Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng nếu từ đầu tháng 11 tới đây không tăng lại công suất lên gần 100% thì không chỉ thua lỗ, mà còn mất thị trường vì khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác.
Vừa làm vừa lo giữ chân khách hàng
Navigos Search, nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao, vừa công bố báo cáo cho hay tại miền Bắc, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ít hơn so với miền Nam nên đa số công ty dệt may vẫn duy trì sản xuất tốt. Rất nhiều công ty có thêm các đơn hàng từ các vùng khác tại châu Á chuyển về Việt Nam.
“Do đó, các công ty dệt may lớn và uy tín có đơn hàng rất ổn định, trong đó có những công ty đã nhận đơn hàng tới tận tháng 4-2022 và vẫn đang cần tuyển thêm lao động. Một số công ty còn cho biết lợi nhuận của họ thậm chí tăng gấp đôi trước đây” - báo cáo của Navigos Search thông tin.
Tuy vậy, ghi nhận thực tế tại nhiều công ty cũng cho thấy dù khách hàng chia sẻ, thấu hiểu việc các đơn hàng chậm giao là do giãn cách xã hội kéo dài nhưng bạn hàng không thể đợi lâu hơn và không thể thông cảm mãi. Đặc biệt, dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng DN tại nhiều nước vẫn mở cửa hoạt động bình thường, giao hàng đúng hẹn. Vì vậy, nếu DN Việt vẫn đóng cửa hoặc không tăng công suất dẫn đến chậm thực hiện hợp đồng thì đối tác nước ngoài sẽ cân nhắc việc chuyển đơn hàng sang quốc gia khác hoặc yêu cầu bồi thường hợp đồng.
Nhiều lĩnh vực đã mở cửa, tái khởi động mạnh mẽ để giữ chân khách hàng. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, thông tin hiện nay công ty chưa bị khách hàng hủy hợp đồng hoặc dịch chuyển đơn hàng sang nước khác. Các đơn hàng của ngành dệt may vẫn khá dồi dào. Song điều đáng lo nhất là công suất hoạt động để hoàn thành nhanh tiến độ giao hàng cho khách hàng lại đang gặp khó khăn.
“Lý do là hiện nay, nhiều công ty dệt may chỉ mới hoạt động được 50%-60% công suất. Một phần do lao động đã về quê, phần khác do lao động ở tỉnh chưa được tiêm vaccine nên chưa đủ điều kiện quay lại nhà máy. Trong bối cảnh trên, các DN đang cố gắng tăng công suất, tăng ca để bù đắp thiếu hụt lao động” - ông Hồng lý giải.
Ngành gỗ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Các nhà máy sản xuất của DN ngành đồ gỗ, nội thất đa phần mới hoạt động được 30%-40% công suất do thiếu lao động, thiếu công nhân. Dù hiện nay các đơn hàng của đối tác nước ngoài vẫn chưa dịch chuyển sang nước khác nhưng ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sadaco, cho rằng cần phải tăng công suất mới kịp giao đúng tiến độ đơn hàng.
“Nếu không tăng được công suất từ tháng 11 năm nay thì khách hàng sẽ chuyển đơn hàng là chắc chắn. Vì các bạn hàng ở châu Âu, Mỹ cho biết họ đang tập trung tung hàng khai thác thị trường dịp lễ Noel, đón năm mới 2022. Nếu các DN Việt Nam chậm tiến độ thì họ đặt hàng nơi khác” - ông Mạnh chia sẻ. Ngoài ra, ông Mạnh cho hay với công suất thấp như hiện nay thì các DN lỗ, phải tăng lên 80%-90% may ra mới có chút lợi nhuận.
Nhiều doanh nghiệp bị phạt hợp đồng Tại tọa đàm “Chung tay vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may - da giày” vừa diễn ra, đại diện Hiệp hội Dệt may (VITAS), Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết gần 70% DN da giày, dệt may đã bị đối tác phạt hợp đồng vì giao hàng trễ hơn dự tính ban đầu. Hơn 12% nhãn hàng hủy đơn hàng, yêu cầu DN phải đền và khoảng 21% chủ động hủy, không bắt DN bồi thường. Đó là chưa kể nhiều đơn hàng cũng bị dịch chuyển. Tuy vậy, sự dịch chuyển tạm thời chứ không phải lâu dài. |
Thống nhất việc đi lại, tiêm vaccine liên tỉnh cho người lao động
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), đánh giá: Khi các nhà sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại, họ đã chuẩn bị rất kỹ các phương án sống chung an toàn với dịch, có giải pháp khi có ca F0 tại nhà máy.
“Hầu hết công ty đã mua thiết bị y tế dự phòng, thiết lập khu chăm sóc y tế riêng kết nối với y tế địa phương để tổ chức cách ly nếu phát hiện có ca bệnh, cũng như chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong khi chờ địa phương xử lý” - ông Phương dẫn chứng.
