Sự “tiến hóa” của đường sắt Ý
Trước khi có sự thay đổi lớn vào năm 2008, Ý từng là một nước sở hữu những con tàu cũ kỹ, chậm chạp và thường xuyên trễ chuyến. Trả lời phỏng vấn CNN, ông Francesco Galiettim, CEO Policy Sonar, đã từng phải đi máy bay trong các chuyến công tác nội địa của mình.
Tuy nhiên, hiện nay ông chủ yếu sử dụng tàu cao tốc cho những chuyến đi này. Xu hướng này đang dần phổ biến với nhiều người tại Ý, bởi những chiếc tàu cao tốc của hai hãng đường sắt Trenitalia và Nuovo Trasporto Viaggiatori đã được đưa vào khai thác trong nhiều năm nay.
Số lượng khách du lịch sử dụng tàu hỏa đã tăng vọt từ 1,8 triệu trong năm 2008 lên 7,3 triệu vào năm 2018. Rome đến Florence và Venice là những tuyến du lịch phổ biến nhất, ngày xưa đều là một tuyến đường bay chính. Mổ vài nguyên do đã khiến đường sắt của Ý dần vươn đà phát triển hơn so với trước, thậm chí đánh bại cả được một hãng hàng không là bởi các yếu tố sau.
Hình ảnh một chuyến tàu cao tốc tại Ý của hãng Italo. Ảnh: CNN.
Đầu tiên, đi lại bằng đường sắt sẽ giúp bảo vệ môi trường. Carlo Barbante, Giám đốc Viện Khoa học Địa cực tại trường đại học Ca 'Foscari ở Venice, cho biết ông thường xuyên đến Rome và đi tàu Frecciarossa.
"Nó thuận tiện hơn cho mọi thứ. Trước hết, tôi thích lượng khí thải carbon, nhưng tôi thích việc tôi có thể kiểm tra vài phút trước khi khởi hành, có thể đi lại dễ dàng và cảm thấy rất an toàn và thoải mái." Ông Carlo Barbante cho biết.
Là một nhà khoa học về khí hậu, ông Barbante luôn đi bằng tàu, "Nếu chúng ta cố gắng thuyết phục mọi người giảm lượng khí thải carbon của họ theo bất kỳ cách nào, chúng ta phải thực hiện bằng hành động. Tàu là một trong những cách đáng tin cậy nhất để giảm lượng khí thải carbon của bạn."
Tiếp đến, ngành đường sắt tại Ý đã cải tiến và vận tốc di chuyển giữa các điểm đến. Ông Carlo Barbante cho biết, bắt đầu từ vài năm trước, Ý đã có những chuyến tàu siêu tốc dừng ở Venice, Padova và Rome, chỉ mất hơn ba giờ đồng hồ để di chuyển.
Ngày nay, chặng đường đó đã xuất hiện các điểm dừng bổ sung tại Ferrara, Bologna và Florence. Nhưng đó vẫn là con đường nhanh hơn so với đi bằng máy bay.
Số lượng hành khách di chuyển bằng tàu hỏa tại Ý đạt mức “khủng” từ 2012-2019. Nguồn: Statista.
Thứ ba, các chuyến tàu đều đem đến cảm giác thư giãn khi di chuyển. Barbante vừa trở về sau chuyến đi đến Geneva từ Venice, tất cả đều bằng tàu hỏa. "Nó rất thoải mái nên không có lý do gì để tôi phải di chuyển bằng chuyến bay. Bạn có tất cả thời gian để làm việc và thư giãn", vị giám đốc ấy nói. "Tôi nghĩ rằng tàu cao tốc đang chiếm một phần tốt trong thị trường vận tải nội địa. Chúng nhanh hơn và thoải mái hơn."
Cuối cùng, giá cả đi lại trên các chuyến tàu tại Ý vô cùng hợp lý. Hơn nữa du lịch đường sắt trong khu vực cũng được chính phủ trợ giá.
Từ thực trạng đường sắt Việt Nam
Quay trở lại với Việt Nam, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đầu tư cho ngành đường sắt nhiều năm qua chỉ chiếm khoảng 3% tổng mức đầu tư từ ngân sách Trung ương dành cho hạ tầng giao thông.
So với thế giới, vận tốc đường sắt Việt Nam còn tương đối khiêm tốn và chậm, trung bình 80-90km/giờ đối với tàu khách. Trong khi đó, tại các nước phát triển, vận tốc trung bình đối với vận chuyển hành khách vào khoảng 150-200km/giờ, đường sắt cao tốc trên 300km/giờ và siêu cao tốc có thể lên đến hơn 500km/giờ.
Ngành đường sắt Việt Nam liên tục có dấu hiệu “đi lùi” trong những năm gần đây. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Hiện nay, ngành đường sắt Việt Nam chủ yếu sử dụng công nghệ diezen (công nghệ thứ hai). Trong khi đó các nước trên thế giới đã sử dụng phổ biến công nghệ thứ ba (công nghệ điện khí hóa) và công nghệ thứ tư (điện từ).
Ngoài ra, mạng lưới đường sắt cũng không có kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác như cảng hàng không, cảng biển lớn và chưa có kết nối liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
… đến chiến lược giải bài toán dài hạn
Việt Nam đã nắm bắt được thực trạng trên cũng như nhận thấy được xu thế sử dụng tàu cao tốc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện đề án xây dựng đường sắt tốc độ cao trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua.
Theo Bloomberg, đường sắt tốc độ cao trên thế giới đã và đang cạnh tranh trực tiếp được với hàng không cả về giá và thời gian đi lại. Các chuyên gia của Bloomberg cho biết, trước đây hành khách có xu hướng đi máy bay với những chặng trên 1.000 km để rút ngắn thời gian. Song, đường sắt hiện nay đã liên tục phát triển những tuyến tốc độ cao và xoay chuyển cuộc chơi cạnh tranh với hàng không.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, vận tải hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần 1,08%. Để đạt được mục tiêu này, mạng lưới đường sắt quốc gia giai đoạn 2021-2030 được quy hoạch theo 16 tuyến với chiều dài 4.746,4 km. Đặc biệt, ưu tiên hàng đầu của nước ta là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với xây dựng trước 2 tuyến Hà Nội-Vinh và Nha Trang-TPHCM.
Ngoài những tuyến đường sắt tốc độ cao, dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 còn đề xuất xây dựng 8 tuyến đường sắt mới với 4 dự án kết nối cảng biển. Đồng thời, ngành đường sắt cũng ưu tiên xây dựng thêm các tuyến đường sắt liên vùng, kết nối trong 10 năm tới.
Cuối cùng, dự thảo cũng đề ra 47.269 tỷ đồng nhằm nâng cấp các tuyến đường sắt hiện tại trong giai đoạn 2021-203 giúp nâng cao năng lực hạ tầng, khai thác hiệu quả vận tải.
Đặng Sơn
Doanh nghiệp và Tiếp thị