Trên thế giới, các mã chứng khoán ngành điện đang được chú ý do các diễn biến tiêu cực của ngành điện tại Châu Âu và Trung Quốc. Vì vậy, nhiều chuyên gia tin rằng các cổ phiếu điện Việt Nam sẽ được quan tâm hơn và sẽ lấy lại vị thế trong thời gian tới.
Cụ thể, tình trạng thiếu điện trở nên trầm trọng trong tháng 9.2021 khi có 17/31 tỉnh/khu vực tại Trung Quốc đồng loạt bị cắt điện, trong đó gồm cả những thủ phủ sản xuất công nghiệp như tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông, Liêu Ninh...
Tại Châu Âu, giá điện ở Đức và Pháp đã lần lượt tăng 36% và 48% vào tháng 9. Thậm chí tại Anh còn tăng gấp đôi với 532 USD mỗi megawatt/giờ.
Theo giới phân tích, sản lượng điện khí sẽ tăng trở lại từ 2022 nhờ các hoạt động sản xuất phục hồi hậu COVID-19. Hơn nữa, hiện tượng El Nino có khả năng sẽ xảy ra và ảnh hưởng đến sản lượng của thuỷ điện, tạo điều kiện cho điện khí được huy động với mức sản lượng cao hơn.
Trở lại trong nước, một loạt siêu dự án trong chuỗi giá trị điện khí LNG đang được công bố, giúp loại hình điện này trở thành một phân khúc hứa hẹn trong tương lai.
Trong đó, POW, NT2 và các nhà phát triển hạ tầng điện khí như GAS sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.
Tổng sản lượng điện trong tháng 9 của PV Power đạt 403 triệu kWh, lũy kế 9 tháng đạt 12,2 tỉ kWh. Doanh thu ước tính trong tháng 9 đạt 869 tỉ đồng, lũy kế 9 tháng ước đạt 20,71 nghìn tỉ đồng.
Chốt phiên 15.10, cổ phiếu POW có giá 12.300 đồng/cổ phiếu.
Với GAS, tổng doanh thu 9 tháng năm 2021 ước đạt 58.417 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 7.869 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.220 tỉ đồng, đi ngang 9 tháng đầu năm ngoái.
GAS có đà tăng đáng ấn tượng từ giữa tháng 9 khi tăng gần 27%. Chốt phiên 15.10, GAS giao dịch ở mức 112.000 đồng/cổ phiếu.
Trên thế giới, xu hướng dòng vốn xanh ESG đang gia tăng đáng kể tại các thị trường mới nổi, trong đó có cả Việt Nam. Các yếu tố ESG bao gồm môi trường - E; xã hội - S; quản trị công ty - G.
Nhà phân tích Rahul Bhatia của Khối nghiên cứu toàn cầu HSBC nhận định, Việt Nam có tiềm năng tốt nhất để đóng góp năng lượng tái tạo trên toàn khu vực ASEAN, với các khoản đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này.
Vì thế, sự quan tâm sẽ đổ dồn tới các dự án năng lượng tái tạo với biểu giá điện hỗ trợ có ưu đãi hấp dẫn và các cổ phiếu phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo tạo gồm BCG và FCN.
Tập đoàn SP (công ty điện lực hàng đầu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương) và BCG Energy (công ty con của Bamboo Capital) đã thỏa thuận về việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cụ thể là điện mặt trời.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, BCG đạt 1.449 tỉ doanh thu, tăng 60% và hơn 478 tỉ lợi nhuận sau thuế, tăng cao gấp 18 lần cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, doanh nghiệp ghi nhận dòng tiền từ các dự án năng lượng tái tạo đã đóng điện thời điểm cuối năm 2020.
Cổ phiếu BCG đã tăng tới hơn 66% giá trị kể từ tháng 7. Kết phiên 15.10, mã này giao dịch ở giá 20.750 đồng/cổ phiếu.
Năng lượng sạch là một trong những mảng kinh doanh chiến lược mà Fecon đang đẩy mạnh phát triển. Công ty đã trúng thầu hàng loạt gói thầu lớn tại các dự án điện gió như dự án B&T Quảng Bình, dự án Thái Hòa, dự án Trà Vinh V1.3, dự án Lạc Hòa – Hòa Đông,…
Fecon dự kiến dành 340 tỉ đồng đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo và dự án hạ tầng đô thị trong năm 2021. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 1.220 tỉ đồng vào năm 2022.
Mã FCN có diễn biến khá mạnh trên thị trường từ đầu năm đến nay. Cổ phiếu này hiện có giá 15.650 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng rủi ro giảm giá với nhóm cổ phiếu ngành điện bao gồm: Tiêu thụ điện phục hồi chậm hơn dự đoán do dịch COVID-19; lưới điện truyền tải chưa đáp ứng các nguồn điện năng lượng tái tạo, dẫn tới cắt giảm công suất của loại hình điện này; tình trạng giá nhiên liệu đầu vào như than, khí gây áp lực ngắn hạn lên các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu này.
Xem thêm: odl.434469-iot-naig-ioht-toh-oab-ud-neid-hnagn-naohk-gnuhc-am-ncf-gcb-sag-wop/et-hnik/nv.gnodoal