Cũng theo ông Phương, một trong những giải pháp quan trọng nhất lúc này là các DN cần truyền thông cho khách hàng quốc tế biết rõ kế hoạch phục hồi để họ không dịch chuyển đơn hàng sang thị trường khác. Đồng thời để các bạn hàng có niềm tin về thị trường hoặc họ sẽ có kế hoạch rõ ràng cho việc đặt hàng. Bản thân HAWA sẽ tiến hành hội thảo truyền thông thị trường cho các khách hàng quốc tế, công bố kế hoạch phục hồi cho các đối tác.
“Truyền thông tích cực nhằm tránh tình trạng đối tác hoảng loạn, rút đơn hàng khỏi Việt Nam. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng như các tỉnh, thành phối hợp với DN mở lại sản xuất triển khai chính sách tiêm vaccine liên tỉnh cho người lao động. Ví dụ đưa công nhân ở quê lên TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương rồi tiêm vaccine, hỗ trợ chi phí ăn, ở cho người lao động trong thời gian chờ sau tiêm” - ông Phương đề xuất.
Đặc biệt, các địa phương cần có sự phối hợp đồng bộ để tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại. Nếu việc đi lại chưa thống nhất, chưa thông suốt thì các DN khó hồi phục sản xuất.
Các doanh nghiệp kiến nghị đẩy mạnh tiêm vaccine cho công nhân để có thể hoạt động trở lại bình thường. Ảnh: QUANG HUY
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), gợi ý: Trước hết, các công ty Việt Nam phải làm việc lại với khách hàng, phân loại khách hàng để tiếp cận cũng như bàn bạc kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo khả năng của mình. Về mặt nhà nước, TP.HCM cần có các chính sách xúc tiến thương mại, gọi lại “Refresh TP.HCM”, nghĩa là làm mới lại TP.HCM, qua đó cho khách hàng thấy được TP là điểm đến an toàn, đáng để đầu tư.
Ông Dũng thông tin thêm: Hiệp hội đang chuẩn bị kiến nghị lãnh đạo TP.HCM nhiều giải pháp thúc đẩy phục hồi sản xuất, trong đó có nội dung nên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại hằng tuần với các nước. Theo đó, TP sẽ đứng ra mời để khách hàng, đối tác thấy được sự trọng thị của chính quyền.
“Về việc thu hút lao động trở lại thì trước hết, bản thân các DN phải chủ động chứ không có ai làm thay được. Các DN phải liên lạc, kết nối lại với người lao động, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ về tài chính, đi lại, chỗ ăn, ở… để họ có thể quay lại làm việc. Trên tinh thần đó, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các thủ tục để đón người lao động đến hoặc vấn đề lưu thông đi lại giữa các địa phương. Đồng thời, cả DN và chính quyền cùng lo khu ở ổn định cho người lao động” - ông Dũng nói.
Bộ đề xuất điều chỉnh giờ làm thêm Để tạo điều kiện cho DN kịp thời đáp ứng các đơn hàng, Bộ LĐ-TB&XH mới đây đã xây dựng dự thảo điều chỉnh giờ làm thêm của người lao động. Dự thảo được xây dựng theo hướng bỏ giới hạn làm thêm tối đa 40 giờ/tháng, áp dụng tổng số giờ làm thêm tối đa 200-300 giờ/năm cho tất cả ngành nghề thay vì một số ngành đặc thù như quy định hiện hành. Thời gian dự kiến điều chỉnh quy định về giờ làm thêm nêu trên được đề xuất có hiệu lực đến ngày 31-12-2024. Bởi theo tính toán, đây là thời điểm DN đã phục hồi và cũng không gây quá tải cho người lao động khi phải làm thêm liên tục trong thời gian dài. Phải dứt khoát thay đổi tư duy “zero COVID” Nhiều công ty cho hay dù Chính phủ đã có chủ trương “sống chung với dịch COVID-19” nhưng mỗi địa phương vẫn làm mỗi kiểu. Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, đánh giá một trong những bất cập hiện nay là mỗi địa phương vẫn áp dụng các biện pháp khác nhau trong kiểm soát di chuyển của người lao động. Vì vậy, ông đề nghị các địa phương căn cứ trên các tiêu chí Chính phủ đưa ra để triển khai, thay vì phụ thuộc vào quyền địa phương này, địa phương kia. Ông Hải cũng cho rằng khi đã thay đổi chủ trương chống dịch từ “zero COVID” sang thích ứng, sống chung với dịch COVID-19 thì cũng cần chuyển hướng chống dịch từ tập trung sang phân tán. Tức là trao quyền cho DN tự chủ động xét nghiệm, tự chủ các biện pháp phòng chống dịch... |