Hồ Con Rùa giữa tháng 10-2021 - Ảnh: Q.V.
TP.HCM, sáng 15-10-2021, tròn hai tuần được nới lỏng giãn cách vì đại dịch. Trên những ghế gỗ đặt quanh hồ Con Rùa, vài đôi bạn trẻ đang tâm tình chuyện yêu thương. Một nhành hoa hồng đỏ thắm được chàng trai trao tặng cô gái kèm những lời e ấp thoảng bay trong gió...
Nơi chốn một thời thơ mộng
Nhìn hình ảnh lãng mạn vẫn xuất hiện giữa tháng ngày cực kỳ khó khăn của thành phố, tôi như sống lại ký ức thời sinh viên hơn 25 năm trước. Đất nước ngày ấy đang bước dần vào giai đoạn phát triển. Thế hệ sinh viên chúng tôi được ngồi yên ấm ở giảng đường mà không còn phải ngửi mùi thuốc súng.
Ở Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (Đại học Văn khoa Sài Gòn cũ), chúng tôi hay có điểm đến cuối tuần chính là hồ Con Rùa, vòng xoay thơ mộng giữa ba con đường xưa cũ Phạm Ngọc Thạch - Võ Văn Tần - Trần Cao Vân.
Nơi này gần trường tôi học trên đường Đinh Tiên Hoàng, mà hầu hết chàng sinh viên thời ấy còn đi xe đạp, có ngượng nghịu chở bạn gái cũng chưa phải đẫm mồ hôi lưng áo. Hồ Con Rùa không chỉ dập dờn mặt nước mà còn có rất nhiều tán cổ thụ mát rượi. Còn gì thú vị bằng những buổi vui đùa hồn nhiên của tuổi trẻ hay đôi lứa e ấp vào đường yêu dưới bóng mát hàng xanh.
Trong gia đình, tôi là thế hệ thứ hai dạo chơi hồ Con Rùa. Từ những năm 1960, mẹ tôi đã hóng mát nơi này khi còn là cô nữ sinh Trường Áo Tím (còn gọi Trường nữ sinh Gia Long, sau năm 1975 là THPT Nguyễn Thị Minh Khai).
Ngôi trường nằm trên đường Phan Thanh Giản ngày ấy, nay là Điện Biên Phủ, các nữ sinh có thể dạo bộ nhẹ nhàng dưới bóng mát hàng cây xanh vỉa hè cũng tới chơi được hồ Con Rùa. Đó là thời chiến tranh khốc liệt, nhưng mẹ tôi kể nhiều người trẻ tháng ngày ấy vẫn sống lãng mạn trong đạn bom.
Nắm tay nhau dạo chơi bên hồ, bao chàng trai đã ngân nga tặng người yêu những câu hát lãng đãng mộng mơ: "Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ. Chim non lề đường, nằm im giấu mỏ. Anh theo Ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê...". Bài thơ của Phạm Thiên Thư được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc đã làm lay động bao con tim.
Đến thời tôi, cậu sinh viên bước vào giảng đường năm 1993, lại tiếp tục mải mê trở về nơi chốn mà mẹ cha tôi từng thả hồn hơn 20 năm trước. Tôi lớn lên sau chiến tranh, đâu biết gì nhiều chuyện năm xưa. Mẹ tôi kể thay đổi thời cuộc làm đổi thay nhiều thứ, nhưng may mắn là hồ nước giữa giao lộ mộng mơ này vẫn còn đó với thời gian. Nhưng thật ra, ký ức của mẹ tôi, cô nữ sinh từ giữa thập niên 1960 khi hồ Con Rùa đã được chỉnh trang. Trong lịch sử, nơi này chính là chứng tích của chiến tranh, đô hộ, rồi lại chiến tranh khốc liệt cho đến thời hòa bình của thế hệ tôi.
Thời nhà Nguyễn, khi hạm đội Pháp chưa chiếm đóng Gia Định, vị trí hồ Con Rùa chính là cổng thành Khảm Khuyết trên trục lộ thẳng ra bờ sông. Đánh chiếm được năm 1859, đô đốc Rigault de Genouilly đã cho đặt thuốc nổ phá bỏ thành Gia Định. Các đô đốc làm soái phủ Nam Kỳ đến những toàn quyền dân sự sau này đã dần dần chỉnh trang lại Sài Gòn theo nền văn minh phương Tây.
Vị trí hồ Con Rùa là giao lộ của đường Catinat nối dài (đầu năm 1897 đổi tên Blancsubé) với đường Laclause (đầu năm 1897 đổi tên Testard) và đường Laclauze (năm 1943 đổi tên đường Verdun). Theo thứ tự này, hiện nay là ba con đường rợp bóng cây xanh trăm năm của thành phố: Phạm Ngọc Thạch - Võ Văn Tần - Trần Cao Vân.
Tuy nhiên, trước năm 1975 chỉ có con đường mang danh anh hùng Trần Cao Vân là đã được đặt từ năm 1955 trong phong trào "hạ bệ" tên Pháp của chính quyền ông Ngô Đình Diệm. Riêng hai đường Phạm Ngọc Thạch và Võ Văn Tần từng mang danh phận khác là Duy Tân - Trần Quý Cáp cho đến bước ngoặt lịch sử năm 1975.
Hồ Con Rùa ngày nay vẫn rợp bóng xanh cổ thụ - Ảnh: TỰ TRUNG
Đổi thay và phát triển
Thế hệ tôi trưởng thành sau chiến cuộc chỉ biết hồ Con Rùa, chốn rong chơi thơ mộng của sinh viên và những mối tình đầu, nhưng trong quá khứ nơi này đã trải qua bao phen đổi thay như gió bụi lịch sử.
