vĐồng tin tức tài chính 365

Những kỷ niệm khó quên của bác sĩ quân y chi viện cho TP.HCM

2021-10-18 07:27

Trung tá Nguyễn Minh Phương hiện là bác sĩ CKII tại BV 105 (Học viện Quân y). Gần hai tháng qua, anh cùng Trung sĩ Đỗ Việt Vương, sinh viên năm thứ năm tại Học viện Quân y, tham gia công tác tiêm vaccine, xét nghiệm SARS-CoV-2 và điều trị F0 tại Trạm y tế lưu động (TYTLĐ) phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Xúc động khi người bệnh xin thực phẩm

Ngày 23-8, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường. Ở Học viện Quân y, Trung tá Phương cùng đồng đội mang ba lô hành lý lên xe ra sân bay Nội Bài vào TP.HCM, đến tiếp quản hơn 30 TYTLĐ ở các quận, huyện và TP Thủ Đức. “Chúng tôi đến vào đúng ngày TP thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường. Đường phố vắng lặng, tĩnh mịch” - Trung tá Phương nhớ lại. Sau buổi tập kết, anh và hai học viên của học viện được phân về TYTLĐ phường An Khánh.

Trung tá Phương cho biết ba tuần đầu anh đến làm việc tại phường An Khánh, mỗi ngày TYTLĐ tiếp nhận khoảng 40-50 F0 mới phát hiện, chưa kể hàng ngàn bệnh nhân đang phải cách ly, điều trị. Ngoài điều trị cho họ, anh và hai học viên còn phải tham gia công tác tiêm vaccine, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân tại phường. Công việc nhiều, lực lượng mỏng, anh và hai học viên quyết định lập một nhóm Zalo, kết nối với những bệnh nhân COVID-19 để điều trị, tư vấn, khám cho họ từ xa. Các bệnh nhân được cho vào nhóm khi cần thuốc, có triệu chứng bệnh hoặc cần hỗ trợ tâm lý thì nhắn lên nhóm để bác sĩ xem và giải quyết.

Điều khiến Trung tá Phương không bao giờ quên khi đến TP.HCM lần này là những lần đến điều trị cho các F0 đang cách ly, theo dõi sức khỏe tại những căn nhà lụp xụp, không gian sống chật hẹp. Có người vì kinh tế kiệt quệ đã xin tiền và thực phẩm của bộ đội. Nhìn họ, Trung tá Phương không giấu được xúc động. “Dân họ khổ quá, nhìn rất thương tâm!” - giọng Trung tá Phương xúc động.

Vị trung tá vẫn còn nhớ đến một F0 có bệnh nền suy thận, sống trong căn phòng trọ rộng chỉ hơn 10 m2. Ban đầu người này không có triệu chứng nên được cách ly, theo dõi tại nhà. Khi Trung tá Phương nhận được tin báo của người nhà, bệnh nhân đã rơi vào trạng thái suy hô hấp. Nhóm của Trung tá Phương vội vàng mặc đồ bảo hộ, người chở bình ôxy, người mang dụng cụ cấp cứu nhanh chóng đến nơi người bệnh ở. “Bệnh nhân có bệnh nền nên nhanh chóng rơi vào trạng thái nguy kịch, chúng tôi phải vừa cấp cứu vừa chờ xe cứu thương đến suốt 4 giờ liền” - Trung tá Phương kể.

Khó khăn nhất là những F0 gặp vấn đề về tâm lý khi biết mình có kết quả dương tính. Điển hình là một phụ nữ trong gia đình có chồng và con mất do nhiễm COVID-19 trước đó. Khi biết mình có kết quả dương tính, chị bị hoảng loạn, sợ chết, không ăn ngủ được, liên tục gọi điện thoại cầu cứu bác sĩ. 2 giờ sáng, chị gọi điện thoại đến TYTLĐ nói đang rất sợ và muốn được đi cấp cứu. Ngay lập tức, nhóm của Trung tá Phương đến nhà người bệnh hỗ trợ. “Với những bệnh nhân này, ngoài cấp thuốc, dinh dưỡng, chúng tôi sẽ tập trung vào điều trị tâm lý cho họ. Làm được điều này đòi hỏi mình vừa phải hài hước, tâm lý, lại vừa phải nghiêm khắc một chút. Và chúng tôi đã thành công” - Trung tá Phương chia sẻ.

Những kỷ niệm khó quên của bác sĩ quân y chi viện cho TP.HCM - ảnh 1
Trung tá Phương và Trung sĩ Vương tại Trạm y tế lưu động phường An Khánh. Ảnh: PHAN THÂN 

“Người dân TP.HCM rất dễ thương”

Tôi thấy người dân TP rất cởi mở, dễ thương, nhiệt tình và dễ mến. Có những người bệnh khi được xuất viện, họ liên tục nói cám ơn bác sĩ rồi khóc vì hạnh phúc. Có người chỉ được tôi tiêm vaccine hay lấy mẫu xét nghiệm, họ vẫn nói cám ơn. Có người dù kinh tế không khá giả, thu nhập những ngày dịch không có nhưng thấy chúng tôi đi lại khó khăn đã cho mượn xe, mang đồ ăn, nước uống qua cho.

