François Bibonne trong quá trình làm phim tài liệu Once upon a bridge in Vietnam
Bộ phim tài liệu Once upon a bridge in Vietnam về Việt Nam thông qua âm nhạc cổ điển đang được François Bibonne hoàn tất những bước cuối cùng để ra mắt vào mùa đông năm nay như một món quà, một lời chào với đất nước mà mỗi ngày anh lại khám phá thêm rất nhiều điều lý thú.
Phải lòng từ lần đầu tiên
Có bà nội là người Việt - bà Therese Nguyễn Thị Koan - ở tuổi niên thiếu và tuổi trẻ, trí óc François Bibonne được lấp đầy những hình ảnh về Việt Nam qua những câu chuyện của bà. Những món ăn Việt, âm nhạc, thời trang, thiên nhiên tươi đẹp và lịch sử hào hùng...
Nhưng François Bibonne chưa từng đến Việt Nam cho tới khi người bà dịu hiền, tinh tế của anh qua đời 3 năm trước.
Anh đến Việt Nam lần đầu năm 2018 trong một dự án với công ty du lịch, đến Hà Nội, Sa Pa, Ninh Bình. Lập tức anh đã phải lòng phong cảnh thiên nhiên, con người và nền văn hóa rất khác biệt nơi đây.
Once upon a bridge in Vietnam - Trailer Tiếng Việt
François Bibonne không muốn mình chỉ là một khách du lịch trên đất nước của bà nội. Anh trở lại vào đầu năm 2020, ở lại Việt Nam trong 15 tháng liên tục để làm bộ phim tài liệu đầu tiên của mình. Anh chọn âm nhạc để kể câu chuyện về xứ sở diệu kỳ mà anh ngỡ mình sẽ còn phải tìm học rất nhiều về nó.
Chọn kết cấu của bộ phim đi theo hành trình của tác giả qua nhiều tỉnh thành của Việt Nam để khám phá nền âm nhạc cổ điển đặc sắc của đất nước mà ban đầu anh còn hoài nghi "không biết họ có dàn nhạc không", máy quay lê theo François Bibonne đi qua các nhà hát, các sân khấu lộng lẫy của Hà Nội, Sài Gòn, lại về các miền quê Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Trên hành trình ấy, những vẻ đẹp choáng ngợp của phong cảnh nông thôn, cùng những câu chuyện âm nhạc thú vị được hiển lộ bằng những khung hình đẹp.
Như chuyện cây kèn đồng của người Pháp mang tới từ thế kỷ 19 hiện vẫn còn được người dân giữ gìn ở Nam Định, chuyện lớp học violon nơi một ngôi chùa bên cánh đồng của làng Then, ngôi làng có nhiều thế hệ nối tiếp cùng chơi violon, chuyện nuôi giữ làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh của những người dân quê, chuyện cả gia tộc hát ca trù ở Hà Nội, hay những nghệ sĩ ở Sài Gòn rất giỏi tiếng Pháp...
Tất cả để kể về một Việt Nam thật giàu có và độc đáo cả về thiên nhiên và văn hóa.
François Bibonne làm phim Once upon a bridge in Vietnam
15 tháng ở Việt Nam làm phim François Bibonne dạy tiếng Pháp và tiếng Anh để kiếm sống. Và chỉ với chiếc máy ảnh có chức năng quay phim nhỏ gọn, anh đã đi nhiều tỉnh thành để khám phá chính những đổi thay trong mình nhờ vào những điều học được từ đất nước này.
Dự án phim tài liệu có thể thay đổi cuộc đời François Bibonne này đang trong giai đoạn xử lý hậu kỳ và tác giả đang kêu gọi đóng góp cộng đồng (crowdfunding) tại https://igg.me/at/ouab/x/25181710#/ để hoàn thiện và ra mắt bộ phim vào mùa đông năm nay. 10% giá trị của chiến dịch gây quỹ sẽ được đóng góp vào hoạt động trồng tre gây rừng ở Yên Bái anh từng tham gia khi làm bộ phim tài liệu của mình.
Một thế giới tươi đẹp ngay trong đời thực
Once upon a bridge in Vietnam được xuất phát trước tiên từ mục đích cá nhân để François Bibonne khám về đất nước nguồn cội của mình. Nhưng sau đấy, đất nước Việt Nam xinh đẹp mà đạo diễn trẻ tìm thấy đã khiến anh choáng ngợp và cảm động đến độ anh muốn dành tặng bộ phim đầu tay của mình tới thật nhiều người trẻ trên thế giới.
Để họ hiểu hơn về Việt Nam, biết Việt Nam có cả một kho báu về văn hóa và thiên nhiên chứ không phải chỉ có những cuộc chiến tranh anh hùng hay những hình ảnh thường khá hời hợt trên một số video quảng bá du lịch.
François Bibonne làm phim Once upon a bridge in Vietnam
François Bibonne còn muốn bộ phim tài liệu này dành cho những người yêu âm nhạc, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam, để họ hiểu đất nước mình tươi đẹp và đầy cảm động hơn nhiều cái thế giới trên những nền tảng mạng xã hội mà nhiều bạn trẻ đang tiêu tốn thời gian để ngắm nhìn. "Tôi muốn những người trẻ tập trung nhiều hơn vào những thứ thực sự thú vị ở ngay đời thực mà các bạn đang sống", François Bibonne nói.
Phim tài liệu tiếp theo của François Bibonne tại Việt Nam dự kiến đề cập đến bối cảnh truyền thống và đương đại giữa nhạc cụ Việt Nam và âm thanh điện tử. Hành trình cho bộ phim này sẽ là Huế để khám phá âm nhạc cung đình, các tỉnh Tây Nguyên với văn hóa cồng chiêng. Dự án tiếp theo có thể là ở Sài Gòn.
François Bibonne là công dân của thành phố Fontainebleau (Pháp), có bà nội là người Việt. François Bibonne học piano từ nhỏ, đã có 15 năm chơi piano nhưng không theo đuổi sự nghiệp âm nhạc như anh từng mong muốn, mà lấy bằng thạc sĩ lịch sử Đại học Sorbonne.
Từng làm quản lý truyền thông tại Nhạc viện Fontainebleau đặt tại cung điện Fontainebleau, nơi có vẻ đẹp cổ điển, giàu chất điện ảnh và cũng là môi trường học nhạc cổ điển Pháp cho các sinh viên Mỹ, nên anh tìm thấy tình yêu với âm nhạc và điện ảnh. Những điều này đã dẫn François Bibonne đến với bộ phim tài liệu đầu tay Once upon a bridge in Vietnam.
TTO - Phim Hàn Quốc 'The Apartment with Two Women' và phim Trung Quốc 'Farewell, My Hometown' cùng giành giải New Currents tại Liên hoan phim quốc tế Busan. Cả hai phim đều có chủ đề nữ giới.
Xem thêm: mth.16972930181011202-ioc-nougn-ev-mit-ed-mihp-mal/nv.ertiout