Năm 1878, một tháp nước được xây dựng tại vị trí này. Đến năm 1921, nó được dỡ bỏ để dựng tượng đài ba người lính Pháp, biểu tượng của cuộc xâm lược Đông Dương.
Sang thời ông Ngô Đình Diệm, tượng đài này nhanh chóng bị phá bỏ, và khoảng giữa thập niên 1960 thì công trường mới được xây dựng theo bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ. Trung tâm là hồ bát giác với các lối cầu đi trên mặt nước uốn lượn như hình âm dương bát quái. Và điểm nhấn của hồ chính là con rùa đồng trên mặt hồ và đài hoa hướng cao lên bầu trời...
Trong ký ức mẹ tôi, nơi này từng được gọi ba tên là Công trường chiến sĩ, Công trường Quốc tế và hồ Con Rùa. Sau năm 1975, con rùa đồng bị phá mất trong một vụ nổ mìn, nhưng tên quen gọi hồ Con Rùa vẫn còn mãi đến tận bây giờ. Từng có giai thoại con rùa đồng này chính là ý đồ nhờ thầy phong thủy người Hoa trấn yểm bảo vệ chiếc ghế tổng thống của ông Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng trong một lần đưa giáo sư sử học Đỗ Văn Ninh dạo chơi nơi này khi ông vào miền Nam, tôi đã nghe ông không đồng ý giả thuyết phong thủy hư ảo đó.
"Nếu ông Thiệu lậm phong thủy người Hoa, tôi không tin ông ấy lại chọn nơi làm việc là dinh Độc Lập bị đường Thống Nhất, mà nay là đường Lê Duẩn đâm thẳng vào" - giáo sư Ninh khẳng định. Và ông Ninh chính là một chuyên gia về thành cổ Việt Nam.
Thôi thì lịch sử đã sang trang. Chuyện tượng đài ba người lính, chuyện đúng - sai phong thủy hồ Con Rùa thời đạn bom cũng đều đã thành gió bụi bể dâu. Nhưng mặt hồ rợp bóng xanh mát vẫn còn đó, vẫn đi vào hồn người Sài Gòn bao thế hệ.
Lứa chúng tôi chính là chứng nhân cho sự đổi thay phát triển nơi chốn hẹn hò này. Từ thập niên 2000, nhịp sống hiện đại đã soi bóng hồ bát giác. Từ những quán cà phê mang tên như Windows đầy hơi hướm IT hấp dẫn tuổi trẻ một thời, đến những quán mang hồn nét hiện nay như Phúc Long, Nghệ Thuật... Và tất nhiên cũng không thiếu những tên Tây thời thượng như Highlands Coffee, Phin Deli, Félicité, Passio...
Nếu cà phê là điểm nhấn của vòng tròn mặt tiền hắt bóng ra hồ Con Rùa, thì trục đường Phạm Ngọc Thạch thời nay như phố ngân hàng sang trọng với các tên tuổi Sacombank, Nam Á, NCB, VPBank... Đặc biệt ngay đối diện với Trường đại học Kinh tế là tòa nhà ngân hàng lộng lẫy như chắp thêm đôi cánh ước mơ cho cô cậu sinh viên học đường làm ăn.
Ở trục ngang, đường Trần Cao Vân lại như phố ăn uống đầy bản sắc. Lứa tôi vào đời, đi làm có chút tiền, đã nếm thử bánh tôm Tây Hồ nổi tiếng dài lâu trên đường này. Và bây giờ vẫn đang san sát các quán ăn xưa cũ lẫn hiện đại ở đoạn đường chỉ vài trăm mét, từ Shaburi Buffet đến những món dân dã như bánh mì kẹp, hủ tíu Con Gà Trống, cơm tấm, cao lầu xứ Quảng...
Tôi giờ chưa già nhưng cũng không còn trẻ nữa, vậy mà cuối tuần vẫn thích dạo chơi hồ Con Rùa. Tôi hay mua một ổ bánh mì kẹp và một ly cà phê mang đi, rồi chọn góc ngồi bên hồ lặng nhìn những đôi bạn trẻ e ấp chuyện tương lai...
Bạn bè ở nước ngoài về chơi, tôi hay dẫn đi hồ Con Rùa. Ai cũng thích những vỉa hè rợp bóng xanh cổ thụ, mà nhiều gốc cây lớn đến vài người ôm không xuể. Có lẽ hiếm nơi nào ở Sài Gòn còn nhiều cổ thụ như nơi này. Đặc biệt, từ đây cũng dễ dàng dạo chơi những nơi khác như nhà thờ Đức Bà, dinh Độc Lập, Bưu điện thành phố, Đường sách...
Nếu chọn giao lộ nào là biểu trưng cho sự phát triển của Sài Gòn, tôi sẽ chọn vòng xoay Chú Ía. Ở nơi này nhìn thấy máy bay lên xuống và đại lộ mới mở Phạm Văn Đồng rộng thênh thang...
Kỳ cuối: Chú Ía, giao lộ đổi thay
TTO - Từ ngã sáu Cộng Hòa đi xe máy khoảng 5 phút là đến ngã sáu Nguyễn Tri Phương. Và rồi cũng bằng thời gian ấy theo đường Ngô Gia Tự sẽ gặp một ngã bảy rộng lớn, quen gọi là ngã bảy Lý Thái Tổ.