Trung sĩ ĐỖ VIỆT VƯƠNG 

Vất vả được đáp đền bằng số ca khỏi bệnh

Khi bắt tay vào công việc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM, nhìn số F0 đang cách ly tập trung và xem số liệu báo cáo số người có kết quả dương tính mới tại phường liên tục tăng, Trung sĩ Vương như bị ngợp.

Hôm đó anh đến điều trị cho một F0 lớn tuổi, có dấu hiệu chuyển nặng, đang sống ở khu nhà trọ lụp xụp. Căn nhà bà đang ở tường và mái xây bằng tôn. Không gian bên trong chật hẹp, nóng bức, đường đi bằng đất, nhìn rất tiêu điều. “Đây là lần đầu tiên tôi đến TP.HCM. Trong suy nghĩ của mình, tôi nghĩ TP là nơi sầm uất, nhộn nhịp. Tôi không nghĩ TP vẫn còn nhiều người phải sống trong căn nhà lụp xụp như vậy” - Trung sĩ Vương chia sẻ.

Khi Trung sĩ Vương và đồng đội bước vào nhà, cụ bà đang nằm thở dốc, nồng độ ôxy trong máu giảm sâu. Anh nhanh chóng đo chỉ số SpO2, cho người bệnh thở ôxy, hướng dẫn tập thở cho bà. Ca cấp cứu thành công. Khi các dấu hiệu chuyển nặng của người bệnh không còn, Trung sĩ Vương phát thuốc, hướng dẫn người nhà giúp cụ bà tập thở và dặn họ gọi cấp cứu ngay khi bà có dấu hiệu bất thường.

Đến nay, Trung sĩ Vương đã có gần hai tháng làm việc tại TYTLĐ phường An Khánh. Khoảng thời gian đó, cũng có lúc chàng sinh viên Học viện Quân y cảm thấy tủi thân vì bị người bệnh nổi cáu, mắng chửi, không hợp tác để điều trị. Để tiếp xúc và điều trị cho họ rất khó nhưng với phẩm chất của người lính, anh đã kiên trì, nhẫn nại, đối xử nhẹ nhàng, giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi. “Nhiều người bệnh họ có tâm lý hoảng sợ vì nghĩ mình bị nhiễm virus SAR-CoV-2 là sẽ chết” - Trung sĩ Vương nói. Điều khiến anh cảm thấy vui hơn là khi được lần lượt thông báo bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Những kỷ niệm khó quên của bác sĩ quân y chi viện cho TP.HCM - ảnh 2
Cuộc sống khó khăn của bệnh nhân COVID-19 khiến các bác sĩ quân y thương cảm. Ảnh: PHAN THÂN 

Giành sự sống trong gang tấc cho cụ bà bị đột quỵ

Trung sĩ Vương cho biết khi đến tiếp nhận TYTLĐ tại phường An Khánh, nhóm của anh đã công khai số điện thoại để người dân có thể gọi khi cần can thiệp y tế. Một lần, vừa đến nhà một F0, nhóm của Trung sĩ Vương nhận được cuộc gọi của người nhà một cụ bà bị đột quỵ. Vì không thể gọi xe cứu thương ở các bệnh viện (BV), họ phải gọi điện thoại đến TYTLĐ của phường. “Cụ bà lớn tuổi, đang sống với các con ở một căn phòng trọ. Bà bị cao huyết áp mấy năm nay. Vì kinh tế các con khó khăn, bà không thể đi khám, mua thuốc uống thường xuyên. Trong những ngày TP thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại, ăn uống cũng khó khăn” - Trung sĩ Vương nhớ lại.

Từng có kinh nghiệm cứu bệnh nhân đột quỵ, khi nhận thông tin, với sự giúp đỡ của anh dân quân tự vệ, nhóm của Trung sĩ Vương nhanh chóng đến nhà người bệnh. Một người có nhiệm vụ liên hệ với BV. Người còn lại thực hiện các thao tác cấp cứu cho người bệnh tại nhà. “Bà được cấp cứu trong thời gian vàng nên đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, bà cần phải chụp chiếu để được điều trị tốt hơn, chúng tôi đã chuyển bà đến BV” - Trung sĩ Vương nói. Khoảng một tuần sau, Trung sĩ Vương được người nhà gọi điện thoại báo tin cụ bà đã được xuất viện về nhà.

Bồi hồi rút quân khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Trung tướng, GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết thời gian qua học viện đã chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam 1.391 nhân sự, trong đó có 452 bác sĩ, điều dưỡng và 939 học viên ở các chuyên khoa hồi sức tích cực, đa khoa, xét nghiệm... từ năm thứ ba đến năm thứ sáu.

Tại TP.HCM, họ được chia thành các tổ, mỗi tổ ba người (gồm một bác sĩ và hai học viên) về tham gia điều trị F0, hỗ trợ tiêm vaccine và làm công tác xét nghiệm cho người dân ở hơn 300 TYTLĐ tại các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết hiện nay TP đang trở lại trạng thái bình thường mới, số ca F0 đang cách ly, điều trị và phát hiện mới đã giảm sâu nên lực lượng quân y sẽ bắt đầu rút quân khỏi TP từ ngày 15-10 và sẽ hoàn tất rút quân vào ngày 30-11. 

Xem thêm: lmth.4732201-mchpt-ohc-neiv-ihc-y-nauq-is-cab-auc-neuq-ohk-mein-yk-gnuhn/eohk-cus/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những kỷ niệm khó quên của bác sĩ quân y chi viện cho TP.HCM”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools