Đã có rất nhiều kỳ vọng khi các nền kinh tế Mỹ, châu Âu bắt đầu dần trở lại nhịp sống, sản xuất, tiêu dùng như khi chưa có COVID-19. Các nước châu Á cũng dần dỡ bỏ hạn chế phòng dịch và từng bước khôi phục các hoạt động.
Tuy nhiên với những thách thức như chuỗi cung ứng vẫn chưa liền mạch, giá cả năng lượng, hàng hóa tăng cao... Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2021 của một số nước từ Mỹ, Nhật, các quốc gia thuộc G7, cho tới nhiều nước tại ASEAN.
Kinh tế Mỹ được điều chỉnh mạnh nhất, giảm 1 điểm từ 7% xuống còn 6%. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 0,1 điểm %. Tăng trưởng kinh tế nhóm ASEAN - 5 gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore dự báo đạt khoảng 2,9%, giảm 1,4 điểm % so với dự báo 3 tháng trước.
Sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu vẫn tiếp diễn nhưng không đồng đều ở mỗi nước. Điều này chủ yếu đến từ việc phân chia vaccine không công bằng và các chênh lệch lớn trong chính sách hỗ trợ ở từng nơi.
Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế cho hay: "Tại sao chúng ta nên quan tâm đến sự phân hóa về phục hồi giữa các nền kinh tế mới nổi và phát triển với phần còn lại của thế giới? Bởi nếu tình trạng còn kéo dài và càng mở rộng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ càng cao, do đó áp lực về giá cả, áp lực lên lạm phát sẽ càng cao".
Giá khí đốt tại châu Âu liên tục lập kỷ lục mới. Ảnh: Getty Images
Khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ từng bước ở nhiều quốc gia, nhu cầu tiêu dùng dần hồi phục. Sự gia tăng nhu cầu đang vượt quá khả năng đáp ứng của nguồn cung do hoạt động sản xuất chưa hoàn toàn trở lại như cũ.
Các ngân hàng Trung ương trên toàn cầu đã chi khoảng 10.400 tỷ USD để kích thích kinh tế, tạo sự hỗ trợ cần thiết trong thời điểm khó khăn. Nhưng sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng đẩy cao giá hàng hóa, cùng với giá năng lượng đang tăng và cung tiền lớn vào nền kinh tế, đang kéo theo nhiều lo ngại lạm phát, tạo hệ lụy cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
"Nhu cầu tăng trở lại, trong khi nguồn cung không thể phục hồi nhanh chóng và sự kết hợp đó đã dẫn đến mức lạm phát cao. Có một sự không chắc chắn rất lớn", bà Gita Gopinath - Nhà kinh tế trưởng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho hay.
Khi các quốc gia chống chọi với đại dịch họ nới lỏng chính sách tiền tệ, họ mở rộng chi tiêu tài khóa và kết quả là nợ trong khu vực doanh nghiệp, nợ giữa các Chính phủ và ở một số quốc gia, nợ của hộ gia đình đã tăng lên rất nhiều.
Ông David Malpass - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho hay: "Nợ ở các nước thu nhập thấp tăng 12%, lên tới 860 tỷ USD. Nhiều quốc gia đang lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có rủi ro cao. Chúng ta cần một cách tiếp cận mới toàn diện bao gồm giảm nợ, tái cơ cấu nhanh hơn và minh bạch hơn để đạt được tiến bộ trong vấn đề này".
Sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ còn nhiều thách thức khi các rủi ro bên lề có khả năng xuất hiện, bao gồm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây truyền nhanh hơn, cung cầu liên tục không khớp và áp lực về giá.
Các định chế tài chính lớn cũng lo ngại về thực trạng thị trường lao động ở các quốc gia tiếp tục khó khăn. Triển vọng hồi phục của kinh tế toàn cầu ở thời điểm này được đánh giá vẫn còn nhiều yếu tố chông chênh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.50972838171011202-ued-gnod-gnohk-uac-naot-nert-et-hnik-ioh-cuhp-us/et-hnik/nv.vtv