasdaq với giá 17 USD/cổ phiếu, huy động được 226 triệu USD.
Trên Twitter, Elon Musk tiết lộ rằng Tesla cũng từng suýt phá sản thêm một lần nữa. “Có lúc công ty chỉ cách ngưỡng phá sản khoảng một tháng. Quá trình tăng sản xuất Model 3 đầy căng thẳng và đau đớn trong một thời gian dài, từ giữa năm 2017 đến giữa năm 2019", CEO Tesla tiết lộ.
Trong quãng thời gian này, Tesla thiếu tiền mặt nghiêm trọng vì kinh doanh lỗ. Công ty gặp nhiều cản trở trong việc hoàn thành các mục tiêu sản xuất dòng Model 3. Dù vậy, tính đến tháng 3 năm 2020, Model 3 đã trở thành dòng xe bán chạy nhất trong lịch sử Tesla với hơn 500.000 chiếc được giao đến tay khách hàng.
Kiếm được hơn 165 tỷ USD/năm nhờ cổ phiếu Tesla
Elon Musk và Tesla đã có một năm 2020 và những ngày đầu năm 2021 thật sự bùng nổ. Theo thống kê của Bloomberg đến ngày 7/1 - thời điểm Musk lần đầu vượt qua Jeff Bezos để giữ vị trí giàu nhất thế giới, tài sản của ông đã tăng thêm hơn 165 tỷ USD chỉ trong một năm. Góp phần lớn là đà tăng phi mã của cổ phiếu Tesla nhờ lợi nhuận ổn định, kỳ vọng của nhà đầu tư và việc mã này được đưa vào chỉ số S&P 500. Tính chung năm 2020, cổ phiếu Tesla tăng 743%, đưa hãng xe điện này trở thành nhà sản xuất ôtô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
Phần lớn tài sản của Elon Musk đến từ số cổ phần ông nắm giữ tại Tesla. Tuy nhiên Musk không nhận lương hay thưởng trực tiếp cho vai trò CEO mà ông đảm nhiệm. Theo thỏa thuận với các cổ đông năm 2018, ông sẽ nhận tổng cộng 20,3 triệu quyền chọn cổ phiếu cho đến năm 2028 nếu Tesla đạt các mục tiêu về kết quả kinh doanh và vốn hóa. Toàn bộ khoản thưởng của Musk sẽ đươc chia làm 12 đợt.
Phần lớn tài sản của Elon Musk đến từ số cổ phần ông nắm giữ tại Tesla. Ảnh: Reuters |
Kể từ đầu năm đến nay, tài sản của CEO Tesla đã tăng hơn 60 tỷ USD lên mức 230 tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú của Bloomberg. Với khối tài sản này, Musk hiện là người giàu nhất thế giới – nhiều hơn nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos gần 40 tỷ USD.
Bên cạnh Tesla, công ty vũ trụ SpaceX của của ông cũng vừa đạt mức định giá hơn 100 tỷ USD. SpaceX đã đạt thỏa thuận với các nhà đầu tư mới và hiện tại để bán số cổ phần trị giá 755 triệu USD từ nguồn nội bộ, với giá 560 USD/cổ phần. Nhờ đó, định giá công ty tăng 33% từ mức 74 tỷ USD hồi tháng 2 lên 100,3 tỷ USD.
Tỷ phú nổi tiếng “lập dị” cũng rót vốn vào Boring Company - công ty ông thành lập vào năm 2016 để phát triển và xây dựng đường hầm dưới Los Angeles nhằm giảm tải tắc nghẽn giao thông. Cuối năm 2018, công ty này ra mắt đường hầm thử nghiệm đầu tiên.
Bán hết biệt thự để ở nhà thuê
Elon Musk từng sở hữu nhiều biệt thự và bất động sản giá trị tại Mỹ. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm ngoái, ông tuyên bố sẽ bán hết nhà cửa và các tài sản hữu hình khác như một cách để chống lại những lời chỉ trích nhằm vào sự giàu có của mình. Chỉ trong vòng vài ngày sau đó, CEO Tesla đã rao bán 2 căn nhà ở California.
Tháng 6/2020, ông bán căn nhà đầu tiên tại đường Chalon, thành phố Los Angeles với giá 29 triệu USD. Ông mua căn nhà này với giá 17 triệu USD năm 2012.
Tháng 10 cùng năm, ông bán căn nhà phong cách nông trại rộng 350 m2 với giá 7 triệu USD. Đây là căn nhà ông mua với giá 6,75 triệu USD năm 2013. Tháng 12/2020, ông bán cùng lúc 4 căn nhà ở Bel Air với giá tổng cộng 61,89 triệu USD. Trong khoảng thời gian từ năm 2015 tới 2019, ông đã chi tổng cộng gần 55 triệu USD để mua 4 căn nhà này.
Tính chung trong hơn một năm qua, ông chủ Tesla đã thu lời 19,2 triệu USD từ việc bán 6 căn nhà ở bang California của mình.
Elon Musk đang rao bán dinh thự cuối cùng. Ảnh: Zillow |
Tháng 6 năm nay, tỷ phú giàu nhất thế giới tiếp tục rao bán căn nhà cuối cùng tại California với giá 37,5 triệu USD. Tuy nhiên, mới đây giá niêm yết đã được giảm xuống còn 31,99 triệu USD. Biệt thự của Musk tọa lạc trên đồi Hillsborough với 7 phòng ngủ, 10 phòng tắm. Được xây dựng lần đầu vào năm 1916, nơi đây còn có thư viện và phòng âm nhạc, cùng với một nhà bếp và hồ bơi riêng đã được tân trang lại hoàn toàn.
Trước đó, tỷ phú sinh năm 1971 cho biết, dinh thự đang được cho thuê để tổ chức sự kiện và nếu ông bán đi, dinh thự sẽ ít được sử dụng hơn, trừ khi nó được một gia đình lớn mua.
Thực tế, Elon Musk nhiều lần chia sẻ rằng có kế hoạch bán phần lớn tài sản, bao gồm tất cả các ngôi nhà, để tài trợ cho một dự án định cư trên sao Hỏa. Ông nói muốn đưa một triệu người lên sao Hỏa vào năm 2050.
Vị tỷ phú cho biết đã chuyển đến ở tại Texas vào năm ngoái và đang thuê một ngôi nhà có trị giá chỉ 50.000 USD ở Boca Chica. Mới đây, ông cũng thông báo chuyển trụ sở chính của Tesla từ California đến Texas.
Làm từ thiện ít hơn 1% tài sản
Trong bảng xếp hạng 400 người giàu nhất nước Mỹ năm 2021, Forbes đã chấm điểm từ thiện của các tỷ phú theo thang điểm từ 1 đến 5. Công thức được tính bằng phần trăm tổng số tiền họ cống hiến so với tổng số tài sản đang có. Nhóm được chấm 1 điểm là những tỷ phú cho đi ít hơn 1% của cải. Elon Musk cùng với ông chủ Amazon Jeff Bezos đều được chấm 1 điểm.
CEO Tesla không có nhiều dấu ấn trong hoạt động thiện nguyện. Quỹ từ thiện Musk Foundation được thành lập năm 2002, nhưng đến nay vẫn khá sơ sài. Toàn bộ website vỏn vẹn 33 từ và 5 gạch đầu dòng về những trường hợp mà Musk Foundation hỗ trợ. Theo Quartz, tỷ phú 50 tuổi đã đóng góp hơn 257 triệu USD cho Musk Foundation, trong đó 65 triệu USD đã được gửi đến 200 tổ chức phi lợi nhuận giai đoạn 2016 - 2018.
Linh Lam
